Vọc EM6502 và EM6502 Pro, bộ đôi chuột "bình dân" học tập nhiều chất từ G502 huyền thoại

VGA 12/02/2020 16:05

MỤC LỤC [Hiện]

Nếu chỉ nhìn vào ngoại hình, thì bất cứ game thủ nào cũng nhận ra thiết kế của cả 2 chú chuột này tương tự như Logitech G502 đến 99% trên mọi góc cạnh ngoại trừ logo E-Dra trên sản phẩm. Nhưng thực tế thì EM6502 và EM6502 Pro đều có những thay đổi đáng kể để phù hợp với phân khúc giá rẻ mà những chú chuột gaming gear này hướng đến.

Mặc dù có giá thành bán ra cực dễ chịu với khoảng 400.000 cho EM6502 và 600.000 cho phiên bản cao cấp là EM6502 Pro nhưng có thể khẳng định chất lượng trên cả 2 chú chuột gaming này sẽ làm hài lòng đại đa số người dùng từ phổ thông đến trung cấp.

Tạm thời bỏ qua các yếu tố cốt lõi tạo nên một chú chuột gaming gear đúng nghĩa, thay đổi đầu tiên mà bất cứ những game thủ nào đã trải nghiệm sản phẩm E-Dra trước đây đều nhận thấy là bao bì của EM6502 và EM6502 Pro được làm chỉnh chu hơn hẳn so với các sản phẩm trước. Không còn các hộp bìa giấy in rẻ tiền, EM6502 và EM6502 Pro được đặt trang trọng trong hộp giấy in có khoang thử form chuột cực tiện lợi. Đi kèm với box là hướng dẫn các phím chức năng của chuột cùng các thông số sản phẩm. 

Theo đó thì EM6502 và EM6502 Pro đều sở hữu những phần cứng "ổn áp" được lựa chọn trên các sản phẩm chuyên FPS đã ra mắt trước đây. Bộ đôi này đều có cho mình tần số quét lên tới 1000 Hz, IPS cao từ 200 trở lên đặc biệt với Pro thì thông số này đạt mức lí tưởng 400IPS cùng với đó là omron switch độ bền 50 triệu lần nhấn (có thể gọi là bất tử bởi với số lần như này game thủ có thể dùng đến vài chục năm), led viền có phần mềm tùy chỉnh và 10 phím chức năng hữu dụng. Liff Of Distance (LOD) của EM6502 và EM6502 Pro dựa trên sử dụng thực tế vào khoảng 2mm, đây chắc chắn là một điểm lí tưởng nữa mà nhiều "sniper" sẽ rất thích khi sử dụng. E-DRA luôn chú trọng về độ bền của sản phẩm khi trang bị dây dù với cục chống nhiễu và đầu USB được mạ vàng cho tín hiệu truyền nhanh hơn, chính xác hơn.

Đáng chú ý là sự góp mặt của bộ đôi mắt đọc đến từ Pixart với 3327 trên EM6502 và 3389 sensor trên EM6502 Pro. Đây là 2 mắt đọc cho hiệu năng đáng tin cậy sở hữu gia tốc cực thấp thường được sử dụng trên các dòng chuột thiết kế riêng cho game thủ chuyên FPS - thể loại game cần sự chính xác cao trong thao tác chuột. Nói riêng với mắt đọc 3389 thì đây là phiên bản nâng cấp từ mắt đọc 3360 lọt top 10 mắt đọc tốt nhất cho chuột gaming vào khoảng giữa năm 2017.

Tiến hành "mổ chuột", có thể dễ dàng nhận thấy mạch của "đối tượng" được làm khá sạch, phần con lăn được sản xuất bởi TTC - một trong những đơn vị sản xuất có tiếng trên thị trường linh kiện. Các chi tiết gia công của EM6502 và EM6502 Pro cũng khá sắc sảo cùng chất lượng tương đối tốt so với nhiều sản phẩm cùng giá thành khác.

nội thất phía trong của EM6502

Như đã nêu ở đầu bài viết, EM6502 và EM6502 Pro có thiết kế giống G502 của nhà Logitech đến 99% nhưng  thực tế giữa chúng tồn tại nhiều điểm khác biệt mà khó có thể khiến bất cứ game thủ nào nhầm lẫn.

Về ngoại hình, có thể nhìn thấy ngay phần thân của G502 được bọc cao su ở hai bên hông còn đại diện từ phía E-Dra thì không có. Phần logo cũng là logo đặc trưng của từng hãng rất rõ ràng. Đi sâu hơn một chút, game thủ sẽ nhận ra ngay khả năng khóa con lăn đã trở thành thương hiệu của các dòng chuột Logitech với phím nóng 2 nấc ngay gần vị trí cuộn. Dĩ nhiên sản phẩm của E-Dra cũng không có tính năng này mà thay vào đó phím chức năng ở vị trí tương tự đóng vai trò tăng giảm DPI của chuột.

chuột E-Dra bên trái - Logitech bên phải

Ngay khi sử dụng thì khác biệt sẽ càng dễ nhận thấy hơn khi sản phẩm của E-Dra có viền led digital (ARGB) khá nổi bật với hiệu ứng cực mượt mà đẹp mắt còn G502 thì không. Nhưng bù lại thì G502 lại có led hiển thị các nấc DPI ở phía cạnh chuột trong khi E-Dra để trống vị trí này. Rõ ràng là kẻ 8 lạng người nửa cân nếu chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài.

Về trải nghiệm thực tế, rõ ràng G502 với trọng lượng lớn hơn từ hệ thống tạ tùy chỉnh sẽ cho cảm giác đầm tay hơn, kết cấu cao su bên hông cũng sẽ cho cảm giác cầm nắm tuyệt vời hơn. Thử nghiệm với các tựa game FPS, rõ ràng G502 cùng mắt đọc HERO vẫn cho khả năng ngắm bắn chính xác và mức gia tốc "ổn áp" hơn so với đối thủ tuy nhiên độ chênh lệch là không nhiều. Theo ý kiến cá nhân thì đối với các game thủ không chuyên thì rõ ràng khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa hiệu năng của 2 dòng chuột nêu trên. Cũng cần lưu ý thêm sản phẩm đến từ Logitech có giá thành gần như gấp ba EM6502 Pro và gấp 4 lần đối với EM6502.

Trên thực tế, với số tiền bỏ ra thì chắc chắn EM6502 và EM6502 Pro đáng giá đến từng xu với đủ các thông số quá lí tưởng mà thậm chí nhiều chuột gaming đắt đỏ hơn cũng phải "kiêng dè". Thẩm mĩ xuất sắc, linh kiện tối ưu cùng chế độ bảo hành 24 tháng cực đáng tin cậy cho một dòng sản phẩm còn chưa vươn tới ngưỡng 1 triệu đồng. Nếu không có ngân sách rủng rỉnh nhưng thích form chuột như G502 của Logitech thì chắc chắn đây là 2 chú chuột xứng đáng nằm trong danh sách "đi mua ngay" của nhiều game thủ.

Viết bình luận