Nhìn lại 2022: Top các đội tuyển thể thao điện tử nổi tiếng nhất năm 2022

maddy 30/12/2022 16:16

Esports Charts đã thu thập số liệu thống kê về các đội tuyển thể thao điện tử nổi tiếng nhất trong năm 2022. Trong BXH này có sự xuất hiện của một số tên tuổi mới và có đội từng dẫn đầu vào năm ngoái đã tụt liền một lúc 8 bậc ở năm nay.

Natus Vincere của tuyển thủ xuất sắc nhất năm 2022 - theo Esports Awards - Oleksandr "s1mple" Kostyliev vẫn nằm trong top 3, nhưng họ đã bị vượt mặt bởi một đội tuyển Mobile Legends đến từ Indonesia. Sau đây là danh sách các đội tuyển thể thao điện tử nổi tiếng nhất năm 2022.

MỤC LỤC [Hiện]

Đội tuyển của khu vực Hàn Quốc DWG KIA đã giành vị trí đầu tiên trên BXH vào năm 2021 và tụt 9 vị trí cùng một lúc khi năm 2022 kết thúc. Họ thu hút được khoảng 47,9 triệu giờ xem (giảm 50,2%) trong năm qua, đồng thời lượng người xem trung bình cũng đã giảm từ 626K xuống còn 355K người xem. Sự sụt giảm này có liên quan trực tiếp đến kết quả của toàn đội ở mùa giải vừa qua.


Vào năm 2021, DWG KIA đã giành chiến thắng ở cả hai giải LCK và tiến đến trận chung kết của Chung kết Thế giới (CKTG). Tuy nhiên, khi bước sang năm 2022 thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác, đội không thể vượt qua nổi vị trí thứ 3 khi mùa giải kết thúc và chỉ đứng hạng 5 - 8 tại CKTG 2022.

G2 Esports đã cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng bằng cách tăng một bậc trên BXH. 2022 là một năm tương đối khó khăn với NiKo và các đồng đội khi thường xuyên cải tổ và thay đổi in-game-leader. Kết quả là thành tích mà đội hình này giành được là vô cùng khiêm tốn khi mãi đến cuối năm họ mới có được một danh hiệu đầu tiên tại BLAST Premier World Final 2022, qua đó kết thúc cơn hạn hán danh hiệu kéo dài đến hơn 5 năm.


Xuyên suốt mùa giải, các trận đấu của G2 đã thu hút trung bình 50,9 triệu giờ xem cùng với khoảng 265.000 người xem. Trận đấu được yêu thích nhất của đội rõ ràng là cuộc chạm trán với FaZe Clan ở chung kết IEM Katowice 2022, nơi quy tụ khoảng hơn 1,1 triệu người xem ở thời điểm cao trào nhất.

Đội tuyển EVOS Legends đến từ Indonesia đã tụt một lúc 4 bậc so với BXH các đội tuyển phổ biến năm ngoái. Trước hết, số lượt xem bị ảnh hưởng bởi sự cải tổ trong đội hình và màn trình diễn kém cỏi sau đó tại giải đấu MPL. Đội hình EVOS cũng không đủ điều kiện tham dự giải đấu M4 World Championship sẽ được tổ chức vào tháng 1 tại Jakarta.

Về mặt con số, vào năm 2022, EVOS đã đem về 51 triệu giờ xem (giảm 25%). Trận đấu phổ biến nhất liên quan đến EVOS cũng đã thu hút 2,8 triệu người xem.

Gen.G Esports đã có một mùa giải tuyệt vời tại LCK. Đội lọt vào trận chung kết LCK Mùa Xuân, nơi họ thua T1 trong trận tranh chức vô địch. Sang đến mùa hè, tình hình lặp lại và hai đội tuyển này lại một lần nữa gặp nhau trong trận chung kết, nhưng lần này chiến thắng đã thuộc về Gen.G Esports. Sau đó tại Mỹ, đội tuyển Hàn Quốc đã lọt vào bán kết CKTG 2022, qua đó lặp lại thành tích năm trước của họ.


Vào năm 2022, các trận đấu có sự tham gia của Gen.G Esports đã tạo ra 52,7 triệu giờ xem. Nổi tiếng nhất trong số đó là trận bán kết CKTG trước đối thủ DRX với 1,9 triệu người xem. 

Năm qua, đội hình ONIC Esports ở bộ môn MLBB được chú ý nhờ thành tích ổn định tại các  giải đấu MPL Indonesia với việc lọt vào trận chung kết mùa giải thứ 9 và giành vị trí thứ 10 (cả hai lần họ gặp RRQ Hoshi trong trận chung kết). Sau đó, ONIC cũng đã chiến thắng tại ONE Esports MPL Invitational 2022.

Tổng cộng, ONIC Esports đã tạo ra 56,2 triệu giờ xem (tăng 19,6%) và thu hút được 557 nghìn người xem trung bình trong các trận đấu của họ, cũng như 2,3 triệu người xem ở thời điểm cao nhất trong trận đấu với RRQ Hoshi ở MPL Indonesia mùa 10.

Vào cuối năm, các tuyển thủ của FaZe Clan trở nên mệt mỏi rõ rệt và điều này được thể hiện cụ thể nhất tại IEM Rio Major ở Brazil, nơi đội chỉ giành được vị trí thứ 15-16 với tư cách là nhà đương kim vô địch Major trước đó. Tuy nhiên, sau đó là vị trí thứ 2 tại BLAST Premier: Fall Finals 2022 và vị trí thứ 3-4 tại BLAST Premier: World Final 2022, vì vậy các tuyển thủ FaZe đã có một kỳ nghỉ năm mới với tâm trạng thoải mái hơn rất nhiều.


Trong năm qua, đội hình được dẫn dắt bởi Finn "karrigan" Andersen đã tạo ra 60,1 triệu giờ được xem (tăng 91,7%) và thu hút 261,9 nghìn người xem trung bình trong các trận đấu của họ. Trận đấu có số lượng người xem cao nhất là ở Antwerp Major trong cuộc chạm trán với Rồng Vàng Navi. Cần lưu ý rằng FaZe Clan dẫn đầu về thời lượng phát sóng trong số tất cả các đội trong top 10 - tổng cộng, các trận đấu của nó kéo dài gần 230 giờ. Nhìn chung, FaZe đã có một năm thành công và lọt vào top 5 của bảng xếp hạng CS:GO thế giới.

DRX là điểm nhấn của LMHT Esports trong mùa giải năm nay. Xuyên suốt hai giải Mùa Xuân và Mùa hè, đội đã không thể hiện được bất kỳ kết quả nổi bật nào và gần như không đủ điều kiện tham dự CKTG. Nhưng tại CKTG 2022, tình thế đã thay đổi, DRX không chỉ lọt vào trận chung kết mà còn chiến thắng T1 tại đó. 


Trận chung kết tổng này đã được theo dõi bởi 5,1 triệu người xem ở thời điểm cao nhất. Tổng cộng, DRX đã tạo ra 69,2 triệu giờ đã xem vào năm 2022 (trong đó 43,7 triệu hay 63% đến từ CKTG). Các trận đấu của đội đã thu hút được trung bình 477 nghìn người xem.

Đội hình CS:GO đến từ Ukraine - Natus Vincere tụt từ vị trí thứ 2 vào năm 2021 xuống vị trí thứ 3, tạo ra 74,4 triệu giờ xem vào năm 2022 (giảm 14,8%). Các trận đấu của s1mple và những người đồng đội đã được theo dõi bởi trung bình hơn 384 nghìn người xem (tăng 24%). Mốc cao nhất về lượng người xem là 2,1 triệu trong trận đấu giữa NAVI với FaZe Clan tại PGL Major Antwerp 2022. Cần nhắc lại rằng trong giải đấu Major ở Stockholm, trận đấu giữa NAVI và G2 đã được theo dõi bởi 2,74 triệu người xem.


Vào năm 2021, đội hình của NAVI đã giành được hầu hết mọi thứ trong tầm tay của họ, bao gồm cả việc giành chiến thắng được chờ đợi từ lâu tại PGL Major Stockholm 2021 và chuỗi trận Intel Grand Slam. Tuy nhiên, trong năm 2022 thì kết quả của họ tệ hơn một cách đáng kể. Mặc dù NAVI có mọi cơ hội để vô địch giải đấu Major ở Antwerp, nhưng họ đã thất bại trước FaZe Clan trong trận chung kết.

RRQ Hoshi đến từ Indonesia giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Đây là một trong những đội nổi tiếng nhất của bộ môn Mobile Legends: Bang Bang cũng như trong mảng thể thao điện tử trên di động nói chung. Vào năm 2022, các trận đấu có sự tham gia của đội đã tạo ra 88,2 triệu giờ xem (tăng 30,3%) và thu hút 750 nghìn người xem trung bình (giảm 17,5%) - kết quả tốt nhất trong số tất cả các đội trong 10 bảng xếp hạng hàng đầu.

Trong số các trận đã thi đấu, lượt trận đối đầu với EVOS Legends trong khuôn khổ giải đấu khu vực MPL Indonesia Mùa 9 đã để lại dấu ấn với lượng người xem lên tới 2,8 triệu. Lưu ý rằng so với năm ngoái, RRQ Hoshi đã tăng tới 3 bậc, đây là mức tăng lớn nhất trong số những đội tuyển hàng đầu. Sự tiến bộ của RRQ được thúc đẩy bởi kết quả giải quốc nội vào năm 2022, họ đã 2 lần tham dự vòng chung kết MPL Indonesia và giành được một chiến thắng.

Đội nổi tiếng nhất vào năm 2022 là T1 ở bộ môn LMHT. Trong mùa giải trước, họ đã tạo ra 112,9 triệu giờ xem. Các trận đấu T1 được theo dõi bởi trung bình hơn 675 nghìn người xem (tăng 27,5%). Trận đấu có lượng người xem đông đảo nhất là cuộc đối đầu giữa T1 với DRX trong trận chung kết của CKTG 2022, lên tới hơn 5,14 triệu người xem. Đây là chỉ số tốt nhất trong số tất cả các giải đấu thể thao điện tử vào năm 2022.


Viết bình luận