Những “vũ khí” PewPew sử dụng trong talkshow “gamer là lũ không có tương lai” - Phần 1

Monster 26/03/2016 00:19

(Game8) - Các kiến thức và thủ pháp PewPew sử dụng không mới, nhưng nếu hiểu được nó bạn hoàn toàn có thể giải thích cho một người hiểu lầm về game hiểu đúng game và gamer là gì.


Ngày 24/3/2016 vừa qua, cuộc trò chuyện giữa PewPew và Mai trong talkshow “gamer là lũ không có tương lai” để trao đổi và làm rõ hơn vấn đề nhìn nhận của Mai về cộng đồng game thủ. Kết quả có vẻ ai cũng biết khi Mai công nhận mình đã sai khi vơ đũa cả nắm và viết bài viết chỉ trích của mình trong tình trạng tức giận.

 

PewPew đã sử dụng nhiều kiến thức hay để giải thích rõ nỗi oan của game thủ

 

Như PewPew cũng nói trong talkshow, đây không phải một cuộc cãi vã hay làm rõ xem ai đúng ai sai mà chỉ là cuộc trò chuyện để hiểu nhau hơn. Người viết cũng không đặt nặng chuyện ai thắng ai thua trong talkshow mà chỉ phân tích những kiến thức hữu ích giúp game thủ giải thích được khi bị rơi vào trường hợp phải đối thoại cân não như PewPew.

 

Không chỉ kiến thức về game, nhiều thủ pháp khác khi tranh luận vấn đề rất hay cũng được PewPew áp dụng. Hãy cùng xem từng yếu tố trong cuộc trò chuyện này nhé.

 

Kỳ 1: Những vấn đề liên quan đến game

 


Game là một hình thức giải trí


Đầu tiên, để “hạ nhiệt” một người đang có thành kiến với game, bạn cần giải thích rằng game là một môn giải trí bình thường như bao hình thức giải trí khác như xem phim, nghe nhạc, chơi thể thao. Pew cũng khẳng định mình đang rất muốn game được nhìn nhận như một hình thức giải trí phổ thông và đơn giản là vậy.

 

Trong thời sơ khai, các công ty game đều sử dụng cụm từ "Interactive Entertainment" (Giải trí có tương tác)

 

Game là một môn giải trí, nó có tác dụng làm thoải mái thần kinh vì thế người thưởng thức nó đến với nó như một nhu cầu cơ bản để “giãn” bớt những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Đó là lý do những nơi càng nhiều áp lực, nhưng thành phố lớn, lại càng có đông người chơi game đơn giản là vì nhu cầu giải trí.

 

Mặt trái của game là điều không thể chối cãi nhưng lỗi không nằm ở game

 

Mai đã sử dụng một vũ khí tối thượng mà bất kỳ người căm ghét game nào cũng sử dụng, đó là mặt trái của game. Những đứa trẻ chơi game bỏ học, những thanh niên chơi game ngày đêm quên cả ăn uống. Đó là những chuyện xảy ra thật không ai có thể phủ nhận những trường hợp này.

 

Ai cũng có một tuổi thơ mê chơi

 

PewPew đã không phủ nhận điều đó và anh chuyển sang giải thích vấn đề này một cách căn bản nhất. Đầu tiên anh thừa nhận cả những sai lầm này như một điều hiển nhiên “tuổi thơ ai cũng có sai lầm”, đó là ý của anh khi gắn sự mê chơi của trẻ con với biểu hiện mê game. Trẻ con thời nào cũng có bệnh mê chơi, ai từng trải qua tuổi thơ bình thường cũng nhận ra điều này. Thời đại công nghệ thì khác một chút là game thay thế cho những trò chơi xưa cũ khác, nhưng tật mê chơi thì trẻ con thời nào cũng có.

 

Thời nay vẫn ham chơi, chỉ có trò chơi là thay đổi theo thời đại

 

Đối với những người lớn chơi game quá độ, PewPew cũng giải thích rõ, cái gì quá cũng không tốt. Nó tùy thuộc vào mỗi người tiếp nhận đam mê của mình một cách nhẹ nhàng hay cực đoan. Anh cũng đưa ra ví dụ rất rõ ràng: “Xem đá bóng thì rất bình thường, nhưng xem đá bóng xong đi cá độ bán cả nhà thì rõ ràng là không tốt”. Điều này giải thích rất rõ, bản thân game là một công cụ giải trí, nhưng nghiện game hay không là do mỗi người tiếp nhận game ra sao. Không phải ai xem bóng đá cũng cá độ, không phải ai chơi game cũng là thằng nghiện game bê bết.

Ở đây Pew đã bỏ qua không nhắc đến một luận điểm quan trọng, đó là tỷ lệ người nghiện game trên tổng số game thủ. Chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt khi so vài trăm trường hợp nghiện game với tổng số vài triệu game thủ ở Việt Nam. Có lẽ cuộc nói chuyện tập trung vào trường hợp của Mai nên Pew không muốn tính rộng ra.

 

Game là một đam mê

 

PewPew luôn nhắc điều đó trong cuộc nói chuyện của mình. Game là một đam mê, đối với bản thân anh và những game thủ “không bị nghiện” khác. Có không ít những người có tâm huyết với game không ngừng nỗ lực cho niềm đam mê của mình. PewPew cũng đưa ra dẫn chứng những vận động viên của những môn thể thao ít nổi tiếng, âm thầm luyện tập cả đời nhưng không một lần bước lên đài vinh quang vì bộ môn của mình chưa được chấp nhận rộng rãi. Game cũng là một niềm đam mê như vậy.

 

Đam mê không hẳn phải đào ra tiền

 

Đây là một điều khiến Mai và PewPew phải giải thích rõ quan điểm của mình, trong khi Mai cho rằng mê game phải làm cái gì đó để kiếm tiền từ đam mê của mình. Trong khi đó Pew tỏ ra thoáng hơn khi cho rằng đam mê là một phần của cuộc sống, không bắt buộc nó phải ra tiền, ai cũng có đam mê và điều đó giúp người ta kiếm tìm hạnh phúc. Anh cũng không quên dẫn chứng những đam mê khác như mô hình, xe máy, ô tô, đánh cờ… Những đam mê không những khó kiếm tiền mà còn tốn ngược nhiều tiền vào đó.

 

Game là một đam mê một ước mơ bình thường như những ước mơ khác

 

Pew cũng nói rõ về đam mê game và muốn làm ra tiền từ game, đam mê đó không hẳn là ngồi chơi game. Con đường của người đam mê game rộng hơn và bao la hơn. Có người thích chơi game nên phấn đấu thành game thủ chuyên nghiệp. Có người thích phân tích một trận đấu game và họ trở thành bình luận viên hoặc đơn giản là khán giả xem eSports. Cũng có người thích tạo ra game từ ý tưởng của mình, họ trở thành nhà phát triển game và những nhân viên vận hành game.

(Còn tiếp)

Viết bình luận