Đánh giá HyperX Pulsefire Haste, không dây hay có dây đều “tuyệt hảo”

Bạch Thiển 03/09/2022 10:14

MỤC LỤC [Hiện]

Về thiết kế tổng thể, cả phiên bản không dây và có dây của dòng chuột này đều có chung ngôn ngữ thiết kế hướng về Esports đặc trưng với các nút bấm được tiết giảm vừa phải phục vụ đủ các tính năng thiết yếu. Phần vỏ khung tổ ong với các lỗ trên đó để giảm thiểu trọng lượng cùng thiết kế công thái học khiến HyperX Pulsefire Haste trở thành một chú chuột gaming nhẹ, thoải mái và hiệu suất cao.

Phiên bản có dây của HyperX Pulsefire Haste đã gây sóng gió trong danh mục chuột phục vụ cho thể thao điện tử vào năm ngoái, khi thể hiện thiết kế đối xứng và khung chỉ nặng 59 gram. Rất may, HyperX đã tạo ra một biến thể không dây thực hiện các ưu thế trọng lượng nguyên bản mà không ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc công thái học.

Thiết kế đục lỗ của bộ đôi HyperX Pulsefire Haste mang lại sự thoải mái, thoáng khí cho lòng bàn tay nhưng cũng rất cứng cáp. Bề mặt nhựa nhám được sử dụng trên bộ đôi này không mang tới vẻ ngoài bóng bẩy cao cấp nhưng đầy tính thực dụng khi tăng độ bám khi thao tác vốn được chú trọng hơn khi sử dụng với mục đích thi đấu.

Về kích thước, HyperX Pulsefire Haste cả bản có dây và không dây đều tương đương phù hợp với mọi kích thước bàn tay hay kiểu cầm nắm, không quá chật cũng không quá dài. Đây là một ưu thế lớn khi so với những chuột chơi game nhấn mạnh vào yếu tố trọng lượng thì HyperX Pulsefire Haste rõ ràng dễ làm quen hơn cả với chi phí bỏ ra đang thuộc top “bèo” nhất thị trường trong khi chất lượng build lại cực tốt.

Bỏ qua kích thước và trọng lượng, Haste Wireless có cấu hình nút kháđơn điệu với hai nút chính tiêu chuẩn ở phía trước và hai nút ở bên hông trái. Phần cuộn chuột là khu vực duy nhất đi kèm đèn led RGB nhằm tăng tính thẩm mĩ. Nút DPI được đặt lùi sau cuộn chuột một chút.

Với lối thiết kế tối giản, tách bạch công năng rõ ràng, thao tác chuột trong các trò chơi FPS hoặc RPG cực thuận tiện, nhanh chóng và không rườm rà. Đây có lẽ là mục đích lớn nhất khi HyperX đưa ra lối thiết kế như vậy cho Pulsefire Haste.

HyperX Pulsefire Haste sử dụng các switch TTC Golden Micro, được đánh giá có độ bền lên tới 60 triệu lần nhấn. Ngoài ra chúng được bảo vệ bởi lớp phủ chống bụi và nước được xếp hạng IP55, điều này giúp game thủ yên tâm hơn khi thiết kế HyperX Pulsefire Haste  có nhiều lỗ hổng.

Về hiệu suất chơi game, HyperX Pulsefire Haste mang tới trải nghiệm cực tốt khi sử dụng mắt đọc Pixart PAW3355 có tốc độ đạt 450 IPS với DPI tối đa lên tới 16000. Sử dụng thực tế, mắt đọc Pixart PAW3355 cho thấy khả năng ổn định và cảm giác chính xác trên mọi trò chơi mặc dù đây không phải là mắt đọc cao cấp nhất trong các dòng thường sử dụng cho chuột Esports. Một điểm thú vị nữa khi HyperX Pulsefire Haste lựa chọn mắt đọc này chính là khả năng tiêu thụ pin cực hợp lý mang đến cho dòng không dây, theo một số đánh giá có thể sử dụng lên tới 100 giờ liên tục mà không cần sạc lại còn trong trải nghiệm thực tế của người viết thì khoảng cỡ 2 tuần sạc lại một lần không phải vấn đề.

Pulsefire Haste phiên bản thường sử dụng dây siêu nhẹ trong khi đó Pulsefire Haste Wireless kết nối với PC của thông qua kết nối không dây 2.4GHz, với tần số quét 1.000Hz (1ms) hoạt động cực ổn định. Mặc dù không có kết nối Bluetooth nhưngg đây chắc chắn là những gì cần thiết đối với những chuột chơi game Esports không dây.

cục chuyển đổi thông minh khá hay ho trong trải nghiệm thực tế mà Pulsefire Haste mang lại

Nhìn chung HyperX Pulsefire Haste là một chú chuột gaming tốt tập hợp nhiều ưu điểm từ trọng lượng, giá thành và hiệu năng. Điểm trừ lớn nhất đến từ lớp vỏ nhám thiếu thẩm mĩ và nút cuộn chuột bấm khá “ẹ” mà thôi.

Viết bình luận