"Mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại" - Câu quảng cáo về Tết gây tranh cãi nhất

27/01/2020 10:56

Có phải mùng 1 là phải đón Tết bên nội, còn mùng 2 mới được về ngoại hay không? Câu nói tưởng chừng khá quen thuộc này dấy lên tranh cãi của những người lấy chồng xa quê.

Nhắc đến những ngày đầu tiên để "khai vị" cho Tết, người ta nghĩ ngay đến việc sang nhà ông bà, người thân, họ hàng để chúc Tết cũng như thắp vài nén nhang để tưởng nhớ tổ tiên. Ấy vậy mà có bao giờ bạn nghĩ rằng, việc chia ngày để sang nội, ngoại cũng có thể khiến cho một số người khó chịu hay không?

Câu nói “Mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại” thật ra đã có từ rất lâu, như một câu truyền miệng của người Việt. Tuy nhiên, chỉ đến khi câu nói này xuất hiện trong một đoạn quảng cáo Tết thì nó mới thực sự gây tranh cãi. Vậy phải đón Tết ở nhà nào trước, nhà nào sau trong mấy ngày đầu Tết?

MỤC LỤC [Hiện]

Với một số người lấy chồng xa, nó cũng như việc đi học, đi làm xa nhà. Cả năm họ chỉ mong mỏi có một dịp nghỉ lễ dài để được quay về với bố mẹ mình mà ăn mừng một năm đã qua. Thế nhưng dường như những định kiến muốn đón Tết ở đâu cũng được, miễn là phải ở nhà chồng, nhà nội trước vẫn còn khá phổ biến ở nhiều gia đình Việt.

Điều đó khiến cho những người phụ nữ lấy chồng xa quê vô hình trung có một áp lực đè nặng lên tâm trí. Nhà thì nhớ đấy, cũng muốn về phụ giúp bố mẹ để làm cái lễ cúng Giao thừa nhưng vẫn còn một gia đình bên chồng phải lo. Cũng do vậy mà khi đoạn quảng cáo trên sử dụng câu giới thiệu đó, lập tức đã gây phẫn nộ với rất nhiều những người con dâu xa nhà.

Thật ra thì ở đâu cũng cần có người phụ giúp cả, thế nên cái khó của một cô con dâu gả chồng xa đó là phải biết chịu khó nhường nhịn, sắp xếp thời gian và xem bên nào cần mình hơn. Cái khó của họ ở chỗ là có lòng muốn phụ giúp, đoàn tụ với cha mẹ vào những ngày đầu năm, nhưng lại phải "qua ải" được một gia đình chồng khó tính.

Thực ra quan niệm mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại đã có từ lâu. Ngày xưa cha ông ta kiêng mùng 1 con gái về nhà mẹ đẻ vì mùng 1 về sẽ làm cho bố mẹ đẻ 1 năm làm ăn không thuận lợi, tài lộc không dồi dào. 

Hóa ra cũng chỉ do ông bà ta kiêng cữ nhiều điều, tránh năm mới xui xẻo, mong mọi nhà đều có may mắn hơn nên mới có kiểu đón Tết ở nhà nội trước, nhà ngoại sau. Với những người con dâu ở xa, thật ra nếu chúng ta phụ giúp được vài chuyện vặt ở nhà chồng thì đó cũng tạo nên sự hãnh diện cho bố mẹ đẻ ở nhà rồi. 

Trước sau gì cũng được dắt con, dắt chồng về ăn Tết với nhà ngoại, vậy nên các chị em cứ sắp xếp ngày mà đi thôi. Ngày nào chả được, miễn là được gặp người thân, thì cảm giác hạnh phúc đó cũng đã đủ ấm áp lắm rồi.

Mà có lẽ ở thời đại này, chuyện phải qua nhà nội hay nhà ngoại trước hay không cũng đã dần được thông cảm hơn so với trước đây. Những người làm kịch bản có câu quảng cáo gây "phẫn nộ" trên chắc cũng chẳng lường trước vấn đề này, bởi đó chỉ là một câu nói quen thuộc, vần điệu chứ cũng không có ý định phân biệt gì cả.

Việc ăn Tết ở đâu cũng không quan trọng bằng nơi đó có những ai và ở cùng với họ có vui và hạnh phúc hay không thì mới là trên hết. Xin chúc cho các chị em lấy chồng xa có thể sớm được đón Tết cùng với bố mẹ của mình, bởi ở đâu thì cũng là nhà, quan trọng là mọi người đều yêu thương nhau.

Theo Yan.vn


* Nội dung liên quan:

>> Tết nội hay Tết ngoại? - Chuyện chưa bao giờ hết hot được TS Lê Thẩm Dương thẳng thắn góp ý

>> Tại sao "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"?

>> Dàn hot girl gặp đầy biến động trong chuyện tình cảm năm qua Tết đến xuân về lại vui sống FA

Viết bình luận