Vì sao game ngày nay lỗi tan nát, bug ngập tràn?

Bookgrinder 16/11/2015 19:00
(Game8) - Bạn nghĩ nghề test game rất sướng? Không hề. Họ là kẻ "giơ đầu chịu báng" khi một game đầy lỗi được ra mắt. Nhưng đó không phải lỗi của họ.

Chơi thử game là một phần không thể thiếu trước khi bất kỳ một tựa game nào được phát hành, và ngày nay với sự phát triển của internet, các nhà phát triển có thể test cả game online lẫn offline một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tại sao game càng ngày càng… nhiều lỗi dù việc test game trở nên dễ dàng hơn? Từ Assassin’s Creed Unity, Fallout 4, Batman cho đến Black Ops 3, toàn những tựa game lớn từ những nhà phát triển lớn chứa đầy những lỗi lớn. Các tester tội nghiệp thường là kẻ lãnh đạn, bởi ai cũng biết rằng game phải được chơi thử trước khi phát hành. Nhưng bạn có biết rằng, “oan Thị Kính” cũng chỉ thế này thôi!



Bởi với một người bạn làm trong nghề test game, Game8 đã tìm ra một trong những nguyên nhân khiến game ra mắt trong tình trạng đầy lỗi. Đó là… các sếp của những người test game, những người có tiếng nói quyết định trong việc phát hành. Hãy để Game8 góp đôi lời giải oan cho các tester tội nghiệp.

“Các anh chẳng hiểu gì cả!”

Tất cả những thứ trong danh sách test case (những điều cần được thử nghiệm) đều chỉ là viết cho vui. Nếu một người chơi thử chẳng hiểu được tại sao game lại được thiết kế như thế, đó cũng chỉ là vì họ chẳng khôn như sếp. Ngay cả khi họ nói điều gì đó nghe có vẻ hợp lý, hãy để dành điều đó lại cho mai sau.

“Nó là thế này, thế này, thế này…”

Họ sẵn sàng chỉ cho người chơi thử game “cách chơi đúng” trò chơi của mình, mà quên mất rằng game là một giải trí tương tác – một triệu game thủ có mười triệu cách chơi, và chẳng ai theo khuôn mẫu nào. Đôi khi họ sẵn sàng chộp lấy chiếc máy chơi game của bạn để chỉ cho bạn biết cách chơi “chuẩn” để không gặp bug game. Nhưng họ quên một điều: game là một trải nghiệm tương tác, và nếu ai đó tạo ra một tựa game chỉ có một cách chơi đúng duy nhất? Đó là một tựa game thất bại. Không bàn cãi.



“Các anh còn chưa đủ kinh nghiệm…”

Những phản hồi từ các tester trẻ tuổi thường bị xem nhẹ. Tuy nhiên, chính những tester chưa kinh nghiệm này lại là những người nhiệt tình nhất với trò chơi, và sẵn sàng tìm ra những cách mới để thử nghiệm tựa game họ được giao phó. Với các sếp, nếu tester chưa chơi qua tựa bắn súng mà họ yêu thích được phát hành từ năm 1700, những quan điểm mà họ đưa ra có thể bị bỏ qua mà không cần suy nghĩ gì.

“Các anh quá cổ hủ…”

Và các tester giàu kinh nghiệm cũng không khá hơn. Là một nhà phát triển game, anh phải nhắm vào giới trẻ. Đó là đối tượng khách hàng của anh. Những ai không nằm trong độ tuổi của giới trẻ không thể hiểu được lũ trẻ ngày nay nghĩ gì, và hoàn toàn trật nhịp với game hiện đại. Trong mắt sếp, quan điểm của họ hoàn toàn vô giá trị và vì thế có thể phớt lờ.

“Thôi không cần…”

Đôi khi họ chẳng muốn ai “chỉ tay năm ngón” vào tựa game họ dày công tạo dựng. Họ biết câu chuyện Đẽo cày giữa đường, và vì thế họ chẳng bận tâm đến những gì được báo cáo hay đề nghị từ tester. 

“Đã lên lịch rồi…”

Khác với những nhà phát hành như Blizzard hay CD Projekt Red sẵn sàng để game thủ chờ dài cổ trong khi hoàn thiện game, những nhà phát hành khác có những tựa game ra mắt mỗi năm một lần chịu áp lực lớn của doanh thu. Họ cần phải ra game vào đúng thời điểm đã định, bất kể nó có hoàn thiện hay chưa. Ngay cả những lỗi mà tester đã phát hiện ra nhưng không kịp sửa cũng tạm thời bị bỏ qua để chờ patch sau khi ra mắt. Rất nhiều tựa game có “Day One patch” (tức patch sửa lỗi ra mắt cùng ngày phát hành) là bởi lý do này.



Và đó là những lý do mà một trò chơi thường đến với game thủ trong tình trạng bug tràn lan, lỗi tan nát thường ngốn của nhà phát triển thêm vài tuần đến vài tháng để khắc phục – đôi khi còn chẳng khắc phục được. Dĩ nhiên bài viết này chỉ mang tính chất… cho vui, nhưng nó chứa sự thật về công việc của các tester, những người vừa “làm dâu trăm họ” lại vừa phải thực hiện công việc cày game nhàm chán hàng ngày để phục vụ cho chúng ta.

Viết bình luận