Giao hàng - Shipper trở thành người chơi game trong thế giới thực

Taskmaster 11/02/2025 08:53

Trong thế giới game, người chơi luôn tìm cách tối ưu hóa chiến lược để kiếm được nhiều phần thưởng nhất. Nhưng với những tài xế giao hàng như Lưu Bân, cuộc sống ngoài đời cũng chẳng khác gì một trò chơi sinh tồn, nơi anh phải không ngừng chạy đua với thời gian để kiếm tiền và tồn tại.

MỤC LỤC [Hiện]

Mỗi sáng thức dậy, Lưu Bân – một chàng trai 27 tuổi đến từ Hà Nam (Trung Quốc) – lại cảm thấy như mình đang bước vào một tựa game thế giới mở. Với vóc dáng cao 1m7 và cân nặng hơn 100kg, anh không phải là một nhân vật được "tạo hình" tỉ mỉ như trong game. Nhưng điều quan trọng hơn là kỹ năng mà anh đã tích lũy suốt 6 năm làm shipper.

Anh hiểu từng ngóc ngách của khu vực trung tâm Bắc Kinh như lòng bàn tay, biết con đường nào nhanh nhất để vào tòa nhà, hay đoạn nào dễ bị phạt vì vi phạm giao thông. Những kiến thức này chính là "map hack" giúp anh tăng tốc trong "trò chơi sinh tồn" của mình.

Năm 2023 là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Lưu Bân. Trong cộng đồng 20 vạn shipper tại Bắc Kinh, anh từng lọt vào top 50 nhiều lần, có lúc vươn lên hạng 12, và được anh em gọi là "Tiểu Đơn Vương". Nhưng dù đứng thứ hạng cao, anh cũng chẳng thấy tự hào, vì đây đơn giản chỉ là phần thưởng cho sự chăm chỉ của mình.

Giống như một game online, hai nền tảng giao hàng lớn nhất Trung Quốc – Meituan và Ele.me – giống như hai "guild" thống trị 90% thị trường. Các shipper phải liên tục hoàn thành nhiệm vụ, nâng cấp tài khoản để giành được nhiều đơn hàng hơn. Những ai chăm chỉ sẽ lên cấp nhanh hơn, được hệ thống ưu tiên giao đơn, nhưng nếu chậm chân, thứ hạng sẽ tụt dốc không phanh.

Cuộc đời của Lưu Bân giống như một tựa game khởi đầu ở chế độ "hard mode". Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, anh phải bỏ học từ năm 15 tuổi để đi làm. Ban đầu, anh làm thợ học việc trong một gara ô tô với mức lương ít ỏi, sau đó chuyển qua làm phục vụ ở quán karaoke, nơi mà mỗi đêm anh có thể kiếm hàng trăm tệ tiền tip.

Nhưng cám dỗ cờ bạc đã khiến anh trắng tay. Rời bỏ Thượng Hải, anh lên Bắc Kinh vào năm 2018 để làm shipper, đúng vào thời kỳ hoàng kim của nghề này. Khi đó, chỉ cần chăm chỉ, mỗi tháng anh có thể kiếm 30.000 tệ (~100 triệu VND). Nhưng thời kỳ vàng son đó không kéo dài lâu, khi nền tảng bắt đầu siết chặt chính sách và giảm thưởng.

Trong game, người chơi luôn tìm cách khai thác "bug" để có lợi thế. Và Lưu Bân cũng vậy.

Anh nhận ra rằng hệ thống giao đơn của nền tảng không bao giờ ưu tiên đơn hàng gần vị trí shipper, mà luôn ép họ di chuyển xa để tốn thêm thời gian. Vì vậy, anh phải tìm cách đi tắt, luồn lách qua những con hẻm nhỏ để tối ưu hóa thời gian giao hàng.

Để chạy nhanh hơn, chiếc xe điện trị giá 3.999 tệ của anh cũng được "độ" lại, giúp đạt tốc độ lên đến 60km/h – gấp đôi giới hạn cho phép. Bởi nếu chỉ chạy 25km/h như quy định, thì không một đơn hàng nào có thể được giao đúng giờ.

Nhưng dù cố gắng thế nào, anh vẫn không thể trốn khỏi những quy tắc khắc nghiệt của nền tảng. Mỗi tháng, dù có cẩn thận đến đâu, anh vẫn bị trừ 100-300 tệ vì trễ đơn hoặc vi phạm luật giao thông. Những khoản tiền này lại chảy ngược vào túi của nền tảng, biến shipper thành những "người chơi" mãi không thể thắng được hệ thống.

Khi mới vào nghề, một shipper có thể kiếm được 50 tệ mỗi giờ, nhưng đến năm 2024, con số này chỉ còn khoảng 10 tệ. Để duy trì mức sống tối thiểu, Lưu Bân phải làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày, và nếu muốn kiếm nhiều hơn, anh cần chạy ít nhất 16 tiếng.

Quá tải, kiệt sức, không bảo hiểm, không hợp đồng lao động – những shipper như Lưu Bân chỉ là những "nhân vật" trong một trò chơi không có hồi kết, nơi mà chỉ cần dừng lại, họ sẽ bị hệ thống đào thải.

Thế giới game có thể đem lại niềm vui, nhưng với những shipper như Lưu Bân, cuộc sống giống như một trò chơi không có chức năng "pause" – nơi họ mãi chạy đua mà không biết khi nào mới có thể thắng.

Theo: Weibo

Viết bình luận