Squid Game thành công khiến số người đi học tiếng Hàn tăng mạnh

Thor 12/10/2021 13:55

Lượng người dùng mới đăng ký học tiếng Hàn trên Duolingo ở Anh tăng 76% và ở Mỹ tăng 40% trong hai tuần sau khi "Squid Game" được chiếu trên Netflix.

Sự quan tâm đến việc học tiếng Hàn tăng vọt kể từ khi Netflix ra mắt bộ phim ăn khách "Squid Game" (Trò chơi Con mực). Điều này cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn trên toàn cầu của văn hóa Hàn Quốc, từ giải trí đến các sản phẩm làm đẹp.

Bộ phim gồm 9 tập, trong đó những người thiếu tiền chơi các trò chơi thời thơ ấu. Nếu thua, họ phải chết và nếu thắng sẽ giành được giải thưởng 45,6 tỷ won (38,19 triệu USD). Bộ phim đã thúc đẩy cả người mới bắt đầu và những người đang học tiếng Hàn mong muốn cải thiện các kỹ năng liên quan ngôn ngữ này.

Vừa tuần trước, từ điển tiếng Anh Oxford (OED) đã bổ sung 26 từ mới có nguồn gốc tiếng Hàn vào ấn bản mới nhất của mình, chẳng hạn từ "hallyu" (làn sóng Hàn Quốc) - thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để mô tả sự thành công toàn cầu của âm nhạc, phim ảnh, truyền hình, thời trang và thực phẩm Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh việc bổ sung này, gọi "Hangeul", bảng chữ cái tiếng Hàn, là "quyền lực mềm" của đất nước.

Sam Dalsimer, người phát ngôn của Duolingo, cho biết ngôn ngữ và văn hóa có mối liên hệ bản chất với nhau và những gì diễn ra trong văn hóa đại chúng và phương tiện truyền thông thường ảnh hưởng đến xu hướng học ngôn ngữ.

"Sự phổ biến toàn cầu ngày càng tăng của âm nhạc, phim ảnh và truyền hình Hàn Quốc đang làm tăng nhu cầu học tiếng Hàn", ông nói.

Theo Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc (KOFICE), có khoảng 77 triệu người nói tiếng Hàn trên toàn thế giới. Duolingo có trụ sở tại Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ) cho biết họ có hơn 7,9 triệu người dùng tích cực học tiếng Hàn, ngôn ngữ phát triển nhanh thứ hai sau tiếng Hindi.

Viện King Sejong, do Bộ Văn hóa Hàn Quốc điều hành, có khoảng 76.000 học viên ở 82 quốc gia vào năm ngoái, tăng nhanh từ 740 học viên ở ba quốc gia vào năm 2007.

Milica Martinovic, một học viên Viện King Sejong ở Nga, cho biết cô muốn thông thạo ngôn ngữ Hàn để có thể xem K-dramas mà không cần phụ đề và nghe K-pop mà không cần lời dịch.

Catarina Costa, 24 tuổi đến từ Bồ Đào Nha, sống ở Toronto (Canada), nhận thấy ngôn ngữ này đã trở nên phổ biến hơn kể từ khi cô bắt đầu học cách đây hai năm, khi hầu hết bạn bè của cô đều không hiểu tại sao.

"Mọi người bị cuốn hút khi tôi nói rằng tôi đang học tiếng Hàn", Costa, người đang học qua nền tảng học tập trực tuyến Talk To Me In Korean, cho biết. Nền tảng có 1,2 triệu thành viên ở 190 quốc gia đang theo học, đưa vào cả những từ mới xuất hiện trong từ điển Oxford, như "kimbap" (món cơm gói trong rong biển), "mukbang" (hình thức vừa ăn vừa ghi hình) và "manhwa" (thể loại phim hoạt hình và truyện tranh của Hàn Quốc).

Viết bình luận