10 bộ phim lãng phí đáng tiếc tiềm năng của nguyên tác

Thor 09/10/2020 14:08

MỤC LỤC [Hiện]

Death Note (2017): Người Mỹ thử sức chuyển thể loạt manga nổi tiếng Death Note lên màn bạc. Nhưng tác phẩm do Adam Wingard thực hiện chỉ khiến fan nguyên tác ngán ngẩm, còn khán giả đại chúng thì cười chê. Nat Wolff không phải là lựa chọn lý tưởng cho vai chính Light/Kira, và diễn xuất hạn chế của anh là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Nhiều thay đổi không hợp lý khiến mạch truyện Death Note trở nên gấp gáp, thiếu logic. Bất chấp thất bại đó, Netflix vẫn lên kế hoạch thực hiện tiếp phần hai.

Solo: A Star Wars Story (2017): Han Solo là nhân vật rất được yêu mến của loạt Star Wars gốc, và không ngạc nhiên khi Disney muốn Lucasfilm thực hiện một tác phẩm kể về nguồn gốc người chỉ huy phi thuyền Millennium Falcon. Song, bộ phim Solo không đem tới thêm điều gì mới mẻ hay thú vị về nhân vật. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả chỉ thấy Han Solo gặp may, chứ không thể hiện được khả năng nào đặc biệt. Anh thậm chí còn thua kém cả các nhân vật phụ như L3-37 hay Qi’ra. Tồi tệ hơn, Solo trở thành dự án gây lỗ nặng nề khi tiêu tốn 300 triệu USD để sản xuất, nhưng chỉ thu gần 400 triệu USD tại phòng vé.

Warcraft (2016): Dựa trên nguyên tác là thương hiệu trò chơi nổi tiếng, Warcraft của đạo diễn Duncan Jones có nguồn tài nguyên dồi dào để khai phá. Kể câu chuyện về nguồn gốc cuộc chiến giữa người và orc, tác phẩm điện ảnh dường như chỉ dành cho các fan ruột của thương hiệu. Kịch bản chuyển thể tỏ ra rối rắm và khán giả đại chúng nếu không có kiến thức nền về Warcraft rất khó theo dõi bộ phim. Doanh thu 436 triệu USD là không đủ để các nhà sản xuất tự tin làm tiếp Warcraft 2.

The Monuments Men (2014): George Clooney muốn kể câu chuyện thú vị về biệt đội quân Đồng minh chuyên đi tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật trước mối đe dọa bị phát xít Đức phá hoại thời Thế chiến II dựa trên cuốn The Monuments Men của Robert M. Edsel và Bret Witter. Ngôi sao đồng thời đóng chính, cũng như mời dàn sao gồm Matt Damon, Bill Murray, John Goodman, Cate Blanchett… Nhưng kết quả chỉ là một bộ phim có cốt truyện dễ đoán và các nhân vật một chiều. Clooney sau này thừa nhận anh đau lòng khi chứng kiến The Monuments Men bị báo chí và khán giả lạnh nhạt dù đã rất tâm huyết.

The Last Airbender (2010): Avatar: The Last Airbender là loạt phim hoạt hình cực kỳ thành công của Nickelodeon với câu chuyện lấy bối cảnh tại Asiatic - nơi có những người sở hữu khả năng điều khiển các nguyên tố cơ bản. M. Night Shyamlalan được chỉ định vào ghế đạo diễn, nhưng ông rốt cuộc đem tới một thảm họa điện ảnh. Lựa chọn diễn viên gây tranh cãi về vấn đề “tẩy trắng”, kỹ xảo hình ảnh giả tạo, nội dung nhàm chán, diễn xuất khô cứng... Tất cả khiến fan của nguyên tác giận dữ và không bao giờ muốn nhắc tới The Last Airbender.

The Golden Compass (2007): Harry Potter đã mở ra trào lưu chuyển thể các bộ tiểu thuyết giả tưởng lên màn bạc, và His Dark Materials của Philip Pullman cũng nằm trong số đó. Song, The Golden Compass dựa trên cuốn sách đầu tiên là một thất bại. Phim lược bỏ nhiều chi tiết quan trọng ở nguyên tác, và nhà sản xuất đồng thời thay đổi một số tình tiết để giúp tác phẩm trở nên tươi sáng hơn. Điểm sáng lớn nhất của The Golden Compass nằm ở mảng kỹ xảo và bộ phim đã thắng giải Oscar Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc. Nhưng doanh thu 372,2 triệu USD khiến nhà sản xuất không muốn kéo dài thêm thương hiệu.

X-Men: The Last Stand (2006) và Dark Phoenix (2019): Cả hai bộ phim X-Men đều dựa trên cốt truyện về Phượng hoàng Bóng tối của truyện tranh Marvel. Tuy nhiên, The Last Stand và Dark Phoenix cùng gây thất vọng khủng khiếp. Bộ phim năm 2006 quá ôm đồm nội dung nên mạch truyện về Jean Grey thực tế không được ưu tiên. Còn xuất phẩm năm 2019 ra đời khi Fox sắp sửa bị Disney thâu tóm. Quy mô Dark Phoenix không tương xứng với nguyên tác và khán giả càng dễ nhận ra sự yếu kém khi phim khởi chiếu ngay sau Avengers: Endgame (2019).

Alien vs. Predator (2004): Cuộc chạm trán giữa hai loài sinh vật ngoài hành tinh khát máu trên màn bạc rất được công chúng chờ đón vào đầu thế kỷ XXI. Nhưng đạo diễn Paul W.S. Anderson đã khiến tất cả thất vọng. Alien vs. Predator chỉ là một xuất phẩm hạng B với diễn xuất yếu kém và những tình tiết nhợt nhạt. Dẫu sao, sự tò mò của người hâm mộ hai thương hiệu cũng giúp bộ phim thu gần 180 triệu USD, so với kinh phí sản xuất chỉ khoảng 60 triệu USD.

The League of Extraordinary Gentlemen (2003): Nguyên tác truyện tranh của Alan Moore lấy bối cảnh thời Victoria tại Anh, quy tụ nhiều nhân vật văn học nổi tiếng như Mr. Hyde, Người Tàng Hình, thợ săn Allan Quartermain… Tuy nhiên, bộ phim chuyển thể lại đi quá xa nguyên tác và bị phản đối dữ dội. The League of Extraordinary Gentlemen tệ đến nỗi Sean Connery (vai Quartermain) quyết định nghỉ hưu từ đây, còn Alan Moore nhất quyết khước từ nói về bộ phim trên mặt báo.

Resident Evil (2002): Bộ phim mở đầu thương hiệu phim xác sống Resident Evil không quá tệ, nhưng đây giống như sáng tạo hoàn toàn mới nếu so sánh với nguyên tác của Capcom. Fan của trò chơi không bằng lòng với việc các nhân vật chính trong game giờ chỉ làm nền cho Alice (Milla Jovovich). Càng về sau, loạt phim điện ảnh Resident Evil càng không còn liên quan tới nguyên tác, với chất lượng cũng ngày một đi xuống. Giờ thì fan trò chơi đang chờ đợi màn tái khởi động xứng đáng dành cho thương hiệu mà họ yêu mến.

 

 

 

(Theo zingnews.vn)

Viết bình luận