Ở trường hợp ở những người không chuyên làm sử như các em thí sinh trong Đường lên đỉnh Olympia, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng việc nói được đúng ý là tốt, nhưng với những người chuyên làm sử lại không nói được đúng từ gốc thì bị liệt.
Không dừng lại ở sai sót trong câu tiếng Anh, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 tiếp tục dậy làn sóng tranh cãi với 2 câu hỏi lịch sử.
Trong đó có câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?" trong phần thi Về đích của thí sinh Đình Tùng.
Ở câu hỏi này, thí sinh trả lời đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ". Tại trường quay, MC đã xin ý kiến ban cố vấn, nhà sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".
Ngay sau khi kết thúc chương trình, nhiều khán giả đã phát hiện đáp án chính xác của câu hỏi này phải là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" và cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau.
Sáng 3-10, nhà sử học Lê Văn Lan đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online để làm rõ hơn hai từ "nhất thống" và "thống nhất" trong câu hỏi đang gây tranh cãi.
Ông cho biết tất cả các từ điển, phát biểu của các nhà khoa học cho đến những người bình dân đều chung ý kiến "nhất thống" và "thống nhất" là một nghĩa, không có sai về nghĩa.
"Chỉ có về cách phát âm, cách dùng từ thì "nhất thống" là từ cổ, đã nằm trong các công trình sách vở cổ. Ví dụ, thế kỷ 18 có "Hoàng Lê nhất thống chí", thế kỷ 19 có "Đại Nam nhất thống chí".
Vì thế, chữ "nhất thống" có nghĩa là thu gom về một mối. Từ từ cổ "nhất thống" đó, sang đến thế kỷ 20 thời đại chúng ta được chuyển thành "thống nhất". Đó là nguồn gốc, ý nghĩa của chữ "nhất thống" và "thống nhất" - giáo sư Lan giải thích.
Trong trường hợp thí sinh dùng chữ "thống nhất" thay vì "nhất thống", quan điểm của ông là thí sinh đã nói được đúng tinh thần, nhưng em dùng ngôn ngữ hiện đại trong thế kỷ của chúng ta để nói về một nội dung mà có ngôn ngữ biểu đạt ra là cổ. Cũng bởi ở thời đại chúng ta, các em đã quen với cách phát âm, biểu thị ra như vậy.
Vì thế ở trường hợp ở những người không chuyên làm sử như các em thí sinh, giáo sư Lan cho rằng việc nói được đúng ý là tốt, nhưng với những người chuyên làm sử lại không nói được đúng từ gốc thì bị liệt.
Ở quan điểm người cho điểm, với tinh thần biểu dương, khích lệ, nhà sử học Lê Văn Lan quyết định cho điểm.
Ông cũng cho biết thêm, đây là lời phát biểu đánh giá cho điểm của hội đồng cố vấn, chứ không phải là lúc bàn luận, giải trình và nghiên cứu xung quanh các chữ "thống nhất", "nhất thống".
Trong trường hợp này, thí sinh đã nói được hai từ Quốc hiệu của nước Việt thời vua Minh Mạng là "Đại Nam" và nói được 2 từ đúng tên là "toàn đồ" - tức thị là bản đồ toàn thể.
Ông chia sẻ, các thí sinh ở thời đại bây giờ đã quen với ngôn ngữ hiện nay, nhưng các em đã biết được 4 chữ cổ. Chưa kể trong không khí căng thẳng, áp lực rất nhiều nhưng thí sinh đã trả lời được như vậy là rất tốt.
"Chúng ta không nên khắc nghiệt quá!" - nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/ve-cau-lich-su-bi-cho-la-sai-dap-an-nha-su-hoc-le-van-lan-chung-ta-dung-khat-khe-qua-20221003112010507.htm)
Viết bình luận