(Game8) - Sau một loạt diễn biến kể từ khi Shunwang châm ngòi cuộc rắc rối của Gcafe, công ty Hòa Bình đang có biểu hiện yếu thế dần trước sự tấn công dồn dập về chiến lược của các bên.
Đúng như dự đoán của phần lớn game thủ Việt, sự việc Shunwang đứng ra tố cáo phần mềm Gcafe Việt Nam của công ty Hòa Bình là vi phạm bản quyền chỉ là phát pháo khởi đầu cho một loạt diễn biến bất ngờ sau đó. Và cho đến thời điểm này khi nhìn lại các diễn biến có thể thấy VNG đang là bên có thắng lợi nhất cho đến nay.
VNG nắm thế thượng phong với hợp đồng ủy quyền từ Shunwang
Công ty VNG chính thức dính dáng đến tranh chấp Gcafe vào ngày 15/10/2015. Thời điểm chính thức ra mắt trang web icafe8 và chính thức phát hành một phần mềm quản lý phòng máy mới với tên gọi Gcafe. Tại trang chủ của phần mềm này, VNG trưng bày trang trọng các trang tài liệu ký kết cả bản tiếng Trung lẫn bản dịch lại tiếng Việt cho thấy công ty Shunwang chính thức ủy quyền cho VNG sử dụng phần mềm iCafe Mavin. Đây là phần mềm được cho là bị công ty Hòa Bình sử dụng trái phép tại Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng dưới tên gọi Gcafe.
Trang chủ của phần mềm Gcafe phiên bản VNG
Giấy chứng nhận ủy quyền từ Shunwang được đăng công khai
Nhìn sâu hơn một chút có thể thấy văn bản chính được Sunwang ký ngày 26/8/2015, tức là chỉ ít ngày sau khi Shunwang chính thức thông báo sẽ kiện công ty Hòa Bình vì vi phạm bản quyền Gcafe Việt Nam. Điều này cho thấy VNG là đơn vị đã thành công trong cuộc chiến tiếp cận Shunwang để đoạt lấy hợp đồng ủy quyền hợp pháp iCafe Mavin trước các đơn vị chạy đua khác và bắt đầu xây dựng chiến lược cho Gcafe phiên bản VNG.
Thư ngỏ cung cấp Gcafe miễn phí của VNG
Điều này cũng trở nên dễ hiểu khi trong vài tháng gần đây liên tục xuất hiện các ảnh chụp thư ngỏ của VNG gửi đến các chủ phòng máy cho biết họ sẽ cung cấp miễn phí phần mềm Gcafe. VNG đã có những bước khởi động nhanh chóng trước khi chính thức mở cửa Gcafe VNG vào giữa tháng 10.
Hòa Bình – những câu hỏi chưa trả lời và chứng nhận bản quyền… cái logo
Trước cơn bão của đối phương liên tục công phá, công ty Hòa Bình đã có động thái đáp trả với việc khẳng định thương hiệu Gcafe là thuộc sở hữu của mình có đăng ký bản quyền hợp pháp. Kèm theo đó là 2 bản scan giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Bằng chứng "cứng" nhất của Hòa Bình vẫn để lại nghi vấn.
Tại sao phần mềm Hòa bình tự viết lại có chữ ký điện tử của Shunwang ?
Ở giấy chứng nhận đầu tiên khi trả lời Shunwang, Hòa Bình đưa ra giấy chứng nhận quyền tác giả cho phần mềm có tên gọi Gcafe Professional để chứng minh mình là người tạo ra sản phần mềm này. Tuy nhiên không có câu trả lời nào được đưa ra cho bằng chứng từ phía Shunwang về việc chữ ký điện tử của họ nằm trong file hệ thống của Gcafe. Và liệu bản phần mềm Hòa Bình mang đi đăng ký quyền tác giả với bản đang sử dụng bị cáo buộc có chữ ký điện tử của Shunwang có phải là cùng 1 phần mềm ?
Giấy chứng nhận quyền tác giả của tác phẩm vẽ mỹ thuật: logo Gcafe.
Đến khi VNG chính thức tuyên bố cung cấp Gcafe phiên bản VNG thì Hòa Bình tiếp tục trưng ra giấy chứng nhận quyền tác giả thứ 2. Tuy vậy khi nhìn kỹ vào giấy chứng nhận thứ 2 đưa ra thì nhiều người mới vỡ lẽ ra rằng đây là giấy chứng nhận bản quyền tác phẩm vẽ mỹ thuật của… cái logo Gcafe. Tức là chiếu theo luật không ai có quyền sử dụng mẫu vẽ logo bên dưới đây để sử dụng mà không có sự đồng ý của Hòa Bình.
Logo mỹ thuật Gcafe được cấp chứng nhận quyền tác giả cho công ty Hòa Bình
Điều này không đồng nghĩa với việc thương hiệu Gcafe thuộc về công ty Hòa Bình, nó chỉ là cái mẫu vẽ logo này thuộc về Hòa Bình mà thôi. Chuỗi ký tự “Gcafe” vẫn được phép sử dụng (và đăng ký bản quyền tác phẩm mỹ thuật vẽ cái logo) với logo khác chứ nó không phải thuộc độc quyền của công ty Hòa Bình. Nói cách khác VNG hoàn toàn có thể sử dụng một logo Gcafe không giống logo của Hòa Bình.
Logo Gcafe phiên bản VNG hoàn toàn khác logo của Hòa Bình
Mặt khác công ty Hòa Bình cho đến tận lúc này vẫn không đưa ra lời giải thích nào thỏa đáng đối với bằng chứng cáo buộc “xài bất hợp pháp” phần mềm iCafe Mavin của Shunwang. Đó là việc hầu hết các file hệ thống của Gcafe Việt Nam do công ty Hòa Bình vận hành thời điểm đó đều có chữ ký điện tử của Shunwang.
Trong khi đó chủ phòng máy tố cáo Hòa Bình âm thầm thay phần mềm gây ra lỗi
Một biểu hiện khác cực kỳ nguy hiểm mà công ty Hòa Bình đã bị cáo buộc là “âm thầm” thực hiện và không có lời giải thích nào. Đó là lén lút dùng quyền cập nhật thay đổi phần mềm Gcafe cài ở các phòng máy thành một phần mềm Gcafe mới. Nhiều chủ phòng máy đã kiểm tra và tố cáo việc làm bị cho là “vượt quyền” này kèm theo đó là cáo buộc phần mềm mới chạy không ổn định làm thiệt hại cho phòng máy.
Cuộc chiến giờ đây sẽ là Gcafe vs Gcafe
Đưa ra giấy chứng nhận bản quyền không đúng hạng mục, âm thầm thay phần mềm cũ, không giải thích về bằng chứng cáo buộc. Công ty Hòa Bình đang cho thấy mình ở thế bất lợi và không thể phản kích hiệu quả các đòn tấn công chiến lược dồn dập từ đối thủ cạnh tranh. Liệu Hòa Bình sẽ buông xuôi hay đang chuẩn bị cho một đợt phản công lớn ?
Viết bình luận