Những món ăn "đặc sản" kinh dị và khó nuốt bậc nhất thế giới, nghe tên thôi cũng đủ rùng mình

Vozer 05/04/2023 16:06

Có thể bạn là một người thích khám phá ẩm thực của các nước trên thế giới, tuy nhiên, dám chắc đến 95% rằng bạn sẽ từ chối thưởng thức ngay khi ngửi mùi vị những món ăn được xem là đặc sản nhưng rất "khó nuốt" dưới đây.

Hongeo - cá đuối thối (Hàn Quốc)

Với đại đa số người Hàn Quốc, Hongeo là món ăn tương đối phổ biến, nhưng với nhiều du khách, đây lại là một trong những món ăn nặng mùi và khó nuốt nhất mà họ từng đối mặt. Điều gì làm nên mùi vị đặc trưng của Hongeo? Đầu tiên phải kể tới nguyên liệu chính của món ăn - thịt cá đuối lên men. Những gì các đầu bếp cần làm ở món ăn này là để cá đuối trong tủ đá 15 ngày ở nhiệt độ 2,5 độ C rồi chuyển sang tủ thứ hai 15 ngày tiếp theo ở nhiệt độ 1 độ C cho đến khi cá đuối đã bốc mùi giống như nước tiểu, rồi chúng mới được thái lát mỏng và ăn sống. Khi thịt cá đuối lên men, a-xit uric trong chúng chuyển hóa thành amoniac nên có “mùi vị” rất khó chịu. Mùi vị này không chỉ “để lại vết tích” trong miệng sau khi ăn món Hongeo mà chúng còn ám vào quần áo hay cả tóc của người thưởng thức.

Natto - đậu nành thối (Nhật Bản)

Đây là một trong những món ăn rất quen thuộc với người Nhật. Natto thường được ăn vào bữa sáng với cơm, sushi hoặc dùng ăn kèm với mì. Một ít sốt đậu tương và mù tạt được cho vào trước khi Natto được trộn bằng đũa theo vòng tròn, việc trộn đều sẽ tạo ra nhiều bong bóng và giúp cho món đậu nành lên men này tăng thêm vẻ nhầy nhụa nhớp nháp. Natto dính đến nỗi sau khi cho vào miệng, bạn phải dùng đũa để phá vỡ những sợi dính nhớp nháp trên môi. Ở Nhật, người ta thường đánh giá chất lượng của Natto thông qua độ dài của sợi nhớt nhớp nháp này. Nếu khi lấy đũa gắp một miếng lên khỏi chén mà sợi nhớt càng dài và càng nhớp nháp thì Natto càng ngon. Ngoài nhớp nháp, Natto còn là món ăn có mùi rất khó chịu, hương vị rất nồng và đặc quánh. Vì nhày nhụa và nặng mùi như thế, nên đây cũng là một món ăn khó có thể nuốt trôi cho du khách khi đến thăm xứ sở hoa anh đào.

Bánh đầu cá (Anh)

Chiếc bánh làm từ đầu của những chú cá mòi và được nướng cùng với trứng và khoai tây này là món ăn truyền thống ở Anh. Món ăn có nguồn gốc từ ngôi làng Mousehole ở Cornwall và các cư dân trong làng dùng món này để ăn mừng những người anh hùng đánh bắt cá trong thời tiết bão tố khắc nghiệt. Mặc dù có một vài biến thể với các loại cá khác nhau, nhưng nhìn chung chúng vẫn giữ nguyên hình dáng độc đáo của mình bằng cách để những chiếc đầu (hoặc đôi khi là đuôi cá), nhô ra ngoài khỏi lớp vỏ bánh để chúng như trông giống đang nhìn lên trời.

Kiviaq  - chim thối nhồi hải cẩu (Greenland)

Hải cẩu thối rữa nhồi chim chết Kiviaq là món ngon truyền thống của người Inuits cư trú tại vùng bắc Greenland hẻo lánh. Để thực hiện món ăn này, người ta phải bắt và giết chết những con chim biển auk và hải cẩu. Với một con hải cẩu, người ta sẽ nhét khoảng 500 con chim vào bụng, rồi khâu kín lại thành một chiếc túi chắc chắn và chôn sâu dưới lòng đất trong 18 tháng. Sau khi lấy lên, món ăn đã hoàn thành, những chú chim được lấy ra, người ăn chỉ cần vặt bớt lông rồi ăn ngay, thậm chí xương cũng không bỏ.

Surstromming - cá trích thối (Thụy Điển)

Đây là một món ăn truyền thống của người Thụy Điển và có xuất xứ từ miền Bắc. Surstromming được làm đơn giản với cá trích lên men trong thùng một hoặc vài tháng sau đó đóng hộp và ủ tiếp khoảng một năm. Quá trình lên men quá mạnh làm những chiếc lon chứa cá bị phình ra vì áp suất quá lớn. Người Thụy Điển thường ăn Surstromming ngoài trời vì món ăn bốc mùi rất nặng khi hộp cá được mở ra. Surstromming thường được những du khách can đảm nếm thử so sánh với trứng thối, giấm và bơ ôi. Tuy nhiên, món ăn truyền thống nặng mùi này thậm chí còn có bảo tàng riêng của mình ở Thụy Điển.

Hakarl - cá mập lên men (Iceland)

Hakarl là món ăn quen thuộc của người Iceland bao gồm thịt của loài "cá mập tắm nắng" (basking shark) lên men rồi đem treo cho khô trong nhiều tháng. Thịt của loài cá mập này có chất độc khi còn tươi, nên nó phải được để lên men rồi phơi khô trước khi ăn. Con cá mập bị moi hết ruột, đặt vào một hố nông trên cát, phủ cát, sỏi lên và dùng đá chặn lên trên. Trong vòng từ 6 tới 12 tuần nó được nằm yên trong cát, và các loại chất lỏng tập trung bên ngoài con cá và quá trình lên men được thực hiện. Sau khi lên men xong, thịt cá mập sẽ được đem phơi khô trong nhiều tháng. Món hakarl chỉ được ăn với những miếng nhỏ, nhưng dù vậy, người nào mới nếm thử lần đầu cũng sẽ phải ọe ra dù không chủ tâm, vì cái vị khủng khiếp của nó. Nếu bạn được mời ăn món này, tốt nhất hãy bịt chặt mũi, vì mùi của món hakarl còn kinh dị hơn cái vị của nó gấp nhiều lần.

Blodplättar - bánh rán máu (Thụy Điển)

Blodplättar là tên gọi của một loại bánh rán được phục vụ ở Thụy Điển và Phần Lan, làm từ máu và các thành phần khác. Nó tương tự như bánh pudding nhưng mỏng và giòn hơn. Blodplättar thỉnh thoảng được ăn kèm cùng với thịt heo hoặc thịt tuần lộc.

Casu marzu - pho mát giòi (Ý)

Hầu hết mọi người đều sẽ bỏ vào thùng rác (nếu biết) hoặc nôn thốc nôn tháo khi lỡ ăn phải thức ăn đã hóa giòi, trừ một số người Ý sống ở khu vực Sardinia. Những người dân ở đây luôn xem món Casu Marzu, một món ăn truyền thống được làm từ pho mát sữa cừu có những con giòi sống bên trong là một món ăn nổi tiếng có một không hai của họ. Toàn bộ miếng pho mát được đặt bên ngoài với một khoanh bánh bên trên đã bị cắt như chiếc nắp cho những chú ruồi có thể đẻ trứng bên trong. Một con ruồi cái Piophila có thể đẻ được hơn 500 trứng cùng lúc vào miếng pho mát. Sau khi trứng nở, ấu trùng (giòi) bắt đầu tấn công miếng pho mát. Axit từ hệ thống tiêu hóa của những con giòi phá hủy chất béo trong pho mát, khiến bề mặt của pho mát trở nên mềm hơn. Đó cũng là lúc món Casu Marzu được đưa vào sử dụng. Chính vì vậy mà khi ăn, bạn vẫn còn cảm nhận được sự ngọ nguậy của những con giòi trong vòm miệng.

Caloo de Caroan - canh pín bò tót (Bolivia)

Món canh có thành phần chính gồm dương vật và tinh hoàn bò tót Caloo de Caroan này là một trong những món khoái khẩu của người Bolivia, đặc biệt là cánh mày râu. Thực tế khi ăn, phần thịt trong canh khá dai và khó nuốt nhưng người Bolivia cho rằng đây là một vị thuốc bổ giúp chống mệt mỏi, chữa bệnh thiếu máu… Và trên hết, cũng như món “ngầu pín” hầm thuốc bắc ở nước ta, Caloo de Caroan được xem là món ăn mang đến sự sung mãn cho các quý ông trong những chuyện phòng the.

Sinh tố ếch tươi sống (Peru)

Dân cư vùng núi Arequipa, Peru từ nhiều năm nay vẫn giữ nguyên thói quen uống sinh tố ếch tươi sống mà họ tin rằng để tăng cường sức khỏe. Dù chưa được các nhà khoa học chứng minh, nhưng người dân địa phương tin rằng, thịt ếch tươi giúp họ có sức đề kháng chống lại mọi bệnh tật. 

Cocktail máu bò (Ethiopia)

Món cocktail kinh khủng này với thành phần chính là máu bò tươi được pha cùng với một chút sữa và nước bọt của những người khác được phun thẳng vào li. Máu bò là một loại thức ăn phổ biến ở các quốc gia châu Phi và thường được dùng trong các buổi lễ trưởng thành.

Tinh hoàn bò chiên giòn (Mỹ)

Món ăn với tên gọi Rocky Mountain Oysters không phải là những con hàu (Oyster) chiên giòn mà thực chất là tinh hoàn bò chiên giòn. Bên dưới lớp vỏ giòn, vàng và quyến rũ này là một bí mật mà nhiều du khách không thể ngờ tới. 

Stinkhead  - đầu cá hồi thối (món ăn truyền thống của người Eskimo - Alsaka, Mỹ)

Để dự trữ thức ăn, người dân Eskimo Alaska tìm cách lên men cá hồi để sử dụng bất chấp hương vị kinh khủng của chúng. Để làm nên món ăn đặc sản này, người ta có thể sử dụng đầu cá hoặc toàn bộ thân cá sau khi đã được sơ chế. Trước khi được chôn sâu xuống đất cho thực phẩm lên men, cá được bọc kín bởi cỏ rồi cho vào thùng nhựa, gỗ hoặc túi nilong. Người ta cứ để cá lên men tự nhiên như vậy trong bốn đến sáu tuần. Khi thành phẩm, toàn bộ cá bị phân hủy, thối rữa và bốc mùi rất khủng khiếp. Với những người không quen, họ dễ nôn thốc tháo khi ngửi mùi stinkhead. Trong khi đó, nhiều người Eskimo lại tỏ ra “nghiền”, thích thú với nó. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo món ăn này có thể gây nên các ca ngộ độc nghiêm trọng. Đặc biệt, khi món ăn được chôn ở trong nhà, trong một thùng chứa hoặc chịu ánh nắng trực tiếp (những môi trường có nhiệt độ cao) thì khả năng tiết ra độc tố sẽ cao hơn nhiều.

Nhện chiên (Campuchia)

Nhện chiên là món khoái khẩu của người dân Campuchia nhưng không phải du khách nào khi tới đây cũng đủ can đảm để nếm thử. Công thức làm món ăn này là nhện được trộn đều trong bột ngọt, đường, muối, tiêu, tỏi rồi chiên trong dầu cho đến khi vàng ngậy hoặc có thể tẩm bột trước khi thả vào chảo dầu nóng. Thịt nhện hoàn toàn không có mùi hôi và kinh dị như mọi người vẫn tưởng mà có hương vị đặt trưng, khá bùi, giòn tan gần giống thịt cua. Ngày nay, loại nhện lớn này còn mang lại thu nhập cho nhiều nông dân ở Campuchia.

Bọ nước khổng lồ (Thái Lan)

Chúng quá lớn để có thể được gọi là những con bọ, nhìn chúng như những con cua hoặc những con tôm hùm. Để ăn được chúng bạn cần phải cắt bỏ những đôi cánh cứng ngoài cùng, sau đó kéo chúng ra để có thể thưởng thức lớp thịt và trứng, cuối cùng là nhai ngấu nghiến phần đầu. Nghe thì ngon lành vậy, nhưng không phải du khách nào khi đến Thái Lan cũng cam đảm nếm thử món côn trùng to lớn này chiên giòn.

Súp pín bò (Philippines)

Với tên gọi rất đặc biệt: món súp số 5 (Soup Number Five) nhưng thực chất món súp này được làm từ dương vật hoặc tinh hoàn bò và nấu cùng với gừng, hành, tiêu và hỗn hợp các loại thảo mộc. Người Philippines tin rằng món súp này có tác dụng tốt trong việc tăng cường khả năng sinh lí của đàn ông.

Súp dơi (Palau)

Tuy rất kinh dị với hầu hết chúng ta nhưng ở Palau, súp dơi được xem là một món ăn ngon. Chúng được nấu cùng với rau, nước dừa, một chút gia vị cay và gừng. Người Palau có thể ăn hết tất cả các bộ phận của con dơi, trừ phần xương. Và nên nhớ rằng, dù bạn có chế biến kĩ đến đâu thì khả năng chất độc trong bụng dơi vẫn còn, bạn có thể sẽ phải đi gặp bác sĩ vì trót ăn phải chất độc đó đấy.

Viết bình luận