Tìm hiểu về tản nhiệt nước cho máy tính

Shinosuke 06/06/2017 13:19

(Game8) - Tản nhiệt nước không chỉ là một linh kiện làm mát hiệu quả mà còn là công cụ trang trí cho chiếc máy tính của game thủ trở nên lung linh hơn bao giờ hết.

Với những cỗ máy PC cao cấp trở lên, việc trang bị hệ thông làm mát bằng dung dịch gần như là một điều tất yếu nếu như bạn muốn phát huy hết tiềm năng những con "quái vật" này. Trong bài viết này, Game8 sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn cơ bản nhất về tản nhiệt nước, cơ chế hoạt động cũng như ưu nhược điểm của chúng.

1. Cấu tạo

Mỗi bộ tản nhiệt nước custom đều có các kiểu dáng, màu sắc khác nhau tùy vào mắt thẩm mỹ của mỗi người. Tuy nhiên tựu chung lại chúng đều phải có các bộ phận cơ bản dưới đây:

Block 

Bất cứ hệ thống tản nhiệt nào cũng phải có Block, Block là linh kiện nhận trách nhiệm hấp thụ nhiệt độ, tùy chất liệu mà khả năng hấp thụ sẽ khác nhau (Đồng, niken, nhôm,...).

Tùy vào nhu cầu của chủ dàn máy mà Block có thể được gắn cho VGA, CPU, Main,... Ở mức đơn giản nhất, Block thường được dành cho CPU vì đây là linh kiện thường xuyên phải hoạt động ở nhiệt độ cao.

Tank - Bình chứa nước và Coolant - Dung dịch làm mát

Đơn giản Tank sẽ là nơi chưa Coolant, đây có thể coi như là trái tim của hệ thống khi có trách nhiệm lưu giữ và đẩy dung dịch đi làm mát toàn bộ hệ thống. Hiện có nhiều mẫu Tank đa dạng trên thị trường cho chúng ta thoải mái chọn lựa.

Trong khi đó Coolant lại phân ra nhiều chất lượng khác nhau tùy thuộc thành phần và độ đậm đặc của dung dịch. Nước cất là một dung dịch rẻ mà tiết kiệm được dùng hiện nay, tuy nhiên chúng ta cũng có nhiều loại dung dịch với màu sắc khác, đậm đặc hơn và giá cũng đắt hơn nhiều.

Pump - Máy bơm

Tất nhiên, Coolant không thể tự mình dịch chuyển qua các đường ống để làm mát được mà sẽ cần đến Pump, đây là một máy bơm mini có tác dụng đẩy dung dịch đi theo một hệ thống tuần hoàn và làm mát các linh kiện.

Pump trên thị trường cũng rất đa dạng, mỗi loại đều có tốc độ bơm khác nhau, có loại lại có thể chỉnh được các tốc độ bơm trực tiếp. Việc chọn Pump sao chi phù hợp với Coolant là rất quan trọng, nếu Pump quá mạnh mà Coolant quá lỏng sẽ gây sủi bọt dung dịch và có tiếng ồn, ngược lại nếu Coolant quá đặc mà lực bơm quá yếu thì có thể làm tắc đường ống.

Radiator - Két nước

Sau khi Coolant đã hấp thụ nhiệt nóng từ linh kiện, chúng sẽ được cho chạy qua Radiator. Radiator sẽ hấp thụ khối lượng nhiệt này thông qua các lá tản nhiệt của mình, tiếp sau đó quạt sẽ làm mát các lá tản nhiệt.

Độ dài sẽ quyết định bạn gắn được tối đa bao nhiêu fan. VD: 140mm(1 fan 140mm), 240mm(2 fan 120mm), 480mm(4 fan 120mm),… Độ dày, chất liệu và chỉ số FPI (Fins Per Inch) càng cao sẽ quyết định hiệu suất tản nhiệt.

Fan - Quạt tản nhiệt 

Không chỉ để làm mát Radiator, thông thoáng thùng máy, mà các loại fan hiện nay còn có công dụng trang trí dàn máy với các chế độ led nhiều màu sắc.

Tubing - Ống nước và Fitting - Ống nối

Tubing hay ống nước được chia thành hai loại: cứng và mềm. Thông thường để đẹp hơn cho dàn PC, các modder thường chọn sử dụng ống cứng. Dù thực tế ống cứng khó uốn và giòn hơn. Một số loại ống cứng cao cấp còn được làm từ thủy tinh và kim loại.

Để kết nối các Tubing với nhau ta sẽ cần Fitting. Chất liệu, thiết kế và ron giữ ống sẽ quyết định đến chất lượng và giá thành của loại ống nối.

Vậy làm sao để biết Fitting và Tubing tương thích với nhau? Đơn giản thôi, chỉ cần nhìn thông số chúng giống nhau là lắp được, ví dụ: Fitting ID:10mm/OD:13mm thì loại Tubing cắm vừa Fitting đó cũng phải có thông số tương tự ID:10mm/OD:13mm.

2. Cơ chế hoạt động

Cách thức hoạt động của các bộ tản nhiệt custom thường khá phức tạp tùy vào cách đi đường ống của người sử dụng. Thế nhưng chúng đều tuân theo một quy tắc cố định.

Khi bắt đầu hoạt động, dung dịch nước trong bình chứa sẽ được máy bơm bơm đi theo đường ống đến các linh kiện cần làm mát, tại đây dung dịch và block sẽ trao đổi nhiệt với nhau. Các dung dịch mang nhiệt này sẽ đi qua Radiator để truyền nhiệt qua các lá tản nhiệt. Các quạt làm mát sẽ hoạt động và làm mát các lá tản nhiệt này, dung dịch nước sẽ trở về bình chứa và tiếp tục quy trình này liên tục.

3. Ưu, nhược điểm

Tổng kết lại, nếu muốn bộ PC của mình trở nên bắt mắt hơn, việc sử dụng tản nhiệt nước là một ý kiến hay bạn nên tham khảo. Thế nhưng đầu tư một số tiền lớn cho bộ tản nhiệt (có thể ngang một bộ PC tầm trung) cũng là một vấn đề đáng cân nhắc.

Ưu điểm

  • Hiệu năng cao hơn so với tản nhiệt khí và tản AIO
  • Có thể tùy biến theo ý thích của người dùng vì có thể tự chọn được từng linh kiện
  • Là một tùy chọn trang trí cao cấp không thể bỏ qua

Nhược điểm

  • Giá thành cao
  • Khó gia công, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong việc lắp đặt
  • Phải thay nước, bảo dưỡng định kì

Viết bình luận