Đứt thêm một sợi cáp nữa thôi, Tết này dân Việt sẽ không có Internet để dùng

Shigeo Tokuda 18/01/2017 16:00

(Game8) - Chưa bao giờ, nguy cơ về một cái Tết không có Internet lại hiển hiện như lúc này với dân mạng Việt

Khi mà Internet giờ đây đã trở thành một phần của cuộc sống, khi mà mọi thứ từ công việc, học tập cho tới vui chơi, giải trí đều gắn sát sườn với những tiện ích của Internet, chắc chắn là không ai muốn phải trải qua một ngày mà Internet chập chờn hoặc mất kết nối, gửi một cái mail hay load một cái clip mãi mà không xong. Buồn thay, hiện tại rất nhiều người Việt Nam đang phải chịu đựng tình trạng đó, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao dộng và công việc. Cá nhân ảnh hưởng, dẫn tới cả doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân là do 2 tuyến cáp quang biển trọng yếu nối liền Việt Nam với quốc tế đang đồng loạt bị sự cố. Một là tuyến cáp quang Liên Á (IA) bị sự cố sụt nguồn ở đoạn gần Singapore, hai là tuyến cáp quang AAG bị sự cố rò điện cách Vũng Tàu 98 km. Chưa kể tuyến cáp APG đã gặp vấn đề ngay sau khi đưa vào khai thác. Những điều này đang khiến cho tốc độ truy cập Internet ở Việt Nam đang lê lết hơn bao giờ hết.

Câu hỏi đặt ra lúc này là tổng cộng Việt Nam có bao nhiêu cáp quang biển Internet đi quốc tế.

 

Hiện tại, đang có 4 tuyến cáp quang biển đang được khai thác ở Việt Nam. Đầu tiên phải đến chính là tuyến châu Á - Thái Bình Dương (AAG), cũng là tuyến cáp nhiều người biết tới nhất. Nó cập bờ Việt nam tại Vũng Tàu, có độ dài 20 ngàn kilomet, liên kết toàn khu vực Đông Nam Á với các tuyến cáp ở Mỹ qua khu vực các quần đảo Hawaii và Guam. Với tổng dung lượng 29.5 TB/s, đây là tuyến cáp quan trọng nhất, chiếm tới hơn 60% lưu lượng Internet quốc tế ở Việt Nam. Các nhà mạng chủ chốt như FPT Telecom, Viettel, VNPT đều dùng tuyến cáp này.

Đây cũng lại là tuyến cáp "mong manh, dễ vỡ nhất", thường xuyên xảy ra sự cố làm gián đoạn kêt nối. Vào năm ngoái 2016, tuyến cáp này đã 4 lần xảy ra hỏng hóc vào các tháng 3, 6, 8, 9.

 

Kế tiếp là tuyến cáp Liên Á (IA), đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2009, có tổng chiều dài 6.800 km, kết nối Việt Nam với các nước Singapore, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản. Mức đầu tư ban đầu dành cho tuyến cáp IA là 200 triệu đô la với lưu lượng khoảng 3200GB/s

Ít nổi tiếng hơn là tuyến cáp quang biển Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu, gọi tắt là SMW-3, được đưa vào khai thác tháng 9/1999. Tổng dung lượng thiết kế của tuyến cáp này là 320 Gb/s, nối liền Việt Nam với hơn 39 nước, cập bờ tại Đà Nẵng.

 

Cuối cùng là tuyến cáp quang APG, với dung lượng thiết kế 43,8 Tb/s và cập bờ tại Đà Nẵng mới được đưa vào khai thác. Ngoài các tuyến cáp quang biển, chúng ta còn có những tuyến cáp quang trên đất liền tiếp nối với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Quan trọng nhất trong số này là cáp quang biên giới Trung Quốc CSC.

Có thể thấy là với việc 3 tuyến cáp AAG, APG và IA đồng loạt xảy ra sự cố, hiện tại đường truyền đi Internet quốc tế ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tuyến cáp quang biển SMW-3 và các tuyến cáp trên đất liền kêt nối với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Vì vậy, chỉ cần thêm một trong số những tuyến "huyết mạch" này bị làm sao đó trong thời điểm này nữa thôi, một cái Tết Nguyên Đán gần như không Internet sẽ không còn chỉ là ác mộng nữa, mà sẽ là thành hiện thực.

 

Không may là, tất cả những gì chúng ta có thể làm lúc này là...cầu nguyện, mong sẽ không có bất cứ con cá mập nào đói khát lao vào cắn xé tuyến cáp quang cuối cùng này mà thôi.

Viết bình luận