MỤC LỤC [Hiện]
Terminator: Dark Fate: Mới nhất, phần 6 loạt Kẻ hủy diệt bị công chúng thờ ơ, bất chấp có sự trở lại của Arnold Schwarzenegger và Linda Hamilton, cũng như việc được quảng bá là hậu truyện trực tiếp của tác phẩm kinh điển Judgment Day (1991). Không thể tạo đột phá về mặt nội dung, lại tiêu tốn tới 185 triệu USD để sản xuất, phim đứng trước nguy cơ thất bại lớn khi thu chưa nổi 130 triệu USD trong tuần ra rạp. Cộng thêm chi phí quảng bá, phim bị dự đoán sẽ gây lỗ 100-120 triệu USD tại phòng vé.
Transformers: The Last Knight: Không phải tự nhiên Paramount chuyển hướng sang thực hiện một dự án có quy mô nhỏ hơn như Bumblebee cho thương hiệu điện ảnh người máy biến hình. The Last Knight của Michael Bay có kinh phí 250 triệu USD, tức cao hơn 40 triệu USD so với Age of Extinction. Nhưng khoảng cách doanh thu giữa phần 5 và 4 thì lên tới 400 triệu USD. Doanh thu 600 triệu USD toàn cầu cho thấy khán giả đã chán ngán công thức cũ rích của Transformers, còn Paramount thì phải gánh lỗ hơn 100 triệu USD.
X-Men: Dark Phoenix: Hồi mùa hè, Dark Phoenix là tập phim khép lại thương hiệu X-Men của Fox sau khi hãng bị Disney thâu tóm. Song, nội dung nhạt nhòa và kỹ xảo giả tạo khiến đây trở thành tác phẩm đáng quên của loạt phim dị nhân kéo dài 20 năm. Do quá trình quay lại kéo dài, Dark Phoenix đã tiêu tốn 200 triệu USD để sản xuất. Tuy nhiên, doanh thu phim lại thuộc hàng thấp nhất thương hiệu với chỉ gần 250 triệu USD. Khoản lỗ mà Fox / Disney phải gánh từ dự án ước tính là 120 triệu USD.
Monster Trucks: Paramount đau đầu vì dự án Monster Trucks với ý tưởng về một loài quái vật có thể nhập vào xe tải. Sinh vật có tạo hình không mấy thân hiện và phần cốt truyện tẻ nhạt đã làm hại thành phẩm. Do quá trình hậu kỳ kỹ xảo phức tạp, Monster Trucks tiêu tốn 125 triệu USD để sản xuất, nhưng chỉ thu về khoảng 65 triệu USD. Sau khi tính toán thêm các khoản chi phí khác và phần ăn chia với nhà rạp, nhà đầu tư ước tính đã phải gánh lỗ 120 triệu USD.
A Wrinkle in Time: Bên cạnh Vũ trụ Điện ảnh Marvel nổi bật, Disney không ít lần phải đối mặt với những khoản lỗ lớn trong 10 năm qua. A Wrinkle in Time quy tụ dàn sao lớn, nhưng trong quá trình quảng bá, bộ phim thất bại trong việc tạo ra sự hào hứng cho công chúng. Cộng thêm nội dung thiếu đột phá và bị đánh giá là đúng “kiểu Disney”, A Wrinkle in Time chỉ thu 130 triệu USD, sau khi đã tiêu tốn 100 triệu USD để sản xuất. Dự án gây lỗ ước tính 130 triệu USD và kế hoạch phần 2 chắc chắn bị dẹp bỏ.
Jack the Giant Slayer: Jack the Giant Slayer là phiên bản điện ảnh của câu chuyện cổ tích Jack và hạt đậu thần. Đây là một dự án điện ảnh nữa đòi hỏi phần kỹ xảo hình ảnh phức tạp, nhưng bản thân tác phẩm lại tỏ ra tẻ nhạt, thiếu cá tính. Warner Bros. đã chi ra 220 triệu USD để sản xuất bộ phim, nhưng số tiền thu về từ phòng vé thì chưa nổi 200 triệu USD. Theo ước tính, xưởng phim của những giấc mơ phải chịu khoản lỗ 140 triệu USD từ dự án do Bryan Singer thực hiện.
King Arthur: Legend of the Sword: Đạo diễn Guy Ritchie không phải lúc nào cũng tỏ ra mát tay như với loạt Sherlock Holmes hay Aladdin vừa qua. Dự định biến câu chuyện về Vua Arthur thành thương hiệu điện ảnh mới của ông thất bại thê thảm. Được rót cho 175 triệu USD để sản xuất, King Arthur: Legend of the Sword rốt cuộc thu chưa đầy 150 triệu USD. Warner Bros. thừa nhận họ phải chịu lỗ 150 triệu USD từ dự án. Số tiền đó hoàn toàn đủ để hãng có thể thực hiện một bộ phim siêu anh hùng tầm trung.
Mortal Engines: Có Peter Jackson làm nhà sản xuất, Mortal Engines ra rạp trong sự lãnh đạm từ phía khán giả khi chỉ thu 7,5 triệu USD tại Bắc Mỹ sau ba ngày đầu trình chiếu. Kết quả cuối cùng 83,7 triệu USD toàn cầu của bộ phim thực sự thảm họa bởi dự án đòi hỏi kỹ xảo hình ảnh phức tạp đã tiêu tốn tới 150 triệu USD để thực hiện. Khi cộng thêm các khoản chi phí khác, Mortal Engines bị xếp vào nhóm phim gây lỗ nhất lịch sử điện ảnh với con số lên tới 175 triệu USD.
The Lone Ranger: Bộ đôi Johnny Depp - đạo diễn Gore Verbinski từng đặt nền móng cho thành công của loạt Cướp biển Caribbean, nhưng họ không thể đem sự màu nhiệm đến cho The Lone Ranger. Bộ phim phiêu lưu hành động thu 260,5 triệu USD, nhưng trước đó đã tiêu tốn của Disney tới 250 triệu USD để sản xuất. Nội dung tẻ nhạt và diễn xuất lặp lại của Depp khi so sánh với vai Jack Sparrow đã làm hại tác phẩm. Disney chịu lỗ tới 190 triệu USD bởi The Lone Ranger - con số tương đương kinh phí sản xuất của Iron Man 2.
The Lone Ranger: Bộ đôi Johnny Depp - đạo diễn Gore Verbinski từng đặt nền móng cho thành công của loạt Cướp biển Caribbean, nhưng họ không thể đem sự màu nhiệm đến cho The Lone Ranger. Bộ phim phiêu lưu hành động thu 260,5 triệu USD, nhưng trước đó đã tiêu tốn của Disney tới 250 triệu USD để sản xuất. Nội dung tẻ nhạt và diễn xuất lặp lại của Depp khi so sánh với vai Jack Sparrow đã làm hại tác phẩm. Disney chịu lỗ tới 190 triệu USD bởi The Lone Ranger - con số tương đương kinh phí sản xuất của Iron Man 2.
Viết bình luận