Game mobile nên tập trung vào sự đơn giản

Anonymous 07/05/2014 14:00
(Game8) - Phong cách và nội dung đơn giản sẽ phù hợp với đặc thù kỹ thuật và tập khách hàng của các thiết bị di động hơn là sự phức tạp kiểu game PC.

Ngay từ buổi đầu phát triển, các game di động đã được thiết kế rất đơn giản và hầu như đi theo hướng minigame trên nền tảng java. Dần dần khái niệm smartphone ra đời cùng với các hệ điều hành ngày càng phức tạp hơn, cấu hình máy cũng mạnh hơn. Giờ đây các nhà làm game di động đang đứng trước ngã ba đường với 2 lối rẽ cho sản phẩm của mình: đơn giản hay phức tạp?


Hệ thống điều khiển

Điểm xung đột lớn nhất của vấn đề này nằm ở hệ thống điều khiển của game, đây cũng là nơi mà sự đối lập thể hiện rõ nhất. Với thế hệ điện thoại thông minh mới hiện nay, bàn phím cứng đã gần như bị loại bỏ thay vào đó là màn hình cảm ứng và bàn phím ảo. Thói quen điều khiển cũng theo đó mà thay đổi.

  
Cách chơi chạm - suy nghĩ - chạm đơn giản và phù hợp với màn hình cảm ứng hơn.

Có thể thấy khá rõ là các tựa game thu hút người chơi hiện nay đều có hệ thống điều khiển đơn giản và tương thích với màn hình cảm ứng. Flappy Bird người chơi chỉ cần 1 đầu ngón tay duy nhất để điều khiển trong game, tương tự là Three hay 2048 hiện đang thành trào lưu cũng có thiết kế điều khiển cực kỳ giản lược.

Ngược lại, đối với các game có hệ thống điều khiển phức tạp, quá nhiều tác vụ để thực hiện so với số lượng chạm mà người dùng có thể đáp ứng cùng lúc và nhà sản xuất phải tạo ra một bàn phím ảo trên màn hình với rất nhiều nút chức năng khác nhau. Vấn đề từ đây nảy sinh với các tựa game phức tạp, người chơi sẽ không chắc mình có bấm nút chưa, vì cảm giác chạm khá mông lung so với cảm giác ấn một nút vật lý. Chưa kể đến một số máy điện thoại giá rẻ vốn có màn hình cảm ứng khá yếu. 


Quá nhiều nút + mồ hôi tay + máy nóng = rơi máy khi đang chơi.

Mặt khác việc ấn bàn phím ảo, vốn được dùng phổ biến cho các game thể loại MMORPG hay bắn súng, khiến màn hình bị che mất 1 mảng lớn do phải để bàn tay lên các nút bấm. Tầm nhìn của người chơi sẽ hạn chế đáng kể. Khác với các game đơn giản như Flappy Bird người chơi có thể chạm bất cứ góc nào của màn hình hay 2048 người chơi có thể dừng để xem, các game hành động hoặc RPG người chơi cần phải nhìn toàn cảnh để phản ứng nhanh. 


2048 đặt người chơi vào trạng thái bấm - suy nghĩ hơn là bấm liên hồi.

Một hạn chế nữa của nút điều khiển ảo là nó bố trí cho phù hợp với các kích cỡ màn hình đa dạng vốn là một đặc thù kỹ thuật của mobile. Một bàn phím ảo bấm tốt trên điện thoại có thể sẽ rất bất tiện khi dùng cho máy tính bảng 7 inch hay 10 inch và ngược lại. Các nhà phát triển đã xử lý bất tiện này bằng cách ra phiên bản HD cho máy tính bảng với đồ họa đẹp hơn và các nút bấm được bố trí lại. 

Gameplay

Điểm xung đột kế tiếp là gameplay đặc trưng của các game đơn giản và phức tạp. Các game đơn giản thường tập trung vào gameplay thử thách khả năng suy nghĩ hoặc một phản ứng đơn giản của người chơi. Từ đó, hầu hết các game này được thiết kế theo hướng casual, không yêu cầu chơi thật lâu mà có thể ngắt quãng, chơi bất cứ lúc nào rảnh rỗi.


Gameplay đơn giản không có nghĩa là không hay.

Ngược lại, các game dùng gameplay phức tạp dựa vào cốt truyện hoặc tiến trình kéo dài, các yêu cầu trong game phong phú vô tình buộc người chơi phải cày liên tục nhiều giờ liền. Điểm mạnh của nó là cho người chơi trải nghiệm một thế giới phong phú và muôn màu. Tuy vậy điểm yếu của nó lại là thời lượng pin và nhiệt.


Pin mau cạn và máy mau nóng là đặc thù của mobile khi chơi game.

Đặc thù của hệ máy di động là tản nhiệt không tốt và khó dùng nguồn điện trực tiếp vì vậy khi chơi game thời gian dài máy sẽ nóng khá nhanh khiến việc cầm máy khá khó chịu, pin theo đó cũng cạn nhanh hơn do ảnh hưởng nhiệt. Mặt khác pin sẽ chai theo số lần sạc vì vậy các game phức tạp một mặt nào đó giúp cho pin thiết bị nhanh hỏng hơn, việc cắp sạc trực tiếp khi chơi lại càng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn điện khi có khá nhiều báo cáo về các tai nạn điện giật, cháy nổ khi máy đang sạc được đăng trên các phương tiện truyền thông báo chí. 

Đồ họa mobile

Đối với hệ máy di động, sức mạnh đồ họa là một mối quan tâm lớn của người dùng. Một thiết bị nhỏ trên tay có thể chạy render 3D như một chiếc máy PC là một điều thần kỳ. Tuy vậy, việc 3D hóa hay phức tạp hóa đồ họa game trên di động là một lựa chọn khá mạo hiểm. 


Điện thoại phân khúc trung và thấp có chơi nổi game này ?

Cần lưu ý là mối quan tâm hàng đầu của game mobile chính là sự tương thích với càng nhiều loại máy càng tốt. Vì vậy làm một game có đồ họa 3D khủng nhưng chỉ phù hợp với các dòng máy cao cấp hay làm một game có đồ họa 2D đơn giản để thu hút được khách hàng ở cả phân khúc điện thoại tầm trung và thấp ? 

Hiện nay nhiều nhà sản xuất đã chọn giải pháp thứ 2 và sử dụng các phong cách đồ họa kiểu 8bit hay kiểu anime để bù đắp cho sự kém cạnh của 2D so với các game 3D. Bù lại game sẽ nhẹ hơn, tập khách hàng rộng hơn. 

Game mobile nên tập trung vào sự đơn giản

Nhìn vào các thông tin bên trên, chúng ta có thể thấy với đặc thù riêng của các máy di động là nhiều phiên bản khác nhau về cấu hình, chỉ điều khiển bằng chạm cảm ứng, không có nguồn cấp điện liên tục… Các tựa game di động nên được thiết kế theo phong cách đơn giản và nhẹ. 


Làm game đơn giản ít tốn kém hơn nhưng vẫn có thể thành công.

Trong khi khách hàng dùng di động là những người dùng ít kinh nghiệm, việc khai thác theo phong cách casual sẽ dễ đi đến thành công hơn là bắt những người không chuyên phải “cày trâu” hoặc học cách làm quen với các hình thức điều khiển và gameplay phức tạp như những game thủ thực thụ. Thiết bị mobile không phải là một máy PC, vì vậy tư duy làm game cũng nên đổi khác so với tư duy làm game trên PC. 

Viết bình luận