Long bào của Hoàng đế: Được thêu và nhuộm bằng vàng nên không được giặt bằng nước

TH 02/04/2023 04:55

Long bào được chế tác tỉ mỉ có khi cần một năm mới hoàn thành nhưng dù có mùi lạ thì cũng không được phép giặt bằng nước.

Áo long bào qua từng triều đại lịch sử Trung Quốc, được thiết kế một cách tỉ mỉ, công phu

Long bào - trang phục mà Hoàng đế phải mặc khi thượng triều có những chi tiết như hoa văn 9 con rồng được thêu vạt áo trước và vạt áo sau. Cái tên "long bào" cũng được xuất phát từ chi tiết 9 con rồng thêu này.

Ở thời Đường, Đường Cao Tổ còn quy định rằng, màu vàng là màu của đế vương nên những trang phục màu vàng chỉ được dùng trong vương thất. Từ đó về sau, hầu như long bào của các thế hệ Hoàng đế sau đều có màu vàng sáng làm chủ đạo.

Quá trình làm long bào cũng vô cùng tỉ mỉ với những thủ pháp vô cùng phức tạp. Trang phục của các Hoàng đế xưa cũng đều do những người thợ có chuyên môn cao phụ trách dưới sự theo dõi và đốc thúc của triều đình.

Việc chế tác long bào cũng gặp nhiều rủi ro. Chỉ cần là một lỗi nhỏ xuất hiện trên long bào cũng sẽ bị xử phạt một cách nghiêm trọng. Nếu chẳng may có một sai sót lớn dẫn đến việc long bào bị hỏng thì người phụ trách chế tác sẽ có thể bị xử tội nặng.

Long bào không được giặt bằng nước

Trong cung điện nhà vua, hầu hết trang phục từ vua chúa đến phi tần đều dùng phương pháp thêu, dệt. Long bào của hoàng đế luôn được dùng loại tơ tốt nhất, dệt nên loại vải xịn nhất. Tương truyền rằng, y phục của hoàng đế và hoàng hậu còn được dùng chỉ thêu bằng vàng thật, nhuộm với một lượng vàng nhất định để tỏa sáng lộng lẫy.

Điểm trừ ở phương pháp thêu này nằm ở chỗ loại tơ tằm cũng như loại chỉ thêu bằng sợi vàng dệt nên long bào rất đặc thù. Một khi động vào nước, sợi tơ và chỉ vàng sẽ bị rửa trôi và mất đi hoàn toàn độ bóng, không còn sáng và rực rỡ như trước nữa. Vì vậy, áo long bào sẽ không bao giờ được phép giặt bằng nước.

Thay vào đó, họ sẽ dùng dầu thơm. Đây là phương án đơn giản nhất để khử mùi cho long bào. Tuy nhiên, không phải lúc nào hoàng đế cũng thích mặc y phục có dầu thơm. Vì vậy, khi thấy một chiếc long bào "hơi cũ", họ sẽ… trực tiếp bỏ đi.

Tuy nghe khá lãng phí nhưng thực tế, mặc long bào cũng là một loại nghi thức. Khi tiếp đón vua chúa hay sứ giả các nước khác, chiếc long bào của một vị vua cũng góp phần thể hiện trình độ văn hoá - kinh tế - giáo dục của toàn bộ đất nước. Chính thế, việc đầu tư cho long bào là vô cùng xứng đáng dù đó là một số tiền rất khổng lồ.

Viết bình luận