Cảnh giác với "thiếu oxy thầm lặng" khi điều trị covid tại nhà: "Đang cười nói bỗng đột ngột trở nặng"

An An 11/01/2022 14:20

Đối với các bệnh nhân covid, việc cơ thể bị thiếu oxy một cách "âm thầm" khiến người bệnh tưởng như đang bình thường nhưng có thể đột ngột trở nặng.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh COVID-19 ở Hà Nội, nhận được thông tin về một ca bệnh nam giới 60 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có bệnh nền (gout) và chưa tiêm vắc xin. Bệnh nhân đang có chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu) ở mức 97 - 98%, nhưng tối cùng ngày bỗng nhiên SpO2 tụt nhanh và không qua khỏi vào sáng ngày hôm sau.

Theo đó, các bác sĩ cho rằng đây là ca bệnh điển hình của triệu chứng "thiếu oxy thầm lặng"- một tình huống rất nguy hiểm ở người bệnh Covid-19. Được biết, số lượng người gặp tình huống này ngày một gia tăng từ khi chủng Delta xuất hiện, chủ yếu dễ gặp ở người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin...

Theo bác sĩ Hoàng, những ngày gần đây mỗi ngày anh nhận đến 100 - 150 cuộc gọi từ người F0 và gia đình, phần lớn họ đều trong tình huống lo lắng, không biết gọi đi đâu, gọi ai khi các "hotline" đều ở trạng thái "cháy máy". Trong số này có một tỷ lệ nhỏ là người già, người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin thì họ cho biết SpO2 xuống thấp trong khi xét nghiệm đã âm tính hoặc 2 vạch mờ - tức là còn dương tính nhưng chỉ số virus còn thấp.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, cùng nhóm bác sĩ Hoàng, cho biết: "Những bệnh nhân SpO2 thấp khi xét nghiệm âm tính hoặc 2 vạch mờ chính là trường hợp "thiếu oxy thầm lặng", đã có khoảng 30% người nhập viện ở tình trạng "thiếu oxy thầm lặng - happy hypoxia", vẫn cười nói nhưng lại đột ngột trở nặng hơn".

"Thiếu oxy thầm lặng hay còn gọi là tình trạng "Happy Hypoxia" được chẩn đoán khi người bệnh không cảm thấy khó thở nhưng SpO2 lại giảm dưới 94%. Theo thống kê, gần 20% bệnh nhân nhập viện cảm thấy không hề khó thở trong khi biểu hiện CT scan bất thường (86%) và cần phải bổ sung oxy (40%). Đây là một tỷ lệ khá cao do đó mọi người cần hết sức lưu ý", BS Tuấn thông tin.

Phân tích sâu hơn về sự nguy hiểm của tình trạng "thiếu oxy thầm lặng", theo BS Tuấn, ở giai đoạn đầu của bệnh, phổi có thể còn giãn nở bình thường, không có sự gia tăng khoảng cách và kháng cự đường thở. Do đó, có thể trung tâm hô hấp không cảm thấy bất thường về việc thở (giải thích vì sao bệnh nhân không thấy khó thở!).

Tuy nhiên, diễn tiến bệnh có thể nhanh và xảy ra tình trạng mất bù hô hấp. Nếu bệnh nhân đột ngột thở nhanh, sâu có thể là dấu hiệu của suy hô hấp tiến triển trong Covid-19.

Theo bác sĩ Tuấn, các báo cáo về ca bệnh happy hypoxia gia tăng khi chủng Delta xuất hiện. Nguyên nhân là do tình trạng "bão cytokine", virus không còn nhưng cytokine vẫn tiến triển, bệnh nhân không khó chịu nữa, không ho, sốt nữa nên có khi chủ quan và tình trạng đột ngột trở nặng.

Vậy làm gì khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy bị khó thở? TS. BS Hoàng Thanh Tuấn đã đưa ra những lưu ý sau: "Nằm sấp giúp phân bố máu cho những vùng phía sau, rất quan trọng trong điều trị Covid-19 ở giai đoạn sớm và có thể điều trị lâu dài giúp cải thiện oxy máu. Ngoài ra, những vùng phổi phía sau lưng vốn ít được thông khí hơn, khi nằm sấp những vùng phế nang sẽ được phân bố oxy hít vào, giảm hiện tượng chỗ nhiều oxy mà lại ít máu đến, chỗ ít oxy mà máu lại đến nhiều (cân bằng thông khí- tưới máu)".

Không những thế, các F0 tuyệt đối không chủ quan chỉ căn cứ vào triệu chứng khó thở mà bỏ qua nồng độ SpO2 trên máy, khi thấy tụt SpO2 dưới 94% mà chưa khó thở thì hãy hết sức đề phòng. Cần nằm tư thế, tập thở thật tốt để cải thiện SpO2 ngay.

Ngoài ra, BS Huy Hoàng cũng khuyến cáo, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người F0. Nhiều người mua thuốc, mua nhiều loại, nhưng khi hỏi có thiết bị đo SpO2 không thì lại không có hoặc chưa để ý đến. Các F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp...), chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong khoảng thời gian ngày thứ 7 - 10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng "thiếu oxy thầm lặng" có thể xuất hiện. Nếu SpO2 dưới 95% đã là dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở oxy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị.

Hà Nội hiện có 450 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch

Trong đó, các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (128), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (217), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.943), cơ sở thu dung của thành phố (1.309), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.590)... Xem thêm tại đây 


Viết bình luận