Tính năng Facebook Live trở thành kẻ thù trực diện của truyền hình?

Người Vô Hình 20/05/2016 22:00

(Game8) - Đặc quyền trong việc truyền phát video của các nhà đài đã từng bị phá vỡ bởi Youtube và giờ đây, họ lại hứng thêm một cú đấm với việc Facebook phổ biến tính năng truyền hình trực tiếp tới người dùng.

 

Từ tháng 2/2016, Facebook đã lần lượt mở tính năng truyền hình trực tiếp cho một số Fanpage và trang cá nhân của những người nổi tiếng. Đến ngày 31/3, người dùng Việt cũng đã nhìn thấy biểu tượng hình người và cột sóng trên công cụ mô tả tình trạng cá nhân của mình. Cùng với đội ngũ kĩ thuật và cơ sở hạ tầng hùng hậu của mình, Facebook đã phá vỡ thế độc quyền về việc truyền tin trực tuyến của các nhà đài trên khắp thế giới. 

 

 

Trước đây, Facebook có một câu hỏi kinh điển “What’s on your mind” hoặc “bạn đang nghĩ gì?” trong tiếng Việt và bạn có thể viết vài dòng cảm xúc, đăng một bức ảnh, thêm biểu tượng tâm trạng, đánh dấu địa điểm. Bây giờ, bạn có thể truyền hình trực tiếp trên toàn cầu và cùng nhìn lên màn hình của thiết bị truyền dẫn xem có bao nhiêu người tham gia vào cuộc trò chuyện này. Trong tiện ích mới, Facebook sử dụng thuật toán, giúp cho những người quan tâm đến bạn nhận được thông báo khi bạn tiến hành “live streaming”, hoặc mọi người cũng có thể đăng ký nhận thông báo khi bạn bắt đầu phát sóng trực tiếp.

 

“Mỗi lần làm trực tiếp, bọn tôi phải thiết lập ekip rất hùng hậu với nhiều thiết bị truyền dẫn lỉnh kỉnh, giờ đây chỉ cần cầm một chiếc điện thoại thì cũng có thể làm điều đó. Tất nhiên, không thể so sánh một chương trình trực tiếp do các đài truyền hình thực hiện”, anh Nguyễn Xuân Nam, biên tập viên thời sự của một đài truyền hình cho biết. Khi tính năng này được bổ sung, người được lợi trước hết là những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giải trí, cộng đồng, hay có thể gọi tắt là những “người của công chúng”. Nếu như họ đã từng phải có một quá khứ đôi khi phải “o bế” những nhà đài để được lên sóng, để được tương tác với những người hâm mộ thì giờ đây, tạo mối liên quan này dễ dàng hơn rất nhiều qua Youtube, qua Facebook.

 

Các nhãn hàng lớn cũng có thêm lựa chọn trong việc thực hiện các chiến dịch marketing mà không gặp nhiều điều khoản đàm phán khó khăn với các đài truyền hình. Điều này đồng nghĩa với việc hàng tỷ USD tiền quảng cáo đáng lẽ các nhà đài sẽ nhận được, sẽ chảy vào túi của những công ty khác, trong đó đương nhiên là có phần của công ty đã phát triển nền tảng video, hay truyền hình trực tiếp cho người dùng.

 

Trên thực tế, nhiều năm qua, trước khi có tính năng truyền phát trực tiếp, kênh tương tác mới bỏ qua truyền hình truyền thống cũng đã đem lại hàng tỷ USD bỏ túi cho những nhân vật biết vươn lên từ Internet, tiêu biểu có Justin Bieber, ca sĩ đầu tiên có 10 tỷ lượt xem video trên Youtube.

 

 

Một ví dụ kinh điển khác cho thấy Internet đã vượt qua các nhà đài và báo chí như nào, đó là vụ đột kích bắn chết trùm khủng bố Bin laden. Theo đó, khi biệt kích Mỹ đột nhập bắn chết Bin Laden vào năm 2011, người đầu tiên đưa tin tức này là Keith Urbahn, Chánh văn phòng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, với nội dung: “Tôi được một người rất có uy tín cho biết rằng họ đã giết được Osama Bin Laden”.

 

Trên thế giới và tại Việt Nam, rất nhiều cá nhân đã tự xây dựng được thương hiệu cho mình nhờ Facebook, Youtube và được các đài truyền hình tìm đến như Mitchell Hughes, người chuyên giới thiệu về văn hóa chơi game với thu nhập trên 2 triệu USD nhờ Youtube/ năm, Michelle Phan cô gái gốc Việt chuyên hướng dẫn về làm đẹp và các xu hướng thời trang, thu nhập xấp xỉ 2 triệu USD/năm, cô cũng dấn thân ra ngoài đời thực để xây dựng nhãn hiệu thời trang riêng của mình, hoặc không ở đâu xa xôi, hiện tượng Lệ Rơi của Youtube Việt cũng là một ví dụ “bỗng nhiên nổi tiếng”, nhưng do không có nhiều tài năng, Lệ Rơi nhanh chóng bị chìm xuống đến nay không còn mấy ai nhắc đến.

 

Một hot blogger Việt cho hay, hiện tại, rất nhiều nhãn quảng cáo đã để ý đến các trang cá nhân có thương hiệu trên Facebook để quảng cáo cho nhãn hàng của mình, bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như đưa một đoạn video có hình ảnh về sản phẩm của họ, kể một câu chuyện dẫn dắt đến sản phẩm mà nhãn hàng này đang tiếp thị, hay bằng nhiều phương pháp khác nhau: “Họ (các nhãn hàng) có những mục tiêu tiếp thị hướng đến mà không thể thực hiện bằng việc quảng cáo trên truyền hình, bọn em (hot blogger) làm gì cũng được, miễn là hiệu quả, thân thiện với cộng đồng, giá làm việc với nhau cũng rẻ".

 

Riêng đối với tính năng truyền phát trực tiếp mới của Facebook, cô gái này nói: "Tuyệt! lại có thêm cơ hội để kiếm tiền, hoặc đơn giản là có thêm thứ để nghịch, giao tiếp với bạn bè..." Internet, Youtube, Twitter, Facebook đã làm thay đổi rất nhiều về các phương thức thông tin từ trước đó, rất có thể khi một sự kiện diễn ra, thay vì bật ti vi đón chờ phóng viên hiện trường, họ vào Facebook, đọc bảng tin mới và ghi thanh trạng thái: “cần lắm, một đường link ngay lúc này” để chờ đợi một tài khoản Facebook nào đó có mặt, truyền trực tiếp sự kiện, trước khi có chiếc xe chuyên dụng của cảnh sát và đài truyền hình nào đó ập tới.

 

Theo ICTNews

Viết bình luận