Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC đã có bài phát biểu với nội dung về đào tạo nhân lực ngành game tại sự kiện Vietnam GameVerse 2024.
Trong bài tham luận "Đào tạo – Nền móng cho ngành game phát triển đường dài" ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết đào tạo là nền tảng quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành game. Việc đào tạo bài bản sẽ giúp các bạn trẻ trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo cần thiết để phát triển game, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành game Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo với bài phát biểu về tầm quan trọng của đào tạo ngành game tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ ngành game Việt Nam đang được quan tâm và đánh giá cao từ chính phủ, đây được xem là một ngành nghề tiềm năng cần có sự thúc đẩy. Game không còn là hình thức giải trí mà là một ngành quan trọng, tiềm năng và cần động lực để thúc đẩy sự phát triển. Hiện nay, các studio chủ yếu làm sản phẩm dựa trên đam mê, sự tìm tòi, tạo ra những kết quả ấn tượng, minh chứng là số lượt download toàn cầu vào top 5 thế giới. Tuy nhiên, mặt bằng chung vẫn có nhiều sản phẩm chưa có chiều sâu, chất lượng chưa tốt, vòng đời ngắn.
Để ngành game tốt hơn, có tính cạnh tranh cao hơn, theo ông Bảo, đầu tiên, cần phải mở rộng không gian cho ngành, để game không chỉ để giải trí mà còn là xã hội thu nhỏ. Định nghĩa xã hội thu nhỏ theo diễn giả, là không gian ảo để con người học hỏi, trải nghiệm những cái mới, sau đó áp dụng vào thực tiễn. Ví dụ rõ nhất là game về giáo dục, game về lịch sử. Những trò chơi này tạo hứng thú tìm hiểu lịch sử cho học sinh, từ đó học được những kiến thức mới mẻ, áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, game cũng có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề khác.
Ông Bảo nhắc lại phần chia sẻ trước đó từ Roblox để thấy game là môi trường để người dùng sáng tạo. "Game không chỉ để chơi mà để học, tư duy, sáng tạo, là nơi để truyền tải cảm xúc, kiến thức", ông nói.
Lãnh đạo của VTC đưa ví dụ về game Trung Quốc - thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới với hơn 600 triệu người chơi. Năm 2018, có khoảng 1,45 triệu người làm trong ngành game ở Trung Quốc, trong đó gần 60% người hành nghề có bằng cử nhân trở lên, theo Gamma. So sánh ở nước ngoài vào thời điểm đó, có khoảng 45.000 người làm việc trong ngành trò chơi điện tử ở Bắc Mỹ và khoảng 85.000 người làm việc trong ngành trò chơi điện tử ở Hàn Quốc.
Năm 2023, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc công bố 147 nghề mới trong hệ sinh thái kỹ thuật số, bao gồm cả "tuyển thủ e-sports" và "người điều hành thể thao điện tử". "Ngành game nói chung và nghề liên quan đến game nói riêng được nhìn nhận như một nghề chính thống liên quan tới kỷ nguyên kỹ thuật số", đại diện VTC chia sẻ.
Với thị trường trong nước, Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, doanh thu ngành game của Việt Nam là 12.000 tỷ, tương đương mức tăng trưởng 200% so với năm 2015. Thị trường thu hút 25.000 nhân sự, phục vụ 32 triệu người chơi trong nước.
Dựa theo thực trạng trên thị trường quốc tế và Việt Nam, ông Bảo khẳng định, để game phát triển, chúng ta cần đào tạo, cần có cơ sở giảng dạy chuyên sâu, có mã ngành. "Tôi hy vọng trong ba năm nữa chúng ta sẽ có mã ngành liên quan đến game", ông Bảo chia sẻ.
Cuối cùng, ông Bảo đưa ra thông điệp "Game - Một công nhiều việc" tức game là một công cụ, không chỉ để giải trí, có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề, giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống. "Coi game là một ngành thì sẽ sinh ra nghề. Đào tạo nhân lực ngành game không chỉ tạo ra cơ hội việc làm cho ngành này mà còn ứng dụng vào nhiều ngành nghề lĩnh vực khác cho xã hội".
Viết bình luận