Sau khi đánh bại OpTic Gaming, đương kim vô địch giải đấu, LOUD chính thức nâng cao chiến cúp Valorant Champions 2022 trước sự bất ngờ của cộng đồng Valorant thế giới.
Valorant Champions 2022 đã chính thức khép lại sau trận Chung kết tổng nghẹt thở giữa LOUD và OpTic Gaming. Hành trình của LOUD đến với trận Chung kết tổng đã được coi là điều kì diệu khi đại diện đến từ khu vực Brazil không được đánh giá quá cao, và đến khi LOUD thêm 1 lần nữa đánh bại OpTic trong một trận đấu Bo5 vô cùng nghẹt thì cộng đồng thế giới đã có cái nhìn khác hoàn toàn về đội tuyển này.
Mặc dù không thường xuyên góp mặt trong các giải đấu thế giới đều đặn nhưng LOUD cũng đã có thành tích tương đối đáng kể khi giành được Á quân tại VCT Stage 1 năm nay. Trong trận đấu cuối cùng đó, họ đã để thua trắng chính OpTic Gaming với tỉ số 0 – 3.
Tại kì VCT Champions 2022 năm nay, top 4 đội mạnh nhất cũng đến từ 4 khu vực khác nhau khi gồm LOUD của Brazil, OpTic Gaming của NA, FPX của EMEA và DRX của khu vực Hàn Quốc. Hầu hết các giải VCT Master trước cũng có top 4 đội cuối cùng đến từ 3 hoặc 4 khu vực khác nhau và chưa có đội tuyển nào vô địch liên tiếp 2 giải đấu lớn liền nhau.
Dù các khu vực khác luôn ở tiến đến rất gần với một chức vô địch nhưng phải đến tận Valorant Champions 2022 Istanbul mới là giải đấu lớn đầu tiên chứng kiến 1 đội tuyển không đến từ EMEA hay NA đăng quang.
Tuy nhiên, nếu so sánh với một tựa game khác cũng do Riot Games phát hành là Liên Minh Huyền Thoại thì rõ ràng, Valorant đang làm tốt hơn về tính cạnh tranh giữa các khu vực. Dù sẽ có phần thiên vị cho Valorant nếu lấy số liệu của một tựa game đã có 11 năm tuổi như LMHT để so sánh với một tựa game ra mắt cách đây chỉ hơn 2 năm nhưng những gì Riot Games đã làm trong quãng thời gian vừa qua với tựa game bắn súng của mình góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ.
Việc chưa nhượng quyền thương mai khiến mọi đội tuyển đều có cơ hội được thi đấu, được thử sức ở giải đấu cấp khu vực chứ không gò bó như LMHT. Cho những ai chưa biết, LMHT ở hầu hết mọi khu vực đã được nhượng quyền thương mại giải đấu, nghĩa là những đội đã tham gia giải cấp cao nhất sẽ không bao giờ phải lo chuyện xuống hạng, miễn là họ còn giữ được tiềm lực tài chính đủ để chi trả cho đội tuyển của mình.
Việc nhượng quyền thương hiệu một phần giúp hệ thống giải đấu trở nên vững chắc hơn nhưng mặt khác cũng làm chậm đi quá trình phát triển của tất cả các đội khi những đội mạnh vẫn sẽ mạnh, trong khi những đội yếu khó có cơ hội phát triển cao hơn. Điều này khiến việc chênh lệch sức mạnh trong chính những khu vực bị đẩy xa, khiến ở nhiều giải đấu, những đội top đầu thể hiện quá vượt trội và không còn cơ hội học hỏi, phát triển thêm nhiều ngoài những giải đấu thế giới.
Điều đó trong 2 năm qua không xảy ra ở Valorant khi những đội mới, dù mạnh dù yếu vẫn luôn đem đến sức ép không nhỏ cho những đội top đầu trong khu vực và buộc tất cả phải cải thiện bản thân nếu muốn giữ được vị thế.
Hãy nhìn đến DRX, một đội tuyển đến từ khu vực Hàn Quốc. Ở giải đấu Challenger Stage 2, có đến 4 trên 8 đội tuyển được thay mới so với hồi Stage 1. Mặc dù vẫn giành chức vô địch áp đảo nhưng không thể phủ nhận khả năng phòng ngự tuyệt vời của DRX cũng như tính thích nghi rất cao của đội tuyển này có được là nhờ va chạm với nhiều cái tên mới và những lối chơi khác nhau.
Sang đến khu vực Brazil, so với hồi Stage 1, VCT Challenger Stage 2 của khu vực này cũng có 4 trên 10 đội là mới.
Tuy nhiên, theo dự định của Riot Games, sang đến màu giải 2023, họ cũng sẽ triển khai nhượng quyền thương mại giải đấu cho các khu vực và thay đổi thể thức của Valorant Champions Tour theo hướng tối giản hơn. Chưa thể chắc chắn điều này có làm giảm đi phần nào tính cạnh tranh trong các giải đấu sắp tới không nhưng ở thời điểm hiện tại, hãy cứ chúc mừng LOUD khi họ là đội tuyển đầu tiên ngoài khu vực EMEA hay NA vô địch một giải đấu quốc tế.
Viết bình luận