10 suy nghĩ áp đặt "củ chuối" của những người chẳng chơi game bao giờ (Phần 1)

Bookgrinder 12/08/2015 16:00
(Game8) – Bạn là một game thủ? Bạn đã chán cảnh phải nghe những lời lẽ không hay của người xung quanh về game, game thủ và ngành game? Hãy cùng tham khảo những “chiêu” mà Game8 tổng hợp sau đây, với bằng chứng rõ ràng và minh bạch chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

“Game không phải là thứ hữu ích”

Năm 2011, một trò chơi mang tên Foldit đã làm chấn động giới khoa học. Tại sao? Các nhà nghiên cứu khắp thế giới đang tìm cách phá giải câu đố về cấu trúc của một enzyme gây ra một căn bệnh khá giống với AIDS ở loài khỉ trong vô vọng. Foldit và những game thủ của nó đã giải quyết vấn đề này chỉ trong 3 tuần. Việc tập hợp sức sáng tạo của hàng triệu game thủ đã làm được điều mà các nhà khoa học được đào tạo bài bản, khuôn khổ không thể làm được trong suốt 13 năm trời và tiêu hao vô số tiền của.


Nghiên cứu khoa học bằng game

Một năm sau, những game thủ chơi một tựa game về thiên văn gọi là Planet Hunters đã tìm ra một hành tinh kỳ lạ với… 4 ngôi sao, và cho đến hiện tại game thủ khắp thế giới đã tìm ra hơn 40 hành tinh khác nhau có khả năng có sự sống, tất cả đều bị những nhà thiên văn học thực sự bỏ qua. Thật ra, đây là một dự án khoa học tập trung nỗ lực của những game thủ tình nguyện tham gia để giúp giải quyết “núi” dữ liệu thiên văn mà các nhà thiên văn học phải đối mặt. 

Một ngày nào đó, khi con người sinh sống được trên những hành tinh do Planet Hunters tìm ra và căn bệnh AIDS có thuốc đặc trị, liệu có còn ai dám nói răng “game là vô ích” hay không?

Game gây ra hành vi bạo lực

Những kẻ thiếu hiểu biết chỉ vào những tên tội phạm và đổ thừa “tại nó chơi game”? Chẳng khác gì việc “đái dầm đổ tại chim” cả. Những kẻ nói ra câu này chắc chắn có đầu óc hẹp hòi, hoặc chẳng biết gì về điều mình đang nói. Dĩ nhiên có những trò chơi đâm chém máu me, nhưng chúng được phân loại một cách rạch ròi để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến đầu óc non nớt của trẻ em, và nếu một đứa trẻ nào đó có hành vi bạo lực do chơi game, kẻ đáng trách chính là bố mẹ chúng vì đã không biết chăm sóc con mình.


Game không chỉ là như thế này

Và game bạo lực không phải là tất cả. Ngoài Doom, Battlefield hay Manhunt, bạn có thể tìm thấy những tựa game tuyệt vời, đem đến cho game thủ những giờ phút thư giãn nhẹ nhàng và khả năng thưởng thức vẻ đẹp của thế giới trên màn hình. Bạn cần một ví dụ cụ thể hơn? Danh sách 7 tựa game xả stress mà Game8 từng thực hiện chắc chắn là một minh chứng hùng hồn để phản bác nhận xét bất công này.

“Game thủ là “pro” về công nghệ”



Đa số game thủ đều bị xem là dân chuyên nghiệp và thường được gọi đến khi bạn bè, họ hàng, bạn gái… gặp rắc rối với chiếc máy tính, smartphone hay thậm chí là… cái tủ lạnh của họ. Tuy nhiên, làm thế nào việc một ai đó bỏ ra 2 giờ mỗi ngày để chơi Call of Duty đồng nghĩa với việc anh ta là “chuyên gia” công nghệ? Nếu bạn sửa được những thiết bị đó với sự trợ giúp của Google, tốt thôi, nhưng nếu không? Đừng ngại ngần cho người khác biết điều đó, và nếu bị chỉ trích, hãy hỏi ngược lại người nhờ vả bạn rằng liệu việc ăn uống suốt hàng chục năm trời có thể biến họ thành đầu bếp siêu hạng hay không.

“Game thủ toàn con trai”

Không hề, bởi có đến gần một nửa số game thủ trên khắp thế giới là nữ giới. Rất nhiều tổ chức nghiên cứu dữ liệu của phương tây đã chỉ ra điều này, và thậm chí họ còn “chịu chơi” hơn game thủ nam ở những trò chơi nhẹ nhàng được thiết kế dành cho họ.


Bà hoàng Audition vẫn còn sức sống

Chẳng cần nhìn đâu xa, Audition và những phiên bản mới của nó là ví dụ rõ nét nhất cho thế lực của những “bóng hồng” trong thế giới game. Nếu bỏ qua những nàng PG xinh đẹp mà các nhà phát hành thuê (nhưng chưa chắc họ đã chơi game), bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy những bóng hồng trong các buổi offline của tựa game mình yêu thích, và chắc chắn rằng họ sẽ giúp cuộc chơi trở nên thú vị hơn rất nhiều.

“Game làm bạn… ngu đi”


Game có nhiều tác dụng tích cực lên não bộ

Có lẽ điều này phần nào đúng với những ai chơi những tựa webgame thuộc dạng “chết não” trên thị trường Việt Nam, khi tất cả những gì họ cần làm là click chuột (hoặc thậm chí chẳng cần click). Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy điều hoàn toàn ngược lại khi  bạn chơi những tựa game thực thụ. Nghiên cứu của học viện Max Planck cho thấy rằng “game tăng sự phát triển của vùng não chịu trách nhiệm định hướng, ghi nhớ và lên kế hoạch cũng như tinh chỉnh các kỹ năng vận động.” Ngoài ra, game còn được dùng để cải thiện khả năng não bộ của những bệnh nhân có các triệu chứng tâm thần nhẹ, giúp hành vi của họ trở nên dễ kiểm soát hơn.

(Còn tiếp)

Viết bình luận