Loài hoa này đang có nguy cơ tuyệt chủng trong thế giới tự nhiên do bị khai thác quá mức làm thuốc cổ truyền.
Thiên Sơn tuyết liên (hoa sen tuyết của Thiên Sơn) là loài hoa trước đây xuất hiện trong các bộ phim kiếm hiệp, tiên hiệp của Trung Quốc với công dụng cải lão hoàn đồng, tăng công lực, chữa vết thương… Những tưởng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người nhưng loài hoa này thực sự tồn tại trong giới tự nhiên.
Điểm đặc biệt chính là Thiên Sơn tuyết có thể nảy mầm, sinh trưởng, ra hoa trong thời tiết lạnh lẽo giữa khe núi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển. Loài hoa này được mệnh danh là bách thảo chi vương (vua của trăm loài dược bảo), thuộc dòng rất hiếm, chỉ sinh trưởng ở độ cao trên 2.500m so với mực nước biển, giới hạn ghi nhận vào năm 2018 là 4.000m.
Quý hiếm hơn cả khi Thiên Sơn tuyết có khoảng thời gian từ khi nảy mầm tới lúc nở hoa mất tới 5 - 7 năm, tuy nhiên toàn bộ quá trình sinh trưởng thực tế của nó chỉ trong khoảng 8 tháng. Hạt tuyết liên nảy mầm ở 0 độ C, tăng trưởng trong vùng 3 - 5 độ C và chịu được hạn mức lạnh -21 độ C. Ngoài ra, chỉ 5% số hạt Thiên Sơn tuyết liên nảy mầm thành công.
Khi bung nở, loài tuyết liên có hình dạng giống hệt như một đóa sen. Người Trung Quốc nhiều đời nay vẫn lưu truyền, tuyết liên có một hình dáng yêu kiều như thế là do nó được kết tinh từ gió, mây và tuyết.
Nhờ quá trình sinh trưởng không mấy dễ dàng, loài hoa sở hữu nhiều dược tính cao cường, giới y học mệnh danh tuyết liên là tiên dược. Theo đó, một số công dụng nổi bật có thể kể đến như: giải độc, hỗ trợ điều trị bệnh phổi, đau nhức cơ thể, các bệnh phong thấp - thận hư, bồi bổ sinh lực nam giới, thống kinh nữ giới… Loài hoa này có tính nhiệt cao, tương truyền sau khi ăn vào, người ta có thể cởi trần đi trong tuyết mà không cảm lạnh.
Ở Việt Nam, loài sen tuyết này cực hiếm, thường được giới nhà giàu săn lùng với mức giá cao. Để sở hữu một sen tuyết, người mua phải chi từ 4 - 5 triệu đồng/bông, còn mua theo cân là từ hơn 100-120 triệu đồng/kg. Thế nhưng, điều đáng buồn là tuyết liên đang trong tình trạng hiếm. Theo IUCN từ năm 2020, sen tuyết đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác quá mức làm thuốc cổ truyền.
Viết bình luận