Những controller game thuộc hàng “độc nhất quả đất” (Phần 1)

Bookgrinder 01/10/2015 09:15
(Game8) - Ngoài chuột, phím và các tay cầm PlayStation, Xbox hay Wii đã quá quen thuộc, còn có những thiết bị điều khiển mà khi nhìn vào bạn phải thốt lên "WTF?" 

Donkey Konga Bongos

Nếu bạn từng có máy Gamecube, bạn có thể sẽ nhận ra chiếc trống này. Đây là sản phẩm của đội ngũ thực hiện Donkey Kong dưới quyền Nintendo, và vì thế nó chỉ hoạt động với bốn trò chơi Donkey Kong do họ tạo ra – một con số quá ít và không đủ để thuyết phục game thủ móc hầu bao sở hữu.



Ngoài Gamecube, Nintendo còn dự tính làm ra thêm hai tựa game chạy trên Wii có khả năng hỗ trợ thiết bị này, nhưng cuối cùng họ lại đổi ý do không muốn khiến những game thủ không sở hữu Bongos bị tách biệt.

Resident Evil 4 Chainsaw

Khác với hầu hết các thiết bị khác trong bài viết này, thiết bị điều khiển hình dạng cưa máy của RE4 không được bán đại trà mà chỉ là một phiên bản giới hạn. Nó được thiết kế để “đem lại cho game thủ RE một trải nghiệm chân thực hơn” – với vẻ ngoài cũ nát và máu me của nó. Nếu nhà bạn có trẻ em, có thể bạn sẽ phải cân nhắc trước khi mua chiếc “tay cầm” này.



Trên thực tế, chiếc cưa máy này được trang bị một loạt tính năng rất ấn tượng: một sợi dây kéo để phát ra âm thanh cưa máy cắt vào thịt, tính năng rung đem lại cảm giác như đang cầm một cưa máy thực sự, và các “vết máu” trên mỗi thiết bị đều được sơn thủ công – hoàn toàn không có hai cưa máy giống hệt nhau được bán ra thị trường!

Nintendo NES Power Glove

Về mặt ý tưởng, tay cầm Power Glove tỏ ra khá độc đáo: một thiết bị mà bạn có thể mang trên cổ tay và bấm nút như một siêu chiến binh sử dụng các thiết bị tối tân. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng nó lại không tốt đẹp đến vậy. Được phát hành vào năm 1989 trong nỗ lực cách tân các tay cầm điều khiển của game, Power Glove có các nút điều khiển quen thuộc của hệ máy NES, các phím từ 0 đến 9 và phím lập rtình, đồng thời hỗ trợ một số chuyển động tay để điều khiển nhân vật. Tuy nhiên, do giới hạn công nghệ và thiết kế không hợp lý, đây là một thất bại thảm hại của Nintendo cả về kinh tế lẫn thương hiệu.



Có vẻ như khi thiết kế ra chiếc găng tay này, các kỹ sư Nintendo đã quên trả lời câu hỏi “bạn có muốn dùng tay trái bấm những nút trên tay phải trong một thời gian hàng giờ liền?” hay không.

Mad Catz L.Y.N.X. 9

Mad Catz nổi tiếng với những sản phẩm ngoại vi cho máy tính và console với thiết kế y như vừa được lấy ra từ những bộ phim viễn tưởng, và L.Y.N.X. 9 không phải ngoại lệ. Với cách bố trí nút bấm giống như tay cầm PS4 và cái giá 250 USD, bạn sẽ có được sự linh hoạt mà không một chiếc tay cầm nào có thể mang lại.



Với ba bộ phận chính “cánh phải, cánh trái, trung tâm”, người dùng L.Y.N.X. 9 có thể chủ động thay đổi kích thước, khoảng cách giữa các bộ phận, góc độ và cách sắp xếp của chúng theo rất nhiều cách khác nhau. Chúng có thể được sắp xếp để giữ được điện thoại hoặc tablet, đi kèm với một bàn phím riêng, hoạt động như một remote cho TV, có thể sử dụng như một con chuột và có thời lượng dùng pin lên đến 30 giờ, đủ sức thay thế các tay cầm PS4 thực thụ.

Konami LaserScope

Vừa nhìn vào hình dạng của nó, những đứa trẻ mơ mộng chắc chắn sẽ phải trầm trồ: một bộ thiết bị đeo trên đầu có khả năng đáp ứng các câu lệnh bằng giọng nói, với khả năng ngắm bắn qua camera và tai nghe, micro hệt như những binh sĩ tương lai. Thật đáng tiếc, LaserScope lại không được tuyệt vời như những gì mà Konami quảng cáo.



Trong thiết kế của Konami, họ muốn game thủ hét “bắn!” (Fire!) để nã đạn. Quá đơn giản đúng không? Nhưng nếu bạn đang cầm trong tay một khẩu súng máy thì sao? “Bắn bắn bắn bắn…” nghe quá ngớ ngẩn, chưa kể việc những người xung quanh sẽ nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của bạn khi la hét trong một thời gian dài. Có vẻ điểm cộng duy nhất của thiết bị này là mảnh kính che mắt gắn kèm một camera trông rất ngầu ngụa mà thôi.

Cần câu

Đây là loại thiết bị được rất nhiều hãng làm game phát minh, và gần như tất cả chúng đều… thất bại. Chỉ một số ít đáng được nhắc đến, chẳng hạn như chiếc cần câu của hệ máy Dreamcast do Sega phát triển dành cho tựa game câu cá Sega Bass Fishing cực kỳ thành công. Nó có hình dạng hệt như một cần câu cá thực thụ (trừ sợi dây) và một loạt nút bấm phục vụ cho nhiều tính năng khác nhau, và đặc biệt là hỗ trợ cả tính năng cảm ứng chuyển động để đem lại cho người dùng cảm giác câu cá thực thụ. Ngoài ra, nó còn hoạt động cả với Virtua Tennis như một chiếc vợt!

 
Cần câu của Sega


Cần câu của  Rapala

Một ví dụ khác là chiếc cần câu Rapala Pro Bass Fishing cho tựa game cùng tên. Có thể bạn chưa từng nghe đến trò chơi này dù nó chỉ mới được phát hành 2 năm trước trên Wii U, PS3 và Xbox 360 – điều này không có gì lạ bởi chẳng ai buồn chơi tựa game… dở tệ này. Cũng vì thế nên chiếc cần câu có hình dạng khá “độc” của game cũng chẳng được mấy ai biết đến.

Super Nintendo Super Scope



Super Scope là một khẩu súng ánh sáng khác từ Nintendo, và là một trong… vài chục thiết bị điều khiển được họ phát triển. Là “kẻ kế thừa” của khẩu súng lục NES Zapper, khẩu bazooka dài 6 tấc này đi kèm với một kính ngắm để game thủ có thể thổi bay mọi mục tiêu trên màn hình (trong trí tưởng tượng) một cách chính xác với tựa game đi kèm mang tên Super Scope 6, hoặc chơi những tựa game khác như Yoshi’s Safari, Bazooka Blitzkireg và cả… lái xe trong tựa Lamborghini American Challenge.

(Còn tiếp)

Viết bình luận