Câu chuyện gây ngỡ ngàng của cô gái 18 tuổi quyết tâm không thi đại học, 20 tuổi làm Trưởng phòng kinh doanh

Hafa 27/03/2021 15:23

Đặng Thụy Thảo Vy chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Làm trưởng phòng kinh doanh ở tuổi 20, cô luôn tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân.

MỤC LỤC [Hiện]

Đặng Thụy Thảo Vy, 20 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại TP HCM, không phải là người luôn lên kế hoạch trước cho cuộc đời nhưng luôn đặt mục tiêu và quyết tâm cao độ để đạt được. 3 năm học cấp 3, Vy đã quyết định không vội vàng vào đại học mà lên kế hoạch gap year.


"Hầu hết họ có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và sự chuẩn bị chỉn chu về học thuật để đạt lấy mục tiêu. Mình thuộc nhóm còn lại - dù đã có tìm hiểu và trải nghiệm khá nhiều nhưng vẫn chưa rõ ràng biết mình muốn gì. Du học hay theo học đại học trong nước? Nếu lên đại học thì nên học ngành gì? Không muốn nhắm mắt chọn bừa, mình quyết định chưa vào đại học để có thêm thời gian tìm hiểu về bản thân nhiều hơn.", Thảo Vy nhớ lại.

Quyết định này của cô không nhận được sự ủng hộ 100% của gia đình, nhưng Vy cũng không lãng phí một giây phút nào trong quãng thời gian đó. Năm 2018, cô gap year lần thứ nhất, tham gia nhiều các khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức chung về cuộc sống và xây dựng các nền tảng phát triển cho bản thân.

Vy học nghiên cứu khoa học từ trường hè Khoa học Sài Gòn, sự trao đi (Philanthropy) của dự án “Chum và bạn đồng hành”, sự liêm chính (Integrity) của “Vườn ươm liêm chính”... Cô cũng tham gia khá nhiều cuộc thi để học hỏi và thử thách bản thân như “Én Vàng học đường” - trau dồi kỹ năng nói chuyện trước công chúng, rèn luyện tư duy; “International Trade Challenge” - tìm hiểu về kinh doanh thị trường quốc tế...

Cũng trong thời gian này, Vy đã trở thành MC, diễn giả trong nhiều sự kiện dành cho giới trẻ ở TP HCM và các tỉnh thành khác, chia sẻ các giá trị tích cực và kết nối với nhiều người.


Năm 2019 là năm gap year thứ hai, Vy có nhiều trải nghiệm thực tế về công việc hơn khi được nhận làm trợ lý sản xuất cho một công ty truyền thông nước ngoài sau thành công tại một sự kiện startup. Mẹ Vy cũng quyết định đầu tư cho con gái học lấy chứng chỉ HLV Yoga. Từ đó cô đã tìm được nhà đầu tư trong khoá học và khởi dựng một Yoga studio cùng bạn bè.

Cô cũng bước đầu tập tành kinh doanh khi cùng những người bạn khác mở quán trà sữa và cho thuê Airbnb. Vy cũng thường đi du lịch và tiệc tùng, không quên dành thời gian cho chính mình để tận hưởng tuổi trẻ.

2 năm gap year, Vy cảm thấy hiểu thêm cuộc sống, hiểu chính mình hơn, chủ động hơn trong việc học của bản thân, biết mình cần gì, được tự do thời gian, kết nối được với nhiều người và trau dồi kỹ năng thực tế.

Thành quả đầu tiên trong hành trình gap year đối với Vy là Yoga studio dù quy mô không quá lớn với 3 lầu, lượng khách ổn định và đặc biệt đông vào các ca tối, hoạt động từ tháng 4/2019 đến đầu năm 2020. Yoga studio của cô còn cung cấp dịch vụ B2B cho một chi nhánh ngân hàng.


Khi phải đóng cửa "đứa con tinh thần đầu đời" này, Vy rất buồn nhưng vẫn vô cùng hài lòng vì những gì mình nhận được, đó là những mối quan hệ làm ăn, những người bạn xuất phát từ học viên của Yoga studio, nhiều bài học kinh nghiệm nhớ đời. Không phải ai ở tuổi của Vy cũng có được những đúc kết đó và cô rất trân trọng những điều này.

Việc quản lý một cửa hàng trà sữa và công việc từ ngành F&B đưa cũng đến cho Vy một bài học đáng quý nữa, đó là không nên kinh doanh lĩnh vực mà mình không hề có chuyên môn hay kinh nghiệm. "Bọn mình không nắm được giá thành của các nguyên liệu pha chế cũng như công thức sáng tạo thức uống, mọi thứ đều phụ thuộc vào người pha chế được thuê, rất thiếu linh hoạt. Ngành này cũng khá cạnh tranh trong khi tụi mình chưa tìm được sự khác biệt nào.", cô chia sẻ.

Dự án Airbnb cô làm cùng người bạn trong Yoga studio khi quán trà sữa dư một căn hộ đã lâu không ở. Người bạn đó không muốn cho thuê dài hạn nên cho thuê Airbnb và rủ Vy cùng quản lý. Khách đặt phòng khá thường xuyên, đa phần là người nước ngoài nhưng dịch Covid khiến dịch vụ tạm ngưng. Dự án này giúp Vy học được cách tính toán các chi phí, chăm sóc khách hàng và quảng cáo căn hộ.

Kết thúc các dự án đó, Vy lựa chọn tiếp tục theo học các khoá học ngắn hạn và hiện thực hóa ý tưởng mới. Đôi khi cô bạn cũng cảm thấy áp lực, nhất là khi thấy bạn bè đồng trang lứa sắp tốt nghiệp hết, còn mình còn chưa bắt đầu học đại học, môi trường xung quanh thì có rất nhiều bạn đạt học bổng du học, thực tập tại các công ty, tập đoàn lớn, khởi nghiệp... Nhưng cô chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình.


Đầu năm 2020, trong một lần đi tập một môn thể thao mới, Vy đã làm quen một bạn học. Sau buổi tập, hai chị em nói chuyện rất lâu và sau đó là nhiều lần gặp gỡ khác. Người bạn mới quen này đã dẫn dắt Vy vào công ty mới trong lĩnh vực bảo hiểm.

Sau 1 năm tham gia vào ngành bảo hiểm, Vy thấy mình đã vượt qua rất nhiều thử thách trong thời gian đầu bởi ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn vướng rất nhiều định kiến. Có lần mẹ Vy nói với cô: “Hôm nay người ta bảo mẹ là bé Vy nhà chị học giỏi quá trời nhưng lại trở thành đứa đi bán bảo hiểm”. Tuy buồn nhưng cô vẫn cười đáp: “Lần sau mẹ hãy bảo người ta rằng ngành này phải có gì hay lắm đến mức một đứa giỏi giang như con tôi phải chọn”. 

Làm trong ngành này Vy mới biết bản thân cần học hỏi và ghi nhớ rất nhiều vì tệp khách hàng đa dạng, cần phải diễn giải những giải pháp tài chính phức tạp một cách đơn giản nhất, đồng thời trau dồi kiến thức không ngừng mới có thể thiết kế nên giải pháp phù hợp và thuyết phục được khách hàng.


"Hiện tại phòng kinh doanh của mình có tầm 30 thành viên. Là một Trưởng phòng, Vy không cho rằng mình được quyền quản lý ai, mà chỉ định hướng phù hợp với điều kiện từng người và hỗ trợ cho sự thành công của họ. Các thành viên trong nhóm đều rất giỏi giang. Mình tự gây áp lực lên bản thân mỗi ngày bằng cách cố gắng trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng để xứng đáng là người dẫn dắt một tập thể toàn người mạnh như thế.", Vy nói về đội ngũ mà cô đang quản lý.

Với kết quả kinh doanh tháng nào cũng xuất sắc và thu nhập "khủng", Vy nói mình "chỉ được cái trẻ tuổi nhưng những cái khác còn thua xa nên còn phải nỗ lực nhiều lắm" và với cô, áp lực cũng là động lực đưa bản thân tiến xa.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Viết bình luận