9 cách đối phó với những đứa trẻ trong tình huống "Nó còn nhỏ có biết gì đâu"

NamiSan 04/10/2021 21:27

Bạn sẽ sở hữu siêu năng lực mang tên kiên nhẫn khi gia đình có thêm một đứa trẻ. Tuy nhiên, việc đối xử với con cái của người khác có thể là một vấn đề đau đầu hơn, đặc biệt là với những người chưa có kinh nghiệm hoặc khi đứa trẻ không biết điểm dừng, và khi cha mẹ chúng trở nên vô cảm trước hành động ngỗ ngược của con mình hay lên tiếng bênh vực rằng “Nó còn nhỏ có biết gì đâu”.

Trong tình huống này rất nhiều người có thể sẽ mất bình tĩnh khiến cho mâu thuẫn trở nên căng thẳng và khó giải quyết hơn, dưới đây là một số lời khuyên về cách hành động phù hợp khi đối phó với những đứa trẻ nghịch ngợm mà bạn có thể tham khảo:

1. Không can thiệp nếu không cần thiết.

Việc trẻ nhỏ trành chấp hay cự cãi với nhau khi vui chơi là việc không thể tránh khỏi. Ngay cả khi vấn đề mà trẻ trải qua chỉ là việc vô cùng nhỏ nhặt, nhưng lại có nghĩa rất lớn với chúng. Trong tình huống này, tốt hơn hết bạn chỉ nên quan sát, không nên tham gia, trừ phi sự việc trở nên nghiêm trọng. Việc bạn can thiệp vào các vấn đề của trẻ có thể khiến chúng nghĩ rằng mỗi khi gặp khó khăn cha mẹ sẽ đến giải vây, và chúng sẽ không học được cách tự giải quyết vấn đề.

Nhưng nếu xung đột trở nên gay gắt hơn, bạn nên hành động và khuyến khích trẻ lên tiếng và chia sẻ về tình huống, đồng thời nhắc nhở con việc sử dụng vũ lực hay xô xát là không đúng.

2. Sử dụng sức mạnh ngôn từ của bạn

Sử dụng ngữ điệu gây hấn với một đứa trẻ về bản chất được coi là một loại bạo lực. Điều này đặc biệt đúng nếu đó không phải là con bạn, hoặc nếu bạn chưa nắm rõ tình huống hoặc chưa biết hậu quả của việc mắng mỏ trẻ.

Theo các chuyên gia giao tiếp, cách tốt nhất để đối phó với một đứa trẻ hư là sử dụng sức mạnh ngôn từ để răn dạy chúng - nghĩa là bạn phải nói chuyện một cách đanh thép và rõ ràng, có uy lực nhưng vẫn giữ được sự tử tế. Bạn phải làm cho chúng hiểu rằng hành vi của chúng là sai, nhưng theo cách mà một đứa trẻ có thể tiếp nhận.

3. Định hướng lại tình hình

Có thể có những lúc trẻ có hành vi sai trái trước mặt cha mẹ chúng, nhưng đừng làm to chuyện.

Trước khi khiển trách cha mẹ vì hành vi gây khó chịu của đứa trẻ, bạn có thể chuyển hướng hành động của chúng bằng cách đưa ra các lựa chọn khác. Ví dụ: nếu chúng đang chơi trong nhà và chạm vào những đồ vật không được cho phép hoặc chạy quanh nhà, hãy dẫn chúng ra sân chơi, cho chúng chơi board game hoặc một số hoạt động hay nhiệm vụ khác để chuyển hướng hành vi gây phiền phức của chúng sang hướng khác.

4. Trò chuyện với bố mẹ của trẻ về sự can thiệp của bạn

Khi cha mẹ của đứa trẻ không chứng kiến ​​tình huống nhưng sự an toàn của những người khác hoặc của chính đứa trẻ bị đe dọa do hành vi của chúng, thì rõ ràng bạn phải hành động để tránh tình huống xấu xảy ra. Nhưng đứa trẻ bị khiển trách có thể hiểu sai phản ứng của bạn, và kể lại cho cha mẹ chúng theo một hướng khác, khiến bạn bỗng trở thành người xấu.

Lời khuyên là trước khi trẻ kịp bẻ hướng câu chuyện với cha mẹ, bạn nên chia sẻ với phụ huynh của chúng về những gì đã xảy ra để tránh hiểu lầm và tức giận.

5. Cho cha mẹ đứa trẻ thời gian để lên tiếng

Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là cha mẹ của những đứa trẻ này mới là người chịu trách nhiệm điều chỉnh cách cư xử của chúng chứ không phải bạn. Vì vậy, nếu bạn phải đối mặt với tình huống trẻ cư xử không đúng mực, các chuyên gia khuyên bạn nên dành thời gian giúp cha mẹ đứa trẻ nhận ra hành vi sai trái của con mình, và để họ là người đưa ra cảnh cáo và kỷ luật, thay vì bạn trực tiếp can thiệp vào việc nuôi dạy con người khác.

Ngoài ra, đừng chia sẻ suy nghĩ của bạn về những gì bạn sẽ làm hoặc đưa ra lời khuyên cho họ trong trường hợp này, vì họ hiểu đứa trẻ hơn bất kỳ ai khác và biết phải làm gì.

6. Đừng để con bạn tiếp xúc với một đứa trẻ không biết cư xử.

Trẻ nhỏ có thể rất dễ hòa đồng với những đứa trẻ khác, và sự ngây thơ khiến chúng có thể không nhận ra rằng mình đang kết giao với một người bạn xấu. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng về nhân cách của đứa trẻ ngỗ nghịch lên con bạn có thể gây hậu quả lâu dài đến khi trưởng thành. Hơn nữa, đứa trẻ nhạy cảm sẽ không thể quên được những gì đã xảy ra suốt thời niên thiếu.

Đó là lý do tại sao, là một bậc cha mẹ có trách nhiệm, bạn nên giúp con tránh tiếp xúc với những đứa trẻ hư, nhưng bạn phải can thiệp một cách đúng đắn, không cho phép chúng có cơ hội nào để đưa ra quyết định làm trái ý. Ví dụ, đừng ép chúng đến một nơi khác để tách nhau ra, thay vào đó hãy đưa ra những lý do khiến chúng cảm thấy không nên chơi với đứa trẻ kia và để chúng tự đưa ra quyết định.

7. Khi có trẻ em trong nhà hàng

Có những địa điểm phù hợp với gia đình và ngược lại, cụ thể là nhà hàng, vì vậy nếu sự hiện diện của trẻ có thể làm phiền bạn, tốt hơn bạn nên hỏi lễ tân liệu nhà hàng của họ có đông trẻ em hay không trước khi đặt bàn. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt bàn ở một vị trí yên tĩnh, hoặc yêu cầu chuyển đến khu vực yên tĩnh hơn nếu bạn không thể kiên nhẫn với những đứa trẻ khác.

Nếu những cách trên không giúp ích, bạn buộc phải học cách kiên nhẫn. Hãy nghĩ về bản thân bạn khi ở tuổi của chúng, hoặc cách con bạn cư xử ở những nơi công cộng. Hơn nữa, đôi khi lỗi không phải do trẻ mà do người lớn đi cùng, và họ không chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

8. Khi một đứa trẻ bạn không thích đến nhà bạn

Nếu bạn không thích bạn của con mình, cũng không sao vì bạn muốn những gì tốt nhất cho con mình và việc lo lắng về các mối quan hệ của con cái là hết sức bình thường. Nhưng cấm chúng chơi với người bạn đó không phải là giải pháp, vì có thể bị phản tác dụng, và thậm chí có thể khiến mối quan hệ của bạn và phụ huynh đứa trẻ kia trở nên căng thẳng đến mức không cần thiết.

Để đối phó với tình huống này, chuyên gia tâm lý chia sẻ một số lời khuyên:

- Đầu tiên là làm quen với đứa trẻ để bạn có thể khám phá ra những phẩm chất tốt đẹp của chúng, và lý do con bạn thích chơi với chúng.

- Thứ hai là trở thành một người chủ nhà hòa nhã: bạn nên tạo không khí dễ chịu để con không cảm thấy áp lực khi đưa bạn về nhà. Mặt khác, bạn cũng sẽ để mắt đến chúng và can thiệp một cách hợp lý nếu mọi việc bắt đầu trở nên phức tạp.

- Thứ ba là chia sẻ với chúng về nội quy trong nhà, yêu cầu chúng tuân thủ. Nếu ngay từ đầu chúng không biết về những điều bạn không thích, khi xảy ra việc không mong muốn, lỗi sẽ không hoàn toàn thuộc về chúng.

9. Khi trẻ em cư xử không đúng mực trong cửa hàng

Đến cửa hàng có thể khiến trẻ hào hứng vì chúng có thể chạm tay vào nhiều thứ mình thích nhưng lại không thể mua được. Điều đó thường khiến chúng cáu gắt, giận dữ, gào khóc và gây ảnh hưởng đến những người mua hàng khác.

Nhưng trước khi mở lời, hãy nhớ rằng cha mẹ có thể đang rất xấu hổ, khó chịu và bất lực khi dỗ dành và trấn an trẻ, vì vậy việc nổi nóng và đối xử tệ với trẻ sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, đây là khoảng thời gian trẻ học hỏi và tiếp thu cách giao tiếp và điều chỉnh hành vi của mình ở nơi công cộng, việc gây rối chỉ là một trong những động thái không mong muốn trong quá trình đó. Chỉ cần kiên nhẫn một chút bạn sẽ thấy tình huống trở nên đơn giản hơn.

Viết bình luận