MỤC LỤC [Hiện]
Mặc dù có giá thành chênh lệch lên tới 500.000 đồng nhưng cả 2 phiên bản của series EK384 đều có ngoại hình đẹp xuất sắc với sự phối hợp hài hòa giữa 2 tông màu chủ đạo trắng xám đặc biệt cảm giác khi cầm phím khá chắc chắn mặc dù chất liệu chủ đạo được sử dụng là nhựa.
Layout của EK384 và EK384W là một biến thể của ANSI layout với hàng phím F và cụm phím del được kéo sát vào thân phím giúp tổng thể trở nên gọn gàng hơn. Dễ nhận thấy EK384 và EK384W ngắn hơn so với TKL dù nó chỉ có ít hơn 3 phím. Các phím điều hướng, các phím Home/End/Page Up/Down đã được gom vào layout chính nhờ đó mang lại một kích thước gọn gàng là 311 x 122 x 42 mm cùng trọng lượng chưa tới 650g. EK384W và EK384 trở nên khá lý tưởng với những game thủ phải thường xuyên di chuyển nhưng vẫn đảm bảo các chức năng cần thiết.
EK384W trên và EK384 dưới
Dẫu vậy, khi đặt lên bàn cân EK384W sẽ thu hút ánh nhìn hơn so với EK384 khi không sử dụng đèn led. Đây cũng là một điểm dễ nhận thấy đơn giản vì keycap trên EK384W không cần xuyên led nên những ký tự được in đậm hơn, rõ hơn tạo cảm giác có điểm nhấn trên bề mặt.
Ngoài ra keycap trên EK384W là PBT font ký tự này được sử dụng trên một số keycap có giá thành cao còn EK384 là ABS thông thường nên EK384W mang lại cảm giác mềm mại hơn khi nhìn tổng thể mặt trên. Tuy nhiên nhờ công nghệ khắc laser với độ chi tiết cao tạo ra nét mảnh mang lại hiệu quả chiếu sáng của đèn nền RGB lên keycap EK384 vừa phải và ánh sáng cũng không bị rò ra gây lóa khi sử dụng ban đêm.
EK384 trong điều kiện bình thường sẽ thiếu thu hút
Có thể khẳng định, EK384 và EK384W đều sử dụng chung một khuôn đúc khung và vỏ với việc cổng USB và phần cần gạt điều chỉnh ở cùng một vị trí cũng như kích thước tương đồng. Cả 2 mẫu phím có cổng USB Type C không nằm ở vị trí trung tâm mà được hãng di chuyển lệch sang phía bên trái. Điều thú vị là mặc dù có chung một vị trí đặt cần gạt chức năng nhưng trên thực tế chức năng trên EK384 và EK384W là không giống nhau. Trên EK384W thì đây là công tắc mở/tắt không dây còn trên EK384 thì lại là công tắc chuyển tín hiệu truyền tải 500Hz/1000Hz.
EK384W đẹp, hút ánh nhìn
Mặc dù giống nhau ở rất nhiều điểm nhưng thực tế 2 chiếc bàn phím này mang lại cảm nhận tương đối khác biệt về cảm giác gõ. Nếu như EK384 chỉ dừng ở mức đủ thuyết phục với Huano Switch với cảm giác gõ chắc tay, nặng và có phần thô ráp thì EK384W lại một lần nữa chứng minh Gateron là switch clone tốt nhất từng xuất hiện. Nếu so sánh cảm giác gõ trên Gateron của EK384W với các dòng switch tương tự của Kailh hay thậm chí là Cherry MX thì Gateron sẽ mượt hơn khi nhấn, không có cảm giác thô ráp, hơi cứng đặc trưng như Kailh hay Cherry MX.
Nhìn chung, bộ đôi này đáp ứng tốt bất cứ nhu cầu sử dụng nào với bàn phím, kể cả là gõ văn bản hay chơi game. Tận dụng thế mạnh từ Bluetooth 5.0 và viên pin 2000mAh, EK384W còn khiến người viết bất ngờ về khả năng kết nối linh hoạt và ổn định trong thời gian dài sử dụng mà chiếc phím này mang lại.
So với các series phím cơ được E-Dra sản xuất trước đó, thì chắc chắn EK384 và EK384W có sự đầu tư vào thiết kế tốt hơn, tập trung vào sự nhỏ gọn dễ mang đi của game thủ. Với mức giá vào khoảng 800 ngàn cho đến 1.3 triệu đồng, EK384 và EK384W chắc chắn sẽ khiến nhiều game thủ phải đau đầu khi lựa chọn đâu mới là chiếc phím phù hợp nhất với mình.
Viết bình luận