Nhiều doanh nghiệp game online trốn thuế, nuôi web 'đen' kiếm lời hàng chục tỉ đồng.

Đẹp trai có gì sai 10/04/2016 15:50

(Game8) - Số lượng game kiếm hiệp chiếm tới 31/51 (trên 70%) số trò chơi điện tử trên mạng (game online) đã được thẩm định và 40/51 (gần 80%) trò chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ có 11 trò chơi do doanh nghiệp VN sản xuất. Đến thời điểm này, đã có 58 doanh nghiệp được cấp giấy phép, 22 doanh nghiệp khác đang làm thủ tục xin cấp phép.

 

Chia sẻ tại buổi làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng chiều 8/4, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết Cục sẽ tạm thời dừng xem xét thẩm định đối với các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc, các game bắn súng có yếu tố bạo lực cao.

 

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện của nhà cung cấp dịch vụ game online thuộc VCCorp nêu thị trường game online hiện nay gồm các công ty trong nước, các công ty xuyên biên giới và các công ty Trung Quốc núp bóng để hoạt động.

 

Các công ty xuyên quốc gia chủ yếu là sử dụng các game trên thiết bị di động chạy qua store của các “ông lớn”.

 

Đáng ngại nhất, theo đại diện của VCCorp, là các công ty Trung Quốc núp bóng và một số doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này hoạt động lậu rất mạnh và trốn toàn bộ thuế bằng cách sử dụng những cổng thanh toán không rõ ràng ở nước ngoài.

 

Không chỉ gây thiệt hại về tài chính, những công ty hoạt động lậu còn tạo nguồn thu bằng cách nuôi các trang web "đen".

 

Theo đại diện mảng game online của VNG, nhóm các công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc núp bóng đang ngày càng “phình” lên về qui mô và có doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng ở cả hai mảng game trên máy tính và game trên điện thoại, máy tính bảng. 

Tạm thời dừng xem xét thẩm định đối với các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc, các game bắn súng có yếu tố bạo lực cao.

 

Hoạt động không minh bạch, không được kiểm soát của hai loại doanh nghiệp này đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp game trong nước, đại diện VNG nhấn mạnh.

 

Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Cục đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp, kiểm soát, xử lý các doanh nghiệp game online có sai phạm.

 

“Các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đang rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp hoạt động không phép và có kế hoặc xử lý cụ thể, trong đó có danh sách một số trò chơi G1 đang phát hành tại VN nhưng chưa rõ nhà phát hành.

 

Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để rà soát, phân loại, trường hợp nào vi phạm pháp luật VN cần xử lý hình sự thì sẽ xử lý”- Ông Bảo khẳng định.

Viết bình luận