7 dấu hiệu cho thấy bạn đang tự tay phá hủy tình yêu của mình

NamiSan 21/05/2020 08:17

Có khi nào mối quan hệ của bạn đang ở tình trạng ‘sóng gió’, và mỗi khi có ‘biến’, bạn lại tìm cách đổ lỗi cho đối phương không? Nhưng rõ ràng lỗi lầm không bao giờ đơn phương xuất phát từ một phía. Và việc nổi nóng, lớn tiếng với đối phương khi tình yêu ‘gập ghềnh’ sẽ càng tạo ra những vết nứt lớn hơn trong mối quan hệ của hai bạn.

Nếu bạn đang có 7 dấu hiệu dưới đây, có thể bạn đang châm ngòi cho kết thúc của một chuyện tình. Hãy cùng xem và khắc phục trước khi quá muộn nhé!

Bạn nghiện điện thoại

Các nhà khoa học từ Đại học Arizona cho rằng việc giới trẻ ngày nay dành phần lớn thời gian rảnh để sử dụng điện thoại có thể gây nghiện và ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ của họ. Thay vì sử dụng điện thoại 24/7, hãy thử tạo ra niềm vui mới cho mình, như đọc một cuốn sách hoặc lên một kế hoạch cho tương lai. Bạn cũng có thể tận dụng các ứng dụng điện thoại để hỗ trợ công việc và cuộc sống.

Bạn không thể đặt ra những ưu tiên trong cuộc sống

Nếu cuộc sống của bạn chỉ luôn xoay quanh công việc và mưu sinh thay vì tận hưởng cuộc sống, có lẽ đã đến lúc bạn nên thêm nó vào ưu tiên của mình. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng lập kế hoạch đặc biệt, như Any.do (trên iOS, Android) để chi tiết hóa các ưu tiên của mình.

Ngoài ra còn có phương pháp 2/2/2 giúp bạn dành thêm thời gian cho cuộc sống tình cảm của mình: cứ sau 2 tuần lại hẹn hò với người thương, cứ sau 2 tháng lại đi đâu đó vào cuối tuần một lần, và đi du lịch xa cùng nhau 2 năm một lần.

Bạn không thể hiện sự biết ơn với người ấy

Một câu "cảm ơn" đơn giản dường như quá tầm thường đến nỗi nhiều người dường như cho vào quên lãng. Tuy nhiên, nếu người thân của bạn làm điều gì đó cho bạn, đừng coi đó là điều hiển nhiên. Ai cũng muốn được ghi nhận, được đánh giá vì những gì đã làm, vậy nên hãy thường xuyên nói lời cảm ơn nửa kia của bạn vì những điều đơn giản.

Cách nói chuyện có phần thiếu tôn trọng

Những người yêu nhau thường trò chuyện với nhau một cách cởi mở và chân thành. Cả hai cùng chia sẻ cảm xúc và câu chuyện của một ngày và lắng nghe nhau. Tuy nhiên, hãy thay đổi cách đặt câu hỏi để người nghe cảm thấy được tôn trọng. Thay vì “Ê! Hôm nay có gì vui không?” Hãy thử đổi thành “Hôm nay đi làm anh có chuyện gì vui không?”

Ngược lại nếu bạn là người nghe, nếu cách nói chuyện hoặc đặt câu hỏi của người ấy không làm bạn vừa lòng, hãy thẳng thăn và bình tĩnh góp ý, đừng ‘nhảy dựng’ lên và tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Cũng không nên nói “Anh dám nói như thế với em à?”, mà hãy nói “Cách nói chuyện của anh làm em thấy không vui”.

Bạn tức giận vì những chuyện vặt vãnh

Đừng cố gắng thay đổi đối phương. Đừng quên rằng bạn yêu người ấy vì con người họ. Tốt hơn bạn hãy làm cho họ thấy hệ quả từ những hành động của họ với cuộc sống của chính họ. Nếu chồng bạn vứt quần áo bẩn khắp nhà, hãy nói với người ấy rằng đồ bẩn chỉ được giặt khi cho vào đúng nơi quy định, còn nếu cứ bày khắp nơi thì sẽ không có đồ sạch để mặc nữa.

Bạn quá cứng đầu

Cả hai nên tập trung và cố gắng thảo luận, đưa ra cách giải quyết vấn đề trước khi nó đạt đến mức độ căng thẳng. Khi hai bạn cần phải trò chuyện nghiêm túc, hãy thử một cái nắm tay hay ôm nhẹ để làm cho họ thoải mái. Và nhớ quy tắc để giải quyết vấn đề là trò chuyện, không tranh cãi.

Khi câu chuyện trở nên căng thẳng hơn, hãy rời khỏi phòng một ít phút. Khi trở lại, bạn đã bình tĩnh hơn một chút, cuộc trò chuyện sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Bạn không có niềm tin vào người ấy

Nếu bạn muốn có một tình yêu bền chặt, hãy học cách tin tưởng vào tình yêu của đối phương. Đừng đòi hỏi họ phải báo cáo về những nơi họ đã đi, những việc họ đã làm và đừng tự ý kiểm tra điện thoại hay email của họ. Sự nghi ngờ vô lý có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu và thậm chí gây ra ‘phản ứng ngược’. Khi yêu, hãy chỉ nên tập trung vào những điều tốt đẹp mà thôi.

Viết bình luận