Tổ chức y tế WHO đưa ra lời khuyên "hãy ở nhà chơi game" để phòng chống dịch Covid-19

Taskmaster 31/03/2020 08:01

MỤC LỤC [Hiện]

Tổ chức Y tế Thế giới vừa kết hợp với nhiều đại diện của ngành game để triển khai chiến dịch #PlayApartTogether, khuyến khích mọi người ở nhà chơi game để kiểm soát tốc độ lây lan của COVID-19. Thay vì ra đường gặp gỡ lẫn nhau, vốn là một cách khiến SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn, WHO đang tìm mọi cách để khuyên mọi người ở trong nhà. Chơi game online tương tác với mọi người là một trong những cách như thế.


Những đại diện của ngành game, từ những studio lớn nhất thế giới đều đã tham gia chiến dịch do WHO phát động. CEO Activision Blizzard, Bobby Kotick cho biết: “Chưa có lúc nào mọi người cần ở trong nhà một cách an toàn, nhưng vẫn phải kết nối với nhau như bây giờ. Game là nền tảng hoàn hảo vì chúng kết nối mọi người qua những niềm vui cũng như mục tiêu. Chúng tôi rất tự hào vì được tham gia vào sáng kiến vừa cần thiết vừa quan trọng này.”


Một “ông lớn” khác của làng game chính là cha đẻ Liên Minh Huyền Thoại. CEO Riot Games, Nicolo Laurent cho rằng: “Tránh xa lẫn nhau không đồng nghĩa với việc tự cô lập bản thân. Hãy giữ khoảng cách giữa mọi người, và thực hiện những biện pháp y tế cần thiết như rửa tay thường xuyên để giảm số ca bệnh và cùng chơi game với nhau để vượt qua khủng hoảng. Với những người ở Riot, chơi game không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn là mục đích sống. Bây giờ, với hàng tỷ người yêu game trên thế giới, chơi game có thể là thứ giúp cứu sống rất nhiều người. Hãy cùng chiến đấu qua màn “đấu trùm” COVID-19 cùng nhau.”


Ngược đời ở chỗ, trước đây, chính WHO đã cố gắng tạo ra nhận thức về “rối loạn chơi game quá độ”, coi nó là một chứng rối loạn tâm thần cần được sự quan tâm của các chuyên gia y tế. Nhưng giờ Tổ Chức Y Tế Thế giới lại coi chơi game là thứ giết thời gian rảnh phù hợp. Bản thân nhiều chuyên gia tâm lý học cũng phải thừa nhận rằng, dù nghiện game có thể gây ra những tác động tiêu cực tới cuộc sống của một người, nhưng nếu chỉ dựa vào tần suất “trải nghiệm những sản phẩm giải trí tương tác” để đánh giá một người có bị nghiện game hay không vẫn chưa thỏa đáng. Việc thiếu đi những nghiên cứu nghiêm túc về rối loạn chơi game và thiếu đi một khái niệm chung được tất cả mọi người đồng thuận đã khiến chủ đề này xuất hiện không ít tranh cãi thời gian qua.


Nhưng dù sao đi chăng nữa, việc WHO đồng ý việc chơi game là thứ nên làm giữa mùa đại dịch chứng minh một điều, COVID-19 nguy hiểm hơn “rối loạn chơi game” nhiều, và cần phải kiểm soát ngay lập tức.

Theo digitaltrends

Viết bình luận