Review top 10 tựa game "siêu khó" thách thức giới hạn của game thủ - P2

Hakikun 27/06/2021 14:04

Một số tựa game khiến game thủ mất ăn mất ngủ chỉ để cố gắng phá đảo, chinh phục những màn chơi tưởng chừng “bất khả thi”. Đến nỗi một số game nhắc tên thôi cũng thấy ngán ngẩm. Dưới đây hãy cùng Game8 tiếp tục tìm hiểu top 10 tựa game "siêu khó" thách thức giới hạn của game thủ- P2 nhé!!

MỤC LỤC [Hiện]

Ninja Gaiden là một tựa game phiêu lưu hành động được phát triển bởi Team Ninja cho Xbox và được phát hành bởi Tecmo vào năm 2004. Gần như tất cả các trò chơi trong sê-ri Ninja Gaiden đều nổi tiếng với độ khó, bao gồm bộ ba trên NES và các phiên bản cho Xbox và Playstation được xuất bản sau này. Tuy nhiên phiên bản đầu tiên được ra mắt trên NES được cho là khó chơi nhất.

Ninja Gaiden mang lại một khoản doanh thu lớn cho Nintendo, bởi sẽ có rất nhiều game thủ phải mua tay cầm mới sau khi ném chúng vào tường khi chơi tựa game này. Tựa game được lấy cảm hứng từ series Ninja Gaiden của Tecmo và lấy bối cảnh giống với tựa game đối kháng Team Ninja's Dead or Alive. 

Game thủ điều khiển một ninja tên là Ryu Hayabusa và làm các nhiệm vụ để chống lại lũ ác quỷ. Giống như những video game thời điểm đó, khi bị đánh trúng, Ryu sẽ ngã vài nhịp theo kiểu nảy tưng tưng, và điều này có thể khiến anh ta rơi xuống vực.

Ngoài ra gần như tất cả mọi thứ trong tựa game này đều chống lại Ryu, các ninja đối thủ, binh lính, chó và thậm chí cả diều hâu đều muốn Ryu chết. Số lượng kẻ thù nhiều vô kể, chưa kể khi đến được trận chiến với boss, hắn còn có thể hồi sinh đến 3 lần, những điều này khiến cho game thủ cho rằng trở thành một ninja ngoài đời thực có lẽ còn dễ hơn trong Ninja Gaiden.

Muốn thắng game này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của game thủ, ngay cả mấy con quái nhãi nhép cũng có thể chém bạn tơi tả nếu chơi mà không thèm suy nghĩ. Và đương nhiên Boss thì còn khó nhai hơn nữa. Để tăng mức độ “dị hơm” cho tựa game đã khó thuộc hàng top này thì mấy ông làm game bên Team Ninja còn không cho chế độ dễ nữa chứ.

Ngày xưa, Battletoads thường được gọi là “song long ếch” hay “ninja cóc”, nổi tiếng vì độ khó nhằn mà không ít game thủ "nuốt" không trôi. Game8 còn nhớ cả tiệm trò chơi điện tử gần nhà thời ấy chưa có bất kỳ ai “phá băng” được tựa game này. Sau bao kẻ thất bại, cuộn băng đáng thương cũng bị ông chủ tiệm sang tay cho người khác và nhanh chóng đi vào ngàn năm quên lãng.

Battletoads trở nên nổi tiếng với đồ họa đặc biệt thời bấy giờ và độ khó phải nói là vô lý. Game thủ chỉ có ba mạng để hoàn thành toàn bộ trò chơi, và nếu thất bại, bạn sẽ được đưa trở lại cấp độ đầu tiên.

Và chơi hợp tác không làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn chút nào, bởi 2 chú cóc cùng chiến đấu thậm chí còn khó hơn là chơi solo. Mất bình tĩnh chỉ càng làm game thủ phải chơi lại nhiều lần hơn mà thôi. Battletoads lại được các nhà phê bình tiết lộ trước về độ khó thuộc hàng top của game này trước cả khi nó ra mắt.

Game thủ sẽ có tổng cộng là 6 HP và bạn có thể hồi HP bằng cách ăn những con ruồi. Tới đây có lẽ sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng mình có tới 6 HP chứ không như Contra chỉ có 1 thì khó ở đâu. Thật ra, độ khó của Battletoads không nằm ở yếu tố nhân vật dễ chết mà nằm ở yếu tố bạn không thể lưu game (cụ thể hơn thì game không có chế độ lưu). Cũng chính vì điều này càng tạo thêm nhiều áp lực cho game thủ khi càng về sau độ khó của game càng tăng lên.

Ghosts ‘N Goblins là tựa game 2D phong cách cuộn màn hình vô cùng kinh điển với độ khó thấu cả trời xanh. Trong Ghost ‘N Goblins, game thủ sẽ vào vai một người hiệp sĩ có tên là Sir Arthur với nhiệm vụ giải cứu công chúa Prin-Prin. Và để làm được điều đó bạn sẽ phải vượt qua hằng hà sa số các loại thây ma và quái vật khác nhau.

Nghe thì có vẽ lãng mạn, cổ tích cho đến khi bạn nhận ra rằng chỉ cần nhận 2 đòn là nhân vật của bạn sẽ ngủm củ tỏi và bạn phải bắt đầu lại toàn bộ màn chơi đó. Để câu chuyện cổ tích có kết thúc đẹp hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần vượt khó trước mọi nghịch cảnh và tính kiên nhẫn có thừa của game thủ.

Khởi nghiệp từ nền tảng arcade vốn được thiết kế để “bòn tiền” game thủ trong từng khoảnh khắc trải nghiệm, không có gì lạ khi tựa game nguyên bản có độ khó cực kỳ dã man con ngan. Thậm chí cũng không sai khi nói những tựa game trên nền tảng thường được gọi điện tử thùng là ý tưởng sơ khai nhất của mô hình ‘pay to win’ trong vài bước đi không sai vì quá sai của một số nhà phát hành lớn những năm gần đây.

Sau khi bạn tiêu diệt được trùm cuối và phá đảo game, bạn sẽ phải chơi lại game một lần nữa với độ khó cao hơn để có thể đối đầu với trùm cuối thật sự của tựa game. Nhiêu đây thôi là đủ để các bạn thấy rằng Ghost ‘N Goblins thuộc top những tựa game thích gây khó cho game thủ rồi.

Super Meat Boy là một tựa điện tử độc lập, do một nhóm người xây dựng và phát triển game mà không có sự hỗ trợ nào từ hãng sản xuất trò chơi điện tử. Super Meat Boy làm mưa làm gió trên thị trường game trải trí năm 2020 vì độ khó chiều mà tựa game này đem tới.

Để có thể điều khiển được nhân vật trong game, game thủ cần phải có phản xạ nhanh nhất có thể, dự đoán hành động, suy nghĩ và tính toán từng bước đi để không bị thiệt mạng. Nếu mất mạng, game thủ sẽ phải chơi lại màn chơi đấy nhé, sẽ không có màn chơi lại ở chỗ mà các bạn chết đâu.

Super Meat Boy cũng là một tựa game hardcore và làm game thủ phải nổi điên. Lối chơi không hẳn là quá phức tạp, nhưng với hệ thống điều khiển khá... mệt mỏi cùng 300 màn chơi, đố ai mà không phát khùng được. Mỗi màn chơi là một lần game thủ bị "củ hành", không chỉ một, mà là nhiều lần và bạn sẽ phải khởi động lại từ đầu. Game có hơn 300 màn chơi được sắp xếp từ dễ đến khó tạo cảm giác thú vị và mong muốn vượt qua từng màn chơi để dành chiến thắng.

Super Meat Boy cũng tạo ra nút nhấn restart để bạn có thể ngay lập tức chơi lại màn chơi mà không phải trở về màn hình chính nữa. Hãy thử tải tựa game được coi là khó nhất thế giới này nhé, biết đâu bạn lại là người có khả năng trải qua thử thách thì sao?

Contra là một tựa game bắn súng 2D, có thể khẳng định Contra là một biểu tượng trong lòng game thủ thời 8x với lối chơi khó một cách độc đáo. Và cách mà tựa game này trừng phạt game thủ nghiêm khắc nếu như họ thua.

Cụ thể thì Contra có hệ thống "một phát chết luôn", hay nói cách khác là nếu bạn vô tình đụng trúng kẻ địch hay dính phải dù chỉ là 1 viên đạn thì bạn cũng đi tong. Đã vậy, đây còn là một trong những top game khó vì có rất ít chỗ mà bạn có thể nấp được để tránh đạn, và bạn cũng chỉ có tối đa 3 mạng để sửa lại nước đi sai lúc nãy trước khi phải bắt đầu lại mọi thứ từ ban đầu.

Mã cheat code huyền thoại của Contra - Lên, lên, xuống, xuống, trái, phải, trái, phải, B, A và bấm Start - xuất hiện đầu tiên trong tựa game Gradius, nhưng chỉ phổ biến khi Contra ra mắt. Lý do của việc này là do Contra quá khó, đòi hỏi game thủ thời đó phải hoàn thành game ở mức cực kỳ xuất sắc mới có thể phá đảo được game. Do đó, việc có thêm 30 mạng là cần thiết, từ đó game thủ có thể cùng bạn bè phá đảo dễ dàng hơn.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm và đọc bài với Game8. Thank you !!

Viết bình luận