Lược sử game: Rockstar Games, ông trùm của tai tiếng và dư luận (Phần 1)

Tường Tạ 07/06/2017 09:00

(Game8) - Cùng xem lại lịch sử của một trong những nhà làm game có sức ảnh hưởng nhất đến ngành công nghiệp.

Ngày nay, khi nói đến những hãng game lớn, những nhà làm game uy tín nhất thế giới, chúng ta không thể nào bỏ qua cái tên Rockstar Games, tác giả của những tuyệt tác như series GTA, Bully, Red Dead Redemption, Manhunt,... Với mỗi tác phẩm được ra mắt thì bao quanh nó là những tai tiếng mà đến giờ Rockstar không bao giờ có thể gột bỏ. Nhưng tai tiếng chính là cái làm nên Rockstar như ngày hôm nay, vậy chúng ta hãy cùng lật lại lịch sử của hãng game bị nhiều người coi là cội nguồn của ác quỷ, bạo lực, và suy đồi đạo đức.

Tuy là một trong những ông trùm như ngày nay, Rockstar Games như bao công ty khác, cũng có khởi đầu hết sức nhỏ bé. Nguồn gốc của Rockstar bắt đầu từ một nơi rất lạ thường, từ một công ty âm nhạc vô cùng lớn: BMG (Bertelsmann Music Group). Vào năm 1993, BMG đầu tư vào một Studio game của riêng mình, lấy tên là BMG Interactive tại London, mục đích của hãng là tạo ra những game hợp thời, thịnh hành trong giới trẻ lúc bấy giờ. Trong số những người đầu tiên tại BMG Interactive, có 2 anh em nhà Houser, Sam và Dan. Cả 2 người lúc đầu tham gia BMG với mục đích trở thành ngôi sao nhạc Rock, nhưng sau khi hiện thực phũ phàng, họ đã đổi hướng sang BMG Interactive mặc dù không biết một tí gì về lập trình.

Chắc hẳn chẳng ai biết đến cái tên BMG Interactive, đơn giản vì những game họ làm ra không có gì nổi bật và bán cũng không chạy lắm. Tuy vậy, một ý tưởng táo bạo đã nảy ra trong đầu đội ngũ làm game BMG Design, đó chính là GTA. Ban đầu series có tên Race and Chase, là một game đua xe dạng Top-Down (Nhìn từ trên xuống), tuy nhiên, người chơi có thể tự do làm bất kì điều gì mình thích ở thế giới đó, có thể giết bất kì ai trên đường, đi đến mọi người mình muốn, và cái đã định hình nên tên của series, đó chính là tính năng ăn cắp xe (Grand Theif Auto có nghĩa là ăn cắp xe). Vì tính chất tự do của GTA nên việc lập trình và thử game khá khó khăn, phải mất đến 30 tháng thì BMG mới có thể hoàn thành và ra mắt GTA vào năm 1997 và ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ phía người chơi, mặc dù doanh số của game không phải là cao lắm (2 triệu bản). Và đương nhiên, game đã dấy lên nhiều sự tranh cãi như bao game của Rockstar.

Cách London 3470 triệu dặm, một hãng game mới tại New York lúc đó đang loay hoay tìm kiếm một Studio game có thể phát triển những game có nội dung cho người lớn, với bối cảnh tăm tối và thực tế hơn, đó chính là Take Two Interactive. Có một điểm đáng lưu ý đó là vào thời điểm lúc bấy giờ, ngành công nghiệp game cũng đang chuyển hướng giống như Take Two, trở nên bạo lực hơn kể từ sau khi Mortal Kombat và DOOM được ra mắt. Vậy nên vào năm 1998, 1 năm sau ngày ra mắt của series GTA, Take Two đã mua BMG Interatvice từ tay BMG.

Sau khi chuyển đến New York và về dưới tay của Take Two, đội ngũ BMG đã lấy một cái tên mới, và vì 2 người dẫn đầu của studio là Sam và Dan Houser có ước mơ ban đầu là trở thành ngôi sao nhạc Rock, vậy nên họ đã chọn một cái tên nghe rất chất: Rockstar. Ngay lập tức, Rockstar đã được Take Two tài trợ với số tiền vô cùng lớn, cộng thêm việc được trao cho tự do sáng tạo, đổi lại Take Two chỉ yêu cầu Rockstar phải tạo ra được một nhãn hiệu nổi tiếng, đình đám, mang sắc màu u tối và người lớn.

Và Rockstar đã bắt tay vào phát triển GTA 2. Cho dù có đổi tên, những người đứng đầu Rockstar vẫn giống hệt như từ thời BMG, vậy nên anh em nhà Houser đã liên hệ với BMG Interactive tại London để cùng làm GTA 2. Như người tiền nhiệm, GTA 2 bán rất chạy khi nó được ra mắt vào năm 1999. Trong khoảng thời gian tiếp theo, Rockstar giúp phát hành vài series khác điển hình như Smuggler's Run, Midnight Club được phát triển bởi Angle Studios, sau này đã sát nhập và đổi tên thành Rockstar San Diego, một trong những studio chính của Rockstar. Doanh thu từ những series này cũng chỉ ở mức trung bình, nhưng Rockstar còn có tham vọng nhiều hơn thế.

Rockstar muốn xóa bỏ đi suy nghĩ chỉ có những thằng Nerd mới chơi game, vậy nên hãng quyết định sẽ tránh xa những game phiêu lưu huyền bí và tập trung vào những game thực tế và người lớn hơn. Và họ đã quay trở lại với series ban đầu của họ, GTA. Trong khoảng thời gian làm việc trước đó, Rockstar nhận ra Studios triển vọng nhất để cùng họ làm GTA chỉ có DMA mà thôi. Công ty mẹ của DMA sau khi bị chuyển nhượng liên tục, từ Gremlin Interactive sang Infogame cuối cùng cũng ở trong tay Take Two, DMA sau đó đã cùng Rockstar phát triển ra GTA 3. Trước khi làm ra GTA 2, DMA đã tạo ra một game khác ít tiếng tăm hơn, có tên Body Harvest, đây là game thế giới mở Sandbox đầu tiên được làm ra. Cảm thấy đây mới là hướng đi đúng đắn mà series GTA cần hướng đến, Rockstar và DMA đã phát triển GTA theo hướng đi hoàn toàn mới này.

Và như mọi người đã biết, GTA 3 lại tiếp tục là một thành công cho Rockstar khi nó được phát hành vào 2001. GTA 3 đưa người chơi vào một thế giới mở rộng lớn được lấy cảm hứng từ thành phố New York, trong game thì nơi đây được gọi là Liberty City. Người chơi vào vai một tên tội phạm và làm đủ mọi trò mà chúng ta thấy trên phim, thanh toán các băng đảng khác nhau, cướp giết hiếp, về căn bản là những gì mà ai cũng làm khi chơi GTA. Một trong những điều huyền thoại về GTA series chính là khoản radio của game, Rockstar đã sử dụng vô cùng nhiều nhạc bản quyền để cho vào game mỗi khi game thủ bước vào phương tiện đi lại, điều này đã giúp tăng tính nghệ thuật cũng như thực tế của series. GTA 3 cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của máy chơi game PS 2 do Sony đã mua độc quyền GTA 3 trên hệ máy mới này trong khoảng thời gian đầu game ra mắt.

Như đã nói ở trên, đi song song với mọi sản phẩm của Rockstar là những tranh cãi không bao giờ ngớt. Từ người bình thường cho đến chính trị gia, báo chí, tất cẩ đều đổ lỗi cho Rockstar đã cổ súy bạo lực và những hành vi không thể chấp nhận được trong xã hội. Nhiều nước trên thế giới đã đặt lệnh cấm cho gần như toàn bộ game từ Rockstar, đặc biệt là tại Úc, nơi thậm chí còn không hề xếp hạng cho GTA và cấm tiệt không cho series len lỏi vào đất nước này. Không những cấm đoán, Rockstar còn liên tục bị tấn công và thậm chí bị kiện ra tòa án, người nổi bật và kiên cố nhất chính là Jack Thomson, với hàng năm trời dành ra để kiện Rockstar. Tuy nhiên, Any publicity is good publicity, càng nhiều tranh cãi, dư luận càng phản ứng mạnh thì doanh thu của Rock Star càng tăng lên.

Sau thành công vang dội GTA 3, Rockstar đã có đủ tiền và độ nổi tiếng để làm bất kì thứ gì họ thích, và thứ họ thích là tiếp tục đào sâu vào yếu tố bạo lực và người lớn. Vậy nên họ đã chọn mua và phát hành series Max Payne vào 2001, một series xoay quanh vấn đề bạo lực và thuốc lắc. 2001 quả là một năm thành công của Rockstar khi họ phát hành 2 game có nội dung người lớn và cả 2 đều bán chạy như tôm tươi. Đến năm 2002, DMA đổi tên thành Rockstar North.

Chỉ sau đúng 1 năm kể từ khi GTA 3 ra mắt, Rockstar ngay lập tức tung ra GTA Vice City, một quyết định vô cùng táo bạo vì Rockstar gần như không nâng cấp gì cho game cả. Tuy nhiên, nó vẫn là một thành công vang dội của Rockstar. Với thế giới được lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh điển như Scar Face và Miami Vice, cùng thành phố được lấy cảm hứng từ thành phố du lịch nổi tiếng Miami, người chơi một lần nữa được bước vào thế giới đầy bạo lực nhưng cũng vô cùng vui nhộn của GTA. Thành công của Vice City một phần cũng nhờ chiến dịch PR bá đạo chưa từng có của Rockstar, họ đã dám làm điều mà chưa hề có một hãng game nào khác dám nghĩ đến để làm. Họ đăng ảnh, lắp biển quảng cáo, băng rôn khắp thành phố tại nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra một kỉ nguyên mới của PR trong ngành công nghiệp game.

Đến năm 2003, Rockstar cho ra mắt game có thể nói là tai tiếng nhất trong toàn bộ những series mà hãng từng làm ra, không phải gì khác ngoài Manhunt. Được phát triển bởi Rockstar North khi họ cho tạm dừng series GTA, Manhunt là một series chỉ có tập trung về giết người, giết và giết và giết và giết, theo những cách bạo lực và ghê rợn nhất có thể, có thể coi Manhunt là series bạo lực nhất từng được làm ra cũng được. Và tất nhiên, Manhunt đã rấy lên rất nhiều phản ứng từ dư luận. Game đã bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, New Zealand,... bị đổ lỗi cho khá nhiều vụ giết người. Tuy Manhunt không bán chạy được như GTA nhưng nó vẫn trở thành huyền thoại trong ngành công nghiệp game. Max Payne 2 cũng đồng thời được ra mắt trong năm 2003.

Sau 2 năm tạm nghỉ, Rockstar North tiếp tục quay trở lại với series GTA với sự ra mắt của GTA San Andreas vào 2004. Nối tiếp thành công của những người tiền nhiệm, San Andreas đưa người chơi đến với thành phố được lấy cảm hứng từ San Diago, với một trong những cốt truyện hay nhất trong series GTA và thêm nhiều tính năng mới kể từ Vice City. Cũng như Vice City, GTA 3 được Rockstar quảng cáo một cách nhiệt tình, lần này là qua màn ảnh rộng. GTA 2 đã từng làm việc này rồi với một bộ phim ngắn về Holigans của môn bóng đá. Độ nổi tiếng của San Andreas thì không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên đây cũng là game tai tiếng nhất của Rockstar và đưa hãng vào tình thế nước sôi lửa bỏng.

Sony trước đây đã trả tiền cho Take Two để đảm bảo rằng series GTA sẽ độc quyền trên hệ máy của hãng trong một khoảng thời gian nhất định rồi mới được phát hành trên những Platform khác. Khi San Andreas được có mặt trên PC, cũng như những phần GTA khác, đã được modder chào đón nhiệt tình. Một trong những modder đó là Patrick Wildenborg đến từ Hà Lan, Patrick đã tung ra bản mod có tên Hot Coffe vào ngay trước ngày San Andreas được ra mắt tại Châu Âu, và sau 2 ngày kể từ khi game được lên PC. Đây là bản mod đã làm cho Rockstar điêu đứng trong một khoảng thời gian vô cùng dài, về căn bản, bản mod không thay đổi gì game cả mà chỉ mở ra một đoạn mã mà Rockstar đã dấu đi. Đoạn mã đó chính là một mini game liên quan đến tình dục, Sex Game này chưa được hoàn chỉnh và vì một số lí do nào đó Rockstar đã quyết định dấu đi khỏi game thủ, có lẽ quyết định này được ban hành vào ngay gần thời điểm ra mắt của game nên Rockstar đã không kịp xóa khỏi dự liệu game, thay vào đó họ dấu và hi vọng không ai tìm được, nhưng thật không may vì đã có người tìm được nó.

Tuy bạo lực, giết người cướp của diễn ra liên miên trong GTA, nhưng không hiểu vì lí do gì mà một Sex mini game lại khiến cho dư luận khắp nơi cùng nổi lên để nhấn chìm San Andreas. Chính vì thế, hội đồng game đã phải xếp hạng lại San Andreas, từ M (Mature) sang AO (Adult Only), điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát hành game, vì đa số các nhà phát hành không muốn bán game AO, trong khi đó Sony và Microsoft lại không cho phép game AO trên hệ máy chơi game của họ. Điều này đã buộc Rockstar phải thu hồi đĩa game họ đã phát hành, chi phí tốn kém ước tính hơn 25 triệu đô...

Rockstar và Take Two nhận được vô số lời chửi bới, buộc tội, và kiện cáo từ cha mẹ khắp nơi trên thế giới. Những vụ kiện tụng liên quan đến Hot Coffe kéo dài đến tận năm 2009, Rockstar tuyên bố hãng sẽ không bao giờ nhắc đến bản mod Hot Coffe nữa và chắc chắn một điều rằng trong game của họ ở tương lai chắc chắn sẽ không hề có sex game.

Tiếp tục đến với phần 2, RockStar tiếp tục làm thế giới khuất đảo với những quyết định táo bạo của mình.

Viết bình luận