Những thương hiệu điện ảnh thu được cả tỷ đô từ con số 0

Oda 04/07/2021 14:54

Trong lịch sử, điện ảnh thế giới chứng kiến sự bùng nổ của các thương hiệu phim bom tấn. Rất nhiều trong số này được xây dựng từ kịch bản gốc.

Lethal Weapon: Thập niên 1980-1990, Lethal Weapon là một trong những thương hiệu ăn khách hàng đầu Hollywood. Chuỗi phim gồm 4 phần, xoay quanh cặp cộng sự cảnh sát do Mel Gibson và Danny Glover thủ vai. Kịch bản Lethal Weapon do biên kịch Shane Black sáng tác khi mới chập chững vào nghề năm 24 tuổi. Tổng doanh thu phòng vé của 4 phần phim Lethal Weapon vào khoảng 952,6 triệu USD toàn cầu, tương đương 1,5 tỷ USD sau lạm phát.

Home Alone: Theo tạp chí Time, John Hughes đã nảy ra ý tưởng kịch bản Home Alone (1990) khi đang soạn đồ du lịch. Dự án phim từng bị Warner Bros. bỏ qua trước khi được 20th Century Fox rót vốn sản xuất 15 triệu USD. Home Alone thu 476,7 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Hai năm sau, Home Alone 2 được đầu tư 20 triệu USD và thu 359 triệu USD. Đáng tiếc, thương hiệu Home Alone nhanh chóng tuột dốc từ phần thứ 3 với chỉ 79 triệu USD doanh thu toàn cầu dù vốn đầu tư lên tới 32 triệu USD. Quy đổi sau lạm phát, doanh thu hai phần đầu Home Alone rơi vào khoảng 1,6 tỷ USD.

Finding Nemo: Finding Nemo là một trong các tác phẩm hoạt hình có kịch bản gốc thành công nhất mà xưởng hoạt hình Pixar từng thực hiện. Ý tưởng về bộ phim đến với biên kịch Andrew Stanton trong một lần đi thăm công viên hải dương năm 1992. Dự án Finding Nemo được khởi động vào năm 2000 và phát hành vào năm 2003. Phim thu 936 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Finding Dory, hậu truyện của Finding Nemo, ra mắt sau đó 13 năm, ghi nhận doanh thu ấn tượng hơn 1 tỷ USD trên toàn thế giới.

Despicable Me: Despicable Me khai sinh là ý tưởng của nhà làm phim hoạt hình thất thế Sergio Pablos. Câu chuyện là nỗ lực cuối cùng của anh để cứu xưởng phim sắp phá sản. Ý tưởng của Pablos đã được Chris Meledandri từ Illumination Entertainment mua lại. Sau 7 năm và 4 bộ phim, thương hiệu Despicable Me thu hơn 3,7 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu. Trong năm nay, phần thứ 5 của thương hiệu, Minions: The Rise of Gru, đã sẵn sàng ra rạp

Toy Story: Kỷ nguyên hoạt hình kỹ thuật số tại Hollywood bắt đầu bằng Toy Story. Hãng Pixar đã “chào hàng” ý tưởng Toy Story với Disney từ cuối thập niên 1980 nhưng phải tới năm 1991, dự án mới đi vào sản xuất. Năm 1995, Toy Story ra rạp, thu hơn 365 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Sau 26 năm, Toy Story đã ra mắt bốn phần phim, thu tổng cộng 3,05 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu.

Indiana Jones: Cuối thập niên 1970, sau hai lần bị từ chối khỏi vị trí đạo diễn loạt James Bond, Steven Spielberg đã được George Lucas mời thực hiện dự án lớn ông hằng ấp ủ về một giáo sư sử học ưa phiêu lưu. Raiders of the Lost Ark (1981) được đầu tư kinh phí 20 triệu USD, thu tổng cộng 364,7 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Sau bốn thập kỷ và bốn phần phim đã ra rạp, thương hiệu Indiana Jones bán được tổng cộng 1,96 tỷ USD doanh thu vé

Fast & Furious: Đầu thập niên 2000, The Fast and the Furious ra đời. Bộ phim thu 206 triệu USD từ phòng vé toàn cầu với số vốn đầu tư 38 triệu USD. Cuộc đua trên màn ảnh rộng trong 20 năm qua ghi nhận sự chuyển mình của loạt phim, từ tập trung vào những cuộc đua tốc độ, đấu đá giang hồ tới chỗ theo đuổi thể loại hành động giả tưởng, với nhóm nhân vật chính đối đầu khủng bố. Sau 10 bộ phim, thương hiệu đã cán mốc 6,3 tỷ USD doanh thu từ phòng vé toàn cầu. 

Viết bình luận