Đi chùa không chỉ là để cầu nguyện mà còn là dịp để hòa mình vào chốn tâm linh, một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới. Nhưng đi chùa sao cho đúng cũng không phải chuyện đơn giản.
Đi lễ chùa hay đình, đền... là một hoạt động mang đậm phong cách văn hóa truyền thống với rất nhiều quy tắc ứng xử được dân gian truyền tụng từ ngàn đời. Vậy nên việc đi lễ chùa cho đúng luôn được thế hệ trẻ trau dồi qua năm tháng với nhiều quy tắc không dễ gì thuộc hết.
(Ảnh minh họa)
Theo phong tục từ xưa, đi chùa vào mùng 1 Tết hoặc ngay đêm giao thừa là hoạt động quan trọng mang tính nguyên tắc trong hàng loạt việc cần làm cho năm mới nhằm cầu cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, tránh được mọi tai ách, đời sống hòa thuận, quốc thái dân an. Quan niệm dân gian cho rằng đi chùa vào mùng 1 đồng nghĩa với cả năm bạn sẽ có được sự an lạc, may mắn, tràn ngập niềm vui.
Ngày mùng 2 và 3 theo quan niệm dân gian là lễ đón Hỷ thần (may mắn, hạnh phúc) và Tài thần nên, đi chùa vào 2 ngày này sẽ dịp cầu tài lộc. Vậy nên những ai làm kinh doanh thì những ngày này phù hợp để đi chùa.
Ngày mùng 4 là ngày các gia đình đón các vị thần từ thiên đình về hạ giới cai quản một năm nên dân gian quan niệm đi chùa vào ngày này thì điều bạn mong muốn sẽ được linh ứng và dễ thành hiện thực, cầu gì được nấy, thậm chí cầu tình duyên cũng nên chọn đi ngày này. Theo quan niệm xưa thì mùng 6 là ngày bình an, thường là ngày rất tốt để xuất hành cho các chuyến đi nên đi chùa vào ngày này cầu mong bình an, sức khỏe.
Ngoài việc chọn ngày đi chùa thì quan niệm dân gian cũng có những quy tắc khi vào chùa, đền, đình... Khi dâng lễ ở các chùa chỉ nên dâng đồ chay tịnh như hương, hoa quả, oản, xôi, chè..., tuyệt đối không dâng lễ mặn và tiền mặt, nhất là ở khu vực Phật điện.
Không dâng lễ vàng mã, đốt vàng mã tại chùa, nếu có thì chỉ nên đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông và tốt nhất là không đốt vàng mã theo khuyến cáo từ nhiều nhà nghiên cứu. Hạn chế thắp hương bên trong chùa, nếu có thì chỉ một nén vì quá đông người thắp sẽ khiến không khí ngột ngạt hoặc dễ xảy ra hỏa hoạn. Đặc biệt, không tự ý sử dụng hoặc mang đồ nhà chùa về nhà.
Quá đông người thắp hương sinh ra nhiều khói gây cay mắt. (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Khi bước vào điện chính của đền, chùa không được đi vào từ cửa chính giữa mà phải đi qua cổng Tam quan, nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Xưa kia, cửa Trung quan (chính giữa) chỉ dành cho bậc cao tăng, khoa bảng... đi vào và đi ra cũng theo cửa này. Khi vào cũng không nên dẫm lên bậu cửa nhà chùa, không đi lại khệnh khạng, không nên mặc váy ngắn, quần quá ngắn hay áo hai dây... vào chùa và nói chung là phải ăn mặc kín đáo, lịch sự.
Như đã nói trên, đi chùa không lễ tiền mặt, đặc biệt kiêng việc rải tiền lẻ ở nơi thờ tự vì gây mất mỹ quan, ô nhiễm và thể hiện sự tham lam. Nếu có tâm muốn công đức cho nhà chùa thì cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì có thể đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và tùy tâm công đức./.
>> CheckinVietnam - cùng cộng đồng game thủ vi vu khắp nơi - click ngay: https://checkinvietnam.vtc.vn/
Viết bình luận