Thú vị với bộ LED dây tự đổi màu theo game do người Việt sản xuất

Người Vô Hình 06/06/2016 23:00

(Game8) - Ambino là một bộ đèn LED của công ty cùng tên tại Hà Nội, nó sẽ gắn vào phía sau màn hình để hắt màu lên bức tường trong những lúc bạn xem phim, chơi game , từ đó tạo nên cảm giác hòa nhập hơn đồng thời góp phần giúp mắt đỡ nhức hơn.

 

Ambino là một bộ đèn LED của công ty cùng tên tại Hà Nội, nó sẽ gắn vào phía sau màn hình để hắt màu lên bức tường trong những lúc bạn xem phim, chơi game , từ đó tạo nên cảm giác hòa nhập hơn đồng thời góp phần giúp mắt đỡ nhức hơn. Màu hắt lên tất nhiên được lấy từ màu sắc của hình ảnh đang hiện ra trên màn hình. Ý tưởng của Ambino giống với dòng TV Ambilight của Philips nhưng có thể xài với bất kì màn hình nào, tương thích cả Windows, OS X lẫn Linux. Đây là lần đầu tiên mình được trải nghiệm kiểu đèn này và Ambino đã để lại ấn tượng rất mạnh với mình, nhất là khi xài để chơi các game hành động (test bằng Counter Strike: Global Offensive), khi ấy màu của game hắt ra tường liên tục khiến màn hình có cảm giác như màn hình đang được mở rộng ra.

 

 

Cách hoạt động của Ambino khá dễ hiểu: driver trên máy tính sẽ liên tục phân tích hình ảnh trên màn hình của bạn, nhất là hình ảnh nằm ở gần rìa màn hình, xem xem nó có màu chủ đạo là gì. Kế tiếp, driver sẽ ra lệnh cho dãy đèn LED đổi màu tương ứng và hắt ánh sáng lên mảng tường nằm phía sau màn hình. Thời gian lấy mẫu màu sắc của driver có thể chỉnh được, mình chỉnh 10 mili giây và thấy màu chuyển khá mượt và giống hệt với cảnh game mình đang chơi. Ví dụ, khi bạn đang chơi game đến một căn phòng màu vàng, đèn hắt lên sẽ theo màu vàng, còn khi bạn bước ra một căn phòng khẩn cấp với đèn báo động, đèn sẽ hắt ra màu đỏ. Màu đèn có thể khác nhau theo từng khu vực của màn hình chứ không nhất thiết là phải sáng 1 màu duy nhất.

 

 

Kiểu đèn của Ambino cũng được chứng minh là giúp mắt đỡ mỏi hơn khi dùng trong phòng tối vì nó tạo ra một vùng sáng dung hoà giữa màn hình đang sáng rực với môi trường đen xung quanh. Với các màn hình máy tính do chúng ta ngồi khá gần nên hiệu quả của việc này có thể không thấy rõ ràng, nếu bạn xài màn hình TV cỡ lớn và ngồi xa một chút thì sẽ cảm nhận rõ hơn. Bạn có thể đọc thêm về nghiên cứu đó ở đây . Mình không thấy rõ việc giảm nhức mắt này khi xài với màn hình 24 inch của mình, vì trong nghiên cứu cũng nói là chỉ 60-90% người được khảo sát là thấy có tác dụng chứ không phải ai cũng thấy.

 

Trải nghiệm thực tế khá là ấn tượng. Mình đã từng thấy Philips trình diễn Ambilight ở mấy kì triển lãm nhưng chưa bao giờ được sử dụng ở nhà một cách thực tế, vậy nên khi setup xong Ambino để nó chạy thì mình rất thích thú. Thứ đầu tiên mình thử là một video có ba màu RGB trên YouTube để xem đèn có hiện màu chính xác hay chưa thì thấy rất ổn. Xong mình thử tới iTunes Visualizer để coi đèn sẽ đổi màu ra sao lúc hình ảnh thay đổi trên màn hình thì thấy cũng rất tuyệt. Nhưng cái quan trọng nhất cần phải thử là game. Đây cũng là hai ứng dụng chính mà nhóm Ambino nhắm tới khi họ làm ra sản phẩm này. Game mình chọn là Counter Strike: Global Offensive vì mình muốn xem đèn LED sẽ chuyển ra sao trong bối cảnh nhân vật và cảnh trong game luôn thay đổi, tức là về lý thuyết đèn sẽ phải đổi màu rất nhanh để bắt kịp. Kết quả khá ấn tượng, do mình đã chỉnh tốc độ nhận màu là 10ms nên màu chuyển cực kì nhanh và mượt mà theo tất cả cảnh game của mình.

 

Mình cũng có thử Ambino khi xem phim sẽ ra sao. Mình chọn phim Jurassic Park phần mới nhất để xem vì nghĩ rằng các cảnh thảo nguyên xanh và cảnh cháy nổ sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc hắt đèn, tạo ra cảm giác tốt hơn. Đúng là như vậy, những cảnh có nhiều màu sắc chính là những lúc Ambino sáng rực rỡ và tạo nên ấn tượng mạnh. Tuy nhiên lúc xem phim thì không "sướng" bằng khi chơi game. Nói về trải nghiệm lúc chơi game cũng rất thú vị. Do mình chơi trong một phòng tối, đèn trần đã tắt hết nên khi đó chỉ còn ánh sáng từ màn hình và đèn LED mà thôi.

 

Mắt của chúng ta khi chơi game đương nhiên là sẽ tập trung vào màn hình rồi, vậy nên ánh sáng đèn LED hắt ra sẽ trở thành một phần mở rộng cho thứ mà chúng ta đang nhìn vào. Mình có cảm giác như màn hình của mình đang được mở rộng ra, cảm giác thật hơn và gần giống như là mình đang thật sự ở trong game vậy. Ví dụ dễ thấy nhất là khi ngắm súng bắn tỉa, khi đưa mắt vào ống ngắm thì xung quanh đen hết, còn bỏ ra thì trời như bừng sáng lên nhờ hiệu ứng của LED. Cảm giác này mình chưa từng có được khi chơi bằng màn hình máy tính.

 

 

Nói về chút về phần cứng, trung tâm của Ambino là một dây đèn LED. Bản mình mua dùng cho màn hình 24" nên sẽ có tất cả 30 đèn trên dây, màn hình 27" thì có 34 đèn, cứ như vậy mà tăng lên. Trên dây LED có sẵn keo, bạn sẽ dùng keo này để dán nó lên 3 cạnh của mặt sau màn hình (trừ cạnh dưới). Việc dán dây hơi mất thời gian tí xíu vì mình phải làm từ từ, tránh dán ngược hoặc dán méo. Trong sản phẩm mà mình nhận được có một đoạn dây LED hơi ít keo nên khó dính vào hơn so với những đoạn còn lại, mình phải tạm cố định bằng băng keo trong.

 

 

Sau khi lắp xong thì mình sẽ gắn nguồn và gắn bộ điều khiển của Ambino vào dây LED, vậy là hệ thống cơ bản đã sẵn sàng rồi. Bộ điều khiển này khá nhỏ gọn, nó có thêm cổng USB để kết nối vào máy tính của chúng ta. Bạn có thể gắn nó trực tiếp vào PC hoặc gắn vào cổng trên màn hình cũng được. Mình gắn thẳng vào cổng trên màn hình luôn cho tiện, đỡ phải kéo dây lằng nhằng. Quá trình cấu hình khá là đơn giản, trên cả Windows lẫn Mac. Tuy nhiên, hiện tại trên website của Ambino chỉ mới có video hướng dẫn cho Windows, còn cho Mac thì chưa có hướng dẫn nên mình phải nhắn tin với fanpage của Ambino trên Facebook để được chỉ cách cài driver. Trong thời gian tới Ambino sẽ sớm hoàn chỉnh hướng dẫn sử dụng cho mọi hệ điều hành vì hiện tại họ vẫn đang trong giai đoạn bán thử nghiệm.

 

Dây đèn LED dành cho màn hình 24" của mình đang được Ambino bán với giá 600 nghìn đồng. Có nhiều mức giá khác nữa tùy theo kích cỡ màn hình của bạn, hỗ trợ đến kích thước 50" nên bạn cũng có thể gắn vào TV nữa. Bạn nào quan tâm có thể vào đây đặt hàng và mua . Thực chất Ambino được phát triển dựa trên dự án Adalight, cũng là một dự án đèn LED gắn vào lưng máy tính. Tuy nhiên, nếu như ở Adalight bạn phải tự làm rất nhiều thứ thì Ambino làm sẵn cho bạn gần hết rồi, từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cho đến lập trình bo mạch, bạn chỉ cần dán lên màn hình và cài driver vào máy tính là xong. Nếu anh em nào thích nghịch thì cũng có thể tự làm bằng Adalight , khi đó chi phí sẽ rẻ hơn, mình ước tính vào khoảng 250.000 - 300.000 đồng cho một bộ (2m dây đèn LED tầm 20.000 đồng đến 100.000 đồng tùy chất lượng, cục nguồn 5V 2A giá đâu đó 20.000 - 40.000 đồng, mạch Arduino Uno R3 giá khoảng 170.000 đồng đến 200.000 đồng, lặt vặt thêm tiền cáp USB và keo dán nữa). Adalight cũng có bán sẵn gói linh kiện để DIY nhưng giá khác cao, tới 50$, tức là khoảng hơn 1 triệu đồng.

 

 

Theo Tinh Tế

Viết bình luận