Khái niệm “game rác” liệu có tồn tại ?

Khỉ Nâu 30/07/2014 18:19
(Game8) - Cụm từ game rác thường được cộng đồng sử dụng nhưng nếu suy xét kỹ, liệu có game nào thực sự phù hợp để gọi là game rác ?

Kể từ khi webgame bắt đầu manh nha trên thị trường Việt Nam kèm theo sự hỗ trợ cực mạnh của các chức năng auto thừa hưởng từ những game client, làng game Việt xuất hiện khái niệm “game rác”. Đây thường là cụm từ dùng để chỉ các game, phần lớn là webgame, sử dụng quá nhiều auto khiến game trở nên nhạt nhẽo, chóng chán và tuổi thọ kém. Đặc biệt thời gian gần đây một số tựa game vận dụng khái niệm này vào các chiến dịch truyền thông với những thông điệp đầy hoành tráng đại loại như “thách thức game rác”, “xóa bỏ khái niệm game rác”…


Game rác trở thành công cụ truyền thông nhằm nâng "tầm" của game mình lên.

Tuy nhiên, khi đào sâu vào khái niệm này chúng ta lại thấy có những điểm bất hợp lý khi định hình một game là “rác”, những dấu hiệu nào sẽ khẳng định đó là một game rác ? Doanh thu ? Tuổi thọ ? Độ thu hút ? Hãy thử nhìn cận cảnh vấn đề để giải những câu hỏi trên nhé !

Đầu tiên khi đề cập đến 2 chữ “game rác” mọi người đều nghĩ ngay đến một game rác rưởi nào đó không đáng để chơi. Như vậy phải chăng một game kém sức thu hút hoặc gameplay nhàm chán là một game rác? Tuy nhiên ai có chơi game cũng đều biết việc thu hút hay không, gameplay thế nào còn tùy đánh giá của từng game thủ, có người thích thế này có người lại thích thế khác, hiếm có game nào làm tất cả game thủ chán ghét ở thời điểm mới ra mắt. Và nói rằng ở thời điểm ra mắt vì bạn chẳng thể gọi một game lúc đầu là game hay đến sau đó vài năm lại gọi nó là game rác. 


Không thể gọi là game rác khi nó vẫn có người chơi và doanh thu dù là ít.

Một điều khá rõ nữa là những game dù bị chê cách mấy, có auto tận răng rốt cục cũng có người chơi và người nạp tiền và tất nhiên là có doanh thu ổn định cho đến khi nó đóng cửa. NPH dù không lãi to cũng có lãi nhỏ sau mỗi game như vậy và nếu may mắn kéo dài vòng đời game để thu lợi thêm và phục vụ  lâu hơn nữa cho cộng đồng game thủ đang chơi nó. Như vậy có thể thấy game kém thu hút chỉ là một game không gặp thời hoặc đáp ứng không tốt lắm một bộ phận game thủ, nó vẫn thu hút một bộ phận khác của làng game và làm lợi cho NPH, rõ ràng nó không phải game rác.


Rác là những thứ không còn giá trị để sử dụng, vẫn còn giá trị thì không phải là rác.

Khi nó đến tuổi thọ game, những game có tuổi thọ ngắn cũng hay bị cho là game rác vì kiểu vận hành “mì ăn liền”. Tuy nhiên không phải tất cả game có tuổi thọ ngắn đều mặc định là game rác, nhiều sản phẩm danh tiếng nhưng không may không phù hợp thị hiếu vẫn phải ngậm ngùi ra đi sớm. Nếu bạn còn nhớ Dragonica phiên bản Việt (sau khi chuyển từ SEA về cho FPT) hoặc xa hơn nữa là Ragnarok phiên bản trở lại của Asiasoft (mở lại sau khi VNG đóng cửa game) thì bạn sẽ hiểu. 

Tóm lại do sự khác biệt của thị trường nên một game có thể thành công ở nước này và thất bại ở nước khác. “Không thể lấy thành bại để luận anh hùng”, không thể dùng thành bại của game ở một nước để đánh giá nó có phải là rác rưởi hay không bởi vì ở đâu đó một lúc nào đó nó đã thu hút một số lượng không nhỏ người chơi và thu về doanh thu không nhỏ cho NPH. Nhân tiện, Võ Lâm Truyền Kỳ trước khi ra mắt ở Việt Nam cũng từng bị xem là một game không thành công ở Trung Quốc. 


Game rác cũng bị lợi dụng để kỳ thị, công phạt nhau giữa gamer hoặc các seeder. 
Nguồn: gamethu.net

“Game rác” cuối cùng cũng chỉ là một khái niệm sáo rỗng được các nhóm game thủ sử dụng để chỉ trích những game mà mình không có thiện cảm. Và những game bị chỉ trích đó vẫn có người chơi vẫn có doanh thu và vẫn có giá trị sử dụng với một nhóm cộng đồng khác (nhóm bị chỉ trích gián tiếp qua việc “chơi game rác”). Khái niệm này dùng để khiêu khích một nhóm game thủ đang chơi một game cụ thể hơn là đánh giá thực sự giá trị của một tựa game.

Viết bình luận