MỤC LỤC [Hiện]
The New Mutants: Kỹ xảo là một trong những điểm nhấn khiến tác phẩm Dị nhân bị chê tệ hại. Nửa cuối phim, các dị nhân trẻ phải đối đầu với một thế lực siêu nhân được gọi là "Quỷ gấu" - có tạo hình một con gấu khổng lồ và hung dữ. Đáng lẽ đây là lúc kỹ xảo thể hiện được sức mạnh, thì mọi thứ lại diễn ra ngược lại. Chất lượng kỹ xảo tụt không phanh ở phân đoạn này, "gấu một nơi người một nẻo" thường xuyên diễn ra. Cảnh nhân vật chính Rahne Sinclair cưỡi lên lưng gấu trông hết sức gượng gạo. Hiệu ứng mắt phát sáng của nhân vật Magik trông "giả trân" và hết sức sơ sài.
Dr. Dolitte: Đội ngũ kỹ xảo đã thể hiện khá tốt trong việc khiến cho các loài vật mở miệng và nói như con người. Tuy nhiên, điều tương tự lại không xảy ra đối với "boss" cuối của phim - con rồng lửa bị chứng tắc ruột. Khi nhân vật chính của Robert Downey Jr. và bầy thú hợp lực thông ruột cho con rồng, khán giả có cảm giác ông và con rồng không xuất hiện trong cùng một khung hình. Thứ duy nhất kết nối hai nhân vật này, lại là cú "xì hơi" mất vệ sinh của con rồng.
Bill & Ted Face the Music: Kinh phí 25 triệu USD dường như là không đủ để truyền tải hết ý tưởng kịch bản bộ phim lên màn ảnh rộng. Thành phố tương lai San Dimas không cho thấy bất cứ vẻ tân tiến hiện đại viễn tưởng nào, chỉ là tấm phông nền mờ nhạt và đáng quên bằng CGI. Sự qua loa của bối cảnh phông nền, khiến cho việc các nhân vật trầm trồ, tỏ vẻ ngạc nhiên trở nên thiếu thuyết phục.
Tiếng gọi nơi hoang dã: Nhân vật chú chó Buck trong bộ phim được tạo ra hoàn toàn bằng CGI. Đội ngũ kỹ xảo đã tạo ra cho Buck nhiều biểu cảm phức tạp tựa như của một con người. Điều này khiến cho ở phần sau của bộ phim, khi Buck trở về nơi hoang dã và hòa nhập với bầy thú hoang, chú chó đã trở nên thiếu tự nhiên, không hề toát lên được phong thái tự do. Khán giả dễ dàng cảm nhận đây vẫn là một con thú giả được tạo nên bởi đầu óc của con người.
Peninsula: Hậu truyện của Train To Busan bị coi là bước thụt lùi so với người tiền nhiệm, cả về phần nội dung lẫn hình ảnh. Kinh phí 16 triệu USD là không đủ để cho đạo diễn thể hiện hết ý đồ của mình, khi ông đã đưa vào phim nhiều phân cảnh phức tạp, đòi hỏi sự can thiệp sâu của kỹ xảo. Người xem phần lớn đều than phiền về chất lượng kỹ xảo "rẻ tiền", sơ sài và phi lý của bộ phim, nhất là ở những cảnh xuất hiện nhiều phương tiện di chuyển.
Mulan: Trái lại, kinh phí khổng lồ cũng không đảm bảo cho chất lượng kỹ xảo được tối ưu. Cảnh lở tuyết của Mulan là một minh chứng. Hiệu ứng tuyết lở rời rạc, kém bắt mắt, điều đó làm cho nỗ lực liều lĩnh cứu đồng đội của Mộc Lan khi băng qua bão tuyết trở nên đáng quên.
The Witches: Nội dung của bộ phim là ba đứa trẻ bị biến thành chuột chung tay ngăn cản âm mưu của mụ thủy gian ác bằng một kế hoạch táo bạo. Tuy nhiên, cách Zemeckis xây dựng tạo hình các chú chuột khiến khán giả phải nhíu mày. Nhóm nhân vật có cặp lông mày khá rõ nét và biểu cảm quá linh hoạt so với loài chuột. Điều này khiến bộ ba, thay vì đáng yêu, trở nên quá ồn ào vá quái dị.
Bloodshot: Cảnh chiến đấu giữa nhân vật chính do Vin Diesel thủ vai và Jimmy Dalton bị coi là thảm họa kỹ xảo cực kỳ tệ hại. Người xem có cảm giác nó được thực hiện bởi công nghệ đầu những năm 2000, góc máy xấu, quá nhiều góc quay chậm với biểu cảm và hành động đơ cứng của nhân vật.
Borat Subsequent Moviefilm: Trong phim, Borat trở thành bệnh nhân số 0 mắc Covid-19 và lây cho Tom Hanks khi ho vào ông tại Australia. Cảnh phim được tách nhỏ thành nhiều phần và thực hiện với kỹ xảo phông xanh. Sau cùng, trên bàn dựng, cảnh rời của hai diễn viên được ghép vào chung một khung hình, trên nền Nhà hát Opera Sydney. Sự cẩu thả này bị khán giả nhận ra dễ dàng, đến mức họ phải bật cười vì chất lượng không thể tệ hơn nữa của nó.
Viết bình luận