Game cũ tân trang là một hướng đi tiềm năng của làng game Việt ?

Khỉ Nâu 01/09/2015 11:56
(Game8) - Việc thành công khá lớn của MU Huyền Thoại đang cho thấy việc hồi sinh và khai thác những kỷ niệm cũ không phải là bước đi vào ngõ cụt, nếu biết làm đúng cách. 

Những game thủ đời đầu luôn mang trong tâm tưởng những kỷ niệm hào hùng của thời “khai thiên lập địa” không thể nào quên. Chính vì điều này, suốt nhiều năm trở lại đây các NPH đã nỗ lực khai thác yếu tố kỷ niệm này bằng nhiều cách khác nhau. Tuy vậy không phải cách làm nào cũng thành công.

Thành công và thất bại

Ý tưởng đầu tiên có lẽ là việc mang một game bối cảnh 7 viên ngọc rồng về Việt Nam của FPT Online. Tuy nhiên sau đó thông tin NPH này mang Dragon Ball Online đầy kỷ niệm truyện tranh tuổi thơ về Việt Nam đã không thành hiện thực.


Dragon Ball Online từng được cho là sẽ do FPT Online phát hành tại Việt Nam

Tuy vậy, ý tưởng này đã được các NPH ghi nhận và xem như một thử nghiệm đáng để tiến hành. Một thử nghiệm sau đó là “phiên bản ngày xưa” đã được Chinh Đồ tiến hành. Chinh Đồ đã thử nghiệm mở một máy chủ sử dụng phiên bản đầu tiên khi mới ra mắt và đã tạo được ấn tượng khá tốt từ game thủ. Ý tưởng này có thể xem là tiền đề để VNG tiến lên thực hiện dự án Võ Lâm Truyền Kỳ - Công Thành Chiến đạt được thành công khá lớn. 


Chinh Đồ máy chủ Hồi Ức sử dụng phiên bản đầu tiên giúp game thủ sống lại kỷ niệm

Mặc dù vậy, không phải ý tưởng “quay trở lại” nào cũng được chú ý và ủng hộ. Hàng loạt game được mang trở về đã ngậm ngùi thất bại hoặc sống âm thầm với cộng đồng fan trung thành có số lượng khiêm tốn. Ragnarok Online là một ví dụ, sau khi VNG vận hành khá thành công game bị đóng cửa và Asiasoft đã đứng ra phát hành tiếp tựa game này. Tuy vậy sau một thời gian game cũng biến mất thay vì “sống lại thời hoàng kim” như được kỳ vọng. 


Ragnarok Online "chết" 2 lần tại thị trường Việt Nam.

Có thể kể ra hàng loạt cái tên “trở lại” rồi “kẹt luôn” như Cửu Long Trang Bá (VNG/Dzogame), Hiệp Khách Giang Hồ (Asiasoft/Dzogame), Sudden Attack (VNG/Dzogame)… hiện tại vẫn còn một cộng đồng trung thành theo đuổi nhưng game không thể lặp lại thành công trước đó. 

Trở lại cũng phải đúng cách

Với việc thất bại nhiều hơn thành công, MU Huyền Thoại mang kỷ niệm MU Online trở lại tiếp tục bị đặt nghi vấn “bom xịt”. Hơn nữa sự trở lại này là “hồn Trương Ba da Hàng Thịt” vì game là phiên bản do Trung Quốc sản xuất chứ không phải chính chủ Webzen mặc dù được Webzen cấp bản quyền hình ảnh và chất liệu. 


MU Huyền Thoại đã lên đến 31 máy chủ kể từ ngày Closed Beta 28/8.

Tuy nhiên với sự thành công ban đầu và số lượng server lên đến 31 trong vòng 5 ngày đầu tiên mở cửa khiến MU Huyền Thoại là một hình mẫu cần phân tích để tìm nguyên nhân thành công cho mô hình mang game cũ trở lại. 

Đầu tiên có thể thấy việc trở lại này không phải là “cơm nguội làm nóng lại”, dù dùng lại bối cảnh và chất liệu nhưng game được phát triển trên nền tảng công nghệ mới. Việc từ bỏ nền tảng công nghệ lạc hậu của Mu Online và nâng cấp lên nền tảng mới mang về cho MU Huyền Thoại chất lượng đồ họa HD và hiệu ứng tiên tiến. Quá khứ đẹp đẽ được thể hiện lại với nền tảng hoành tráng đã kích thích người chơi nhiều hơn.


Mới và cũ pha trộn tạo nên thành công của MU Huyền Thoại ?

Điều thứ 2 cũng là điều gây tranh cãi, hoài nghi nhất về sự thành công của game này là cơ chế mới của game online MMORPG. Sau hơn 10 năm MU Online đã có auto, một khái niệm mà ngày xưa chỉ gắn với mẩu tăm cắm và nút chuột. Bên cạnh đó là hàng loạt tính năng hiện đại như đầu tư, săn boss, phụ bản đơn, săn báu vật, dịch chuyển nhanh… khiến nhiều người nghĩ sẽ phá nát kỷ niệm đơn sơ của MU Online ngày xưa bằng phong cách “mì ăn liền”. Sự thật đã chứng minh ngược lại, game thủ lao vào MU Huyền Thoại vì nó dễ trải nghiệm và thân thiện hơn kiểu cày thủ công của quá khứ.

Như vậy bài học rút ra từ MU Huyền Thoại có thể gói gọn trong các thay đổi của cách làm và nền tảng kỹ thuật.

Sẽ còn nhiều sự trở lại ?

Với sự thành công ban đầu của MU Huyền Thoại, ý tưởng mang trở lại những tựa game cũ có lẽ sẽ trở thành một hướng đi đáng quan tâm của các NPH. Nếu NSX Trung Quốc có thể “làm lại” một MU Online vời nền tảng công nghệ mới thì những tựa game cũ khác cũng hoàn toàn có thể ra đời với phương pháp tương tự. Chỉ cần có nhu cầu sẽ có nhà sản xuất thực hiện. 


Bạn có muốn TS Online trở lại với đồ họa đẹp hơn và cách chơi hiện đại ?

Bạn có thể tưởng tượng các tựa game cũ không thể quên như Priston Tale, Ragnarok Online, Hiệp Khách Giang Hồ, Con Đường Tơ Lụa, TS Online, Ghost Online… trở lại với nền tảng công nghệ và đồ họa 2015 rõ nét, đẹp và các tính năng MMORPG hiện đại ?

Viết bình luận