Khởi tố bị can 3 lãnh đạo công ty Sgame

Z.D 02/10/2015 16:01
ICTnews - Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an vừa tiến hành khởi tố vụ án kinh doanh trái phép và khởi tố bị can 3 lãnh đạo công ty Sgame.

Theo nguồn tin riêng của ICTnews, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an, đã tiến hành khởi tố vụ án kinh doanh trái phép tại Công ty Sgame và khởi tố bị can đối với 3 lãnh đạo công ty này là ông Mai Thanh Long, Giám đốc Sgame và 2 phó giám đốc là ông Nguyễn Anh Dũng và ông Nguyễn Mạnh Linh.


Trụ sở công ty Sgame tại tầng 15, toà nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội

Cụ thể, sau quá trình điều tra, thu thập các tư liệu liên quan, ngày 10/9 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Bộ Công an đã bất ngờ tiến hành khám xét trụ sở Công ty Sgame (đặt tại tầng 15, toà nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội); Lúc này, do ông Nguyễn Mạnh Linh không có mặt tại Hà Nội, nên cơ quan điều tra chỉ tiến hành khám xét nhà riêng Giám đốc Mai Thanh Long tại Long Biên, Hà Nội và nhà riêng ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc công ty tại Láng Hạ, Hà Nội. Ngay sau đó, ông Nguyễn Mạnh Linh cũng bị cơ quan chức năng triệu tập để phục vụ cho quá trình điều tra.

Căn cứ vào kết quả điều tra và căn cứ theo Điều 159 Bộ luật Hình sự, quy định về tội kinh doanh trái phép , ngày 25/9, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an xác định, công ty Sgame và 3 lãnh đạo của công ty đã kinh doanh trái phép các trò chơi điện tử trực tuyến và tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can như trên.

Được biết, số tiền mà công ty Sgame thu được từ việc kinh doanh trái phép các trò chơi trực tuyến này lên đến hơn 400 tỉ đồng.



Công ty Sgame được thành lập vào tháng 9/2009, với các thành viên sáng lập là ông Mai Thanh Long, ông Nguyễn Anh Dũng và ông Nguyễn Mạnh Linh. Đây được xem là một trong những công ty kinh doanh game thuộc loại thành công tại Việt Nam hiện nay, khi các game được phát hành bởi công ty này doanh thu lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, cá biệt có game lên đến vài chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, Sgame chỉ có giấy phép phát hành 3 trò chơi trực tuyến, còn lại là các trò chơi khác không được cấp phép tại thị trường trong nước. Để “lách luật” công ty này tiến hành sử dụng tên miền quốc tế đặt tên cho các website game, kinh doanh theo kiểu dịch vụ xuyên biên giới để tránh các cơ quan chức năng.

Các game không phép mà Sgame phát hành ở trong nước có đầy đủ các thể loại, từ game PC như Đao Kiếm 2, các webgame là Tân Tiên Kiếm, Đại Hiệp Truyện, Chân Long Giáng Thế, Tam Quốc Truyền Kỳ…và game mobile Bắn Trâu. Trong đó, đỉnh cao và tạo nên tên tuổi của công ty này là việc phát hành webgame Tam Quốc Truyền Kỳ ra thị trường.


Chân Long Giáng Thế cũng là một game gây đình đám của Sgame khi có Ngọc Trinh làm hình ảnh đại diện

Như vậy, Sgame là công ty thứ 2 ở Việt Nam dính vào vòng lao lý khi tiến hành hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến (game online) tại thị trường trong nước. Cụ thể, cách đây 2 năm, vào ngày 25/4/2013, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố ba lãnh đạo của công ty cổ phần dịch vụ trò chơi phần mềm Mặt Trời (Sunsoft) về hành vi kinh doanh trái phép, cụ thể là việc kinh doanh trò chơi trực tuyến chưa được cấp phép tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc các công ty kinh doanh game online rơi vào hoàn cảnh như trên, có một phần lỗi không nhỏ từ các cơ quan quản lý. Bởi từ năm 2010 đến nay, việc cấp phép cho game online đã phải tạm dừng, do chậm trễ trong việc ban hành các quy định, cũng như chính sách quản lý một cách rõ ràng. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh game online vẫn phải hoạt động, vẫn phải nuôi nhân viên…nên họ bắt buộc phải phát hành game không phép. Chính vì thế, để doanh nghiệp không phải gặp khó khăn hay rơi vào vòng lao lý như trên, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm xem xét để cấp phép trở lại cho game online, nhằm để họ an tâm hơn trong công việc kinh doanh.

Theo Nhóm PV/ICT News

Xem thêm các bài viết về sự việc này:




Viết bình luận