Ngành game Việt Nam đang bơi ngược dòng với biển lớn game thế giới

Bookgrinder 27/08/2015 11:00
(Game8) - Đã có bao giờ bạn tự hỏi, ngành game xứ người ra sao, và ngành game Việt Nam khác biệt với họ như thế nào?

Game8 đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, và bỗng nhận thấy rằng chúng ta thật khác biệt.

Tình trạng chung


Bom tấn Black Desert đã trải qua 5 năm phát triển

Trên khắp thế giới, game offline (dù vẫn có thành phần online) chiếm vị thế áp đảo về số lượng game: hàng chục, hàng trăm tựa game hoành tráng với kinh phí khổng lồ được phát hành hàng năm, trong khi những tựa game online lớn thường xuất hiện rất dè dặt. Những tựa game online lớn cần phải trải qua nhiều năm phát triển, nhiều đợt thử nghiệm từ nội bộ, Alpha, Closed Beta, Open Beta trước khi tung ra thi trường, và những công đoạn này thường kéo dài đến vài năm. Hãy nhìn Black Desert: trò chơi được bắt đầu thực hiện từ năm 2010, và cho đến giờ phút này nó vẫn còn đang được thử nghiệm Beta.


7554 của Emobi

Tại Việt Nam thì sao? Ngành game của chúng ta còn non trẻ và yếu kém, nên việc chỉ có một vài studio có khả năng làm game là dễ hiểu. Trong số này, chỉ có Glass Egg, Gameloft, Emobi là những công ty lớn nhắm đến những tựa game hoành tráng, còn lại chủ yếu là những studio do các nhà phát hành game online lập ra để làm game di động hoặc webgame. Sự khác biệt này không sớm thì muộn sẽ bị san bằng, nhưng…

Các nhà phát hành


Cái tên Blizzard Dota dẫn đến việc kiện tụng giữa Valve và Blizzard

Nếu như các hãng phát hành game lớn của thế giới đánh nhau đầu rơi máu chảy để tranh quyền sở hữu những tựa game hoành tráng, chẳng hạn việc Valve và Blizzard giành nhau thương hiệu Dota, thì các nhà phát hành của chúng ta lại tranh nhau những tựa webgame mà ngoài Trung Quốc và Việt Nam, chẳng ai biết đến. Chưa hết, những ai sở hữu được những tựa webgame này nhanh chóng tung hô trò chơi đó là “nhất nước, nhất châu Á, nhất trái đất, nhất vũ trụ” với những bài viết quảng cáo được “rải thảm” trên khắp các trang tin game quen thuộc. Dù vậy, chỉ có một điều chắc chắn “nhất trái đất” từ những tựa game này: khả năng hút máu mạnh hơn cả siêu thấm thường quảng cáo trên TV.


Đây là eSports.

Một vấn đề khác: các nhà phát hành Việt đang tìm cách “chính thống hóa” trò chơi của mình bằng nhãn eSports. Không phải tựa game nào cũng có thể là eSports – những tựa eSports hàng đầu thế giới hiện nay đòi hỏi kỹ năng, phản xạ, óc phán đoán hay khả năng phối hợp và không đòi hỏi “cày cuốc” để chiến thắng, vì thế chúng là eSports. Nhưng một trò chơi yêu cầu bạn bỏ hàng chục triệu đồng cày tướng, ép ngọc, đập trang bị, tẩy tủy… làm sao có thể là eSports? Đó là một game online, và rất có thể là Pay to Win. Cái mác eSports gắn trên những game này trông hết sức buồn cười, và chỉ có nhà phát hành “bịt tai trộm chuông” khi cho rằng game thủ sẽ tin đó là eSports.


Còn cách nào khác không?

Vậy còn việc quảng bá game thì sao? Các nhà phát hành của chúng ta luôn đưa gái và sex ra để quảng cáo cho game. Phải chăng các nhà phát hành game “hết phép” khi không thể nghĩ ra được cách nào khác để quảng bá cho game của mình? Quả thật họ không được phép quảng cáo trên báo chí, panô hay bảng hiệu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chỉ có thể câu game thủ bằng các cô gái, những bộ ngực và các màn cởi đồ. Tại sao không quảng cáo trò chơi đến với game thủ bằng những thứ như đồ họa đẹp mắt, tính năng phong phú, lối chơi hấp dẫn? Đó là bởi vì…

Game

Vì chẳng có sự đẹp mắt, phong phú hay hấp dẫn nào trong các tựa game đó cả. Một số trò chơi có thể khá thành công về mặt doanh thu, nhưng đó là bởi “xứ mù thằng chột làm vua”. 99% game trên thị trường Việt Nam là những webgame, game mobile từ Trung Quốc. Bạn trông đợi những tính năng mới lạ, độc đáo ở những trò chơi đến từ một xứ sở chuyên làm hàng nhái? Ngay cả khi một ai đó thực sự nghĩ ra một tính năng mới lạ, chỉ vài ngày sau tính năng đó sẽ có mặt trong tất cả những tựa game khác trên thị trường.


Tru Tiên Thế Giới

Không phải Trung Quốc không có những tựa game hay – họ có những trò chơi client, đồ họa 3D đẹp mắt, lối chơi độc đáo chẳng hạn Cửu Âm Chân Kinh hay Tru Tiên Thế Giới. Tuy nhiên, những tựa game này thường vướng phải một hoặc nhiều vấn đề: đồ họa 3D khiến game thủ chóng mặt, cấu hình cao khiến máy tính không chạy nổi, và… giá bán quá chát khiến các nhà phát hành chùn tay. Hiện nay, các tiệm net sang trọng đang trở nên phổ biến hơn, game thủ cũng dần quen với đồ họa 3D và các nhà phát hành cũng đang giàu hơn, mở ra cơ hội cho những tựa game lớn thành công tại thị trường Việt Nam trong tương lai.

Game thủ

Thế game thủ của chúng ta có ưa thích những tựa game đó hay không? Tác giả không dám nói về điều này, bởi dù nhìn thấy rất nhiều bình luận “game rác, game dở” trên các diễn đàn hay thậm chí là trong kênh chat của chính trò chơi, hầu hết những tựa game đó vẫn sống khỏe. Lý do của việc những tựa game “mì ăn liền” có đồ họa đơn giản và lối chơi na ná nhau có đất sống ở Việt Nam là vì giới trẻ Việt vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa Trung Quốc, trong khi những tựa game phương Tây có lối chơi phức tạp, đòi hỏi sự tìm tòi không thể tìm được đường vào bộ não đã quen với sự đơn giản của game thủ Việt Nam.


Steam – “miền đất hứa” mà game thủ offline ao ước

Về phần game thủ offline thì sao? Phần lớn họ hài lòng với những tựa game bom tấn mà mình có được từ việc… crack bởi giá thành của game xịn không hợp túi tiền game thủ Việt Nam, trừ một thiểu số sẵn sàng bỏ tiền ủng hộ những game mình yêu thích. Nếu có chơi game offline, với vốn tiếng Anh có được từ việc chơi game offline, họ sẵn sàng tìm đến những tựa MMO khủng của nước ngoài và làm giàu cho các nhà phát hành ngoại. Không phải họ không muốn ủng hộ game của các nhà phát hành Việt Nam, mà là vì… chẳng có game nào sống được ở Việt Nam. Granado Espada, World of Tanks là những ví dụ gần đây nhất của “game khủng” nhưng chết yểu tại thị trường Việt.

Lời kết

Ngành game Việt Nam quá khác biệt so với thế giới, nhưng đó chỉ là do chúng ta khởi đầu trễ và bước chậm hơn thế giới quá nhiều. Dù vậy, với sự bùng nổ của số lượng game, các nhà phát hành cũng như lượng game thủ “chịu chi”, Việt Nam đang là một thị trường rất hấp dẫn. Hi vọng rằng game thủ Việt sẽ sớm vượt qua “đại dương” webgame và đến được với đất liền, nơi mà nghệ thuật và giải trí hòa trộn để tạo nên những trò chơi hàng đầu của thế giới.

Viết bình luận