So với nguyên tác, nhân vật Đường Tam Tạng được cải biên, thêm khá nhiều chi tiết gây nhiều tranh cãi của các thế hệ khán giả.
Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Hoa ngữ. Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên Tây Du Ký, bộ phim nhận được nhiều yêu mến của nhiều thế hệ khán giả và được phát sóng lại hàng nghìn lần. Tây Du Ký lần đầu được dựng phim vào năm 1927, tuy nhiên, phải đến bản năm 1986 do đạo diễn Dương Khiết phát hành thì mới được công chiếu rộng rãi. Dù là phiên bản kinh điển nhưng Tây Du Ký 1986 cũng có khá nhiều chi tiết được cải biên so với nguyên tác. Đặc biệt là hình tượng nhân vật Đường Tam Tạng gặp khá nhiều tranh cãi của các thế hệ khán giả.
Tên thật của Đường Tam Tạng
Trong Tây Du Ký, Đường Tam Tạng chính là một trong 4 nhân vật xuyên suốt bộ phim. Tuy nhiên đây không phải là tên thật của ông mà là tên hiệu do vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân đặt cho.
Đường Tam Tạng cùng 3 đồ đệ đi Tây Thiên thỉnh kinh
Trong chương 12 của tiểu thuyết Tây Du Ký có viết, khi Đường Thái Tông tiễn Tam Tạng đi Tây Thiên thỉnh kinh, biết người em kết nghĩa trọn đạo tu hành, không có tên hiệu nên nói: "Trẫm nghe Quán âm nói bên Tây Phương có kinh Tam Tạng (3 tạng), đặt hiệu cho ngự đệ là Tam Tạng đành không?". Đồng thời, vì Tam Tạng là anh em kết nghĩa (ngự đệ) với vua Đường Thái Tông nên gọi là Đường Tam Tạng.
Còn tên thật của Đường Tam Tạng được tác giả Ngô Thừa Ân nhắc đến trong chương 9 của tiểu thuyết. Đường Tam Tạng được Pháp Minh hòa thượng phát hiện khi đang trôi trên sông cạnh chùa Kim Sơn, vì vậy được đặt tên là Giang Lưu (trôi trên sông), lấy họ Trần theo họ của hòa thượng. Đến năm 18 tuổi, khi tu thành công thì mới đổi pháp danh thành Huyền Trang.
Bên cạnh đó, Tam Tạng là nhà sư nên còn được gọi tên kèm chức nghiệp là Đường Tăng, như Tôn Hành Giả gọi là Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh gọi là Sa Tăng...
Xuất thân của Đường Tam Tạng
Trong bộ phim Tây Du Ký 1986, xuất thân của Đường Tam Tạng được phác họa vắn tắt trong vòng 7 phút lên phim thông qua lời kể của một tên tiểu nhị trong quán rượu.
Thế nhưng trong tiểu thuyế, xuất thân của Đường Tam Tạng được kể trong 9 chương với các giai đoạn: Phải đọa đầu thai, Mới lọt lòng gần bị giết, Bị thả trôi sông và Tìm mẹ trả thù cha.
Xuất thân của Đường Tam Tạng gây nhiều tò mò cho khán giả
Đường Tam Tạng có cha là Quang Nhụy, mẹ là con gái Thừa tướng Ôn Kiều. Quang Nhụy thi đỗ Trạng Nguyên, được phong cách Tri châu quận thành Giang Châu. Trên đường đi nhậm chức, vợ chồng Quang Nhụy phải đi đò qua sông Hồng Giang. Tay lái đò tên Lưu Hồng thấy Ôn Kiều xinh đẹp nên đã nổi lòng tà ác, cùng hội Lý Bưu đánh chết Quang Nhụy, vứt xác xuống sông, ép Ôn Kiều làm vợ. Bà khi ấy đã mang thai nên nhịn nhục làm vợ Lưu Hồng.
Để bảo đảm tính mạng cho con, Ôn Kiều đã cắn đứt nửa ngón út chân trái của Tam Tạng làm dấu, viết một lá thư máu kể ngọn ngành câu chuyện cùng căn cước cha mẹ rồi thả con trai trôi sông. Trên phim ảnh, xuất thân của Tam Tạng chỉ có phần này.
Nhưng theo nguyên tác, Quang Nhụy sau khi bị đánh chết và vứt xuống sông liền được Long Vương sông Hồng Giang cứu sống. Do cha Tam Tạng từng phóng sinh một con cá vảy vàng (là Long vương hóa thân) nên được trả ơn. Long vương cho ông ngậm một viên châu để xác không bị thối rữa, còn hồn thì làm việc dưới thủy cung.
Mười tám năm sau, khi Tam Tạng và ông ngoại giết Lưu Hồng trả thù, thì hồn Quang Nhụy được trở về xác, từ thủy cung trở về. Sau đó, ông còn được vua Đường phong làm Hàn lâm học sĩ, tiếp tục làm quan.
Tuy nhiên, gia đình Tam Tạng không có được hạnh phúc trọn vẹn. Xấu hổ vì chuyện nhẫn nhục làm vợ Lưu Hồng, Ôn Kiều hai lần tự tử. Lần đầu tiên bà treo cổ tự tử nhưng không thành vì mọi người phát hiện. Lần thứ hai là khi Quang Nhụy đi nhậm chức mới, Tam Tạng yên lòng đi tu, Ôn Kiều ở nhà uống thuốc độc tự tử chết trong nhà.
Ngoài ra, trong lịch sử Trung Quốc có nhân vật Đường Huyền Trang (600-665), tên thật là Trần Huy, cha là Trần Huệ. Trần Huy sinh ra trong gia đình dòng dõi quan lại, từ nhỏ đã được học chữ Nho, đọc kinh Phật. Năm 13 tuổi, Trần Huy xuất gia, lấy pháp danh Huyền Trang. Ông có hai người anh cũng đều xuất gia đi tu.
Nếu như trong truyện Đường Tam Tạng được vua Đường Thái Tông ủng hộ đi lấy kinh thì nhân vật trong lịch sử Đường Huyền Trang từng hai lần dâng tấu xĩn đi thỉnh kinh nhưng đều bị vua cấm xuất hành. Sau đó, ông đã phải liều mình ra đi, quyết hành hương để chiêm bái đất Phật.
Hành trình đi lấy kinh của Huyền Trang dài hơn 25.000 km, đi qua 128 nước lớn nhỏ với rất nhiều gian nan, khổ cực. Nếu như trong phim Đường Tam Tạng có thêm các đồ đệ tài ba hộ tống thì nhân vật lịch sử Đường Huyền Trang chỉ đi có một mình. Sau hành trình dài, Đường Huyền Trang đã mang về 657 bộ kinh Phật cùng nhiều bảo vật quý cho Trung Quốc, trở thành nhân vật nổi danh khắp đất Phật.
Đường Tam Tạng gây tranh cãi vì bị thù hận lấn át lý trí và giết người
Nhân vật Đường Tam Tạng gặp khá nhiều tranh cãi vì bị thù hận lấn át lý trí. Cụ thể trong truyện, khi được sư Pháp Minh tiết lộ thân phận, Tam Tạng đã khóc và thề: "Cừu (thù) cha mẹ không trả, sao phải làm người". Sau đó, ông quyết một mình đi tìm mẹ, bà nội và ông bà ngoại để nhận lại người thân.
Trong suốt hành trình, Đường Tam Tạng nhiều lần không phân biệt được phải trái, hiểu nhầm đồ đệ Tôn Ngộ Không
Tam Tạng và ông ngoại Thừa tướng được vua Đường cho mượn 5 - 6 muôn binh bắt Lưu Hồng, tra khảo dã man rồi xử chết. Lý Bưu, đồng bọn của Lưu Hồng, cũng không thoát án tử. Tuy không phải chính Tam Tạng trực tiếp ra tay giết người báo thù nhưng tư tưởng "có thù tất báo" gây nhiều ý kiến trái chiều.
Có người cho rằng vì hình tượng trong tác phẩm bị cho là bôi bác nhân vật lịch sử Đường Huyền Trang. Đường Tăng vốn là nhân vật xuất gia, đọc sách kinh Phật từ nhỏ nhưng không bỏ được oán hận cá nhân.
Không những thế, trong hành trình đi thỉnh Kinh, Tam Tạng cũng nhiều lần khiến khán giả la ó vì quá nhu nhược, kém minh mẫn, không phân định được đúng sai. Vì hiểu lầm đồ đệ Tôn Ngộ Không mà nhiều lần Tam Tạng đuổi đại đồ đệ về Hoa Quả Sơn dù cho Tôn Ngộ Không đã hết lời giải thích. Thậm chí, vì không phân biệt được đúng sai, tin nhầm lời yêu quái, Đường Tam Tạng còn khiến bản thân và các đồ đệ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Hay như lần Tôn Ngộ Không đánh chết một con hổ định tấn công Tam Tạng, vì thế ông liền xử phạt học trò mà không nghe lời giải thích.
Trong tập phim đi ngang qua Tây Lương Quốc, Đường Tam Tạng cùng Trư Bát Giới uống nhầm nước sông Mẹ con. Khi uống nước sông mẹ con, mọi người sẽ mang thai và sinh con. Khi biết sự thật, Đường Tam Tạng liền xin nữ nhân ở Tây Lương Quốc chỉ chổ để đồ đệ đi cắt thuốc về phá thai. Vốn là người xuất gia, có tấm lòng từ bi nhưng Đường Tam Tạng vội vàng xin thuốc phá thai, từ bỏ một sinh linh nhỏ khiến nhiều khán giả không khỏi bất ngờ.
Vì vậy, nhiều khán giả thấy thắc mắc rằng Đường Tam Tạng được mô tả là "thiên tính trời phú", đọc rộng hiểu nhiều nhưng lại mắc khá nhiều sai lầm.
Đường Tam Tạng động lòng trước Nữ vương Tây Lương Quốc
Trong bản Tây du ký 1986, đạo diễn Dương Khiết đã có khá nhiều cải biên cho nhân vật Đường Tam Tạng để mang lại sự hấp dẫn cho bộ phim. Như chi tiết Đường Tam Tạng phải lòng nữ vương Tây Lương Quốc.
Theo đó, khi cùng các đồ đệ đi qua Tây Lương nữ quốc, Ngộ Không đã bày kế để thầy giả vờ đồng ý nhận lời lấy nữ vương nước này. Tuy nhiên, vì muốn lãng mạn hóa cảnh này nên đạo diễn Dương Khiết đã có nhiều thay đổi so với nguyên tác. Các bối cảnh như cảnh tiên với rèm buông trướng rũ, vườn hoa thơ mông đều được thêm vào so với tiểu thuyết. Thậm chí, ekip còn đặt bài Nữ nhi tình làm ca khúc riêng cho đoạn này.
Trong phim Tây Du Ký 1986, cảnh Đường Tam Tạng quyến luyến nữ vương Tây Lương Quốc khiến nhiều người cho rằng ông là người xuất gia nhưng lại động lòng phàm
Trong phim, nữ vương Tây Lương Quốc phải lòng Đường Tam Tạng. Dù bên ngoài luôn giữ lễ nghĩa đoan trang nghiêm chỉnh nhưng nữ vương liên tục tìm cơ hội tiếp cận Đường Tam Tạng. Trong khi đó, Đường Tam Tạng không phản kháng, còn có phần nhượng bộ nữ vương. Trong cảnh chia tay trước khi rời khỏi Tây Lương Quốc, Đường Tam Tạng còn nhìn nữ vương đầy lưu luyến khiến nhiều khán giả cho rằng ông động lòng phàm, si mê nữ sắc.
Đường Tăng khi ở Tây Lương Nữ Nhi Quốc:
Tuy nhiên trong nguyên tác, giữa chương 54 và đầu chương 55 cho thấy cuộc gặp gỡ giữa thầy trò Đường Tam Tạng và nữ vương Tây Lương Quốc diễn ra rất nhanh chóng. Nữ vương vừa đóng ấn lên tờ điệp xong, Tam Tạng và đồ đệ lập tức trở mặt khiến cô sốc đến ngã nhào.
"Chúa tôi nước Tây Lương hãi kinh thất sắc, đồng quỳ lạy và nói rằng:
- Thiệt bốn thầy trò là phật La Hán nên đằng vân bay lên trời.
Các nữ quan tâu rằng:
- Ðường ngự đệ là hòa thượng gần thành, ba người học trò cũng vậy. Bởi chúng tôi có mắt không tròng, ngỡ là trai Trung Hoa, nên lo nhiều việc mất công. Nay Phật rước rồi, xin bệ hạ lui về cung điện.
Nữ vương hổ thẹn lên xe các quan đồng hộ giá trở lại".
Sự xuất hiện của nữ vương sau trích đoạn này là hết, chứ không hề có cảnh chia tay lưu luyến ân tình như trong phim.
Viết bình luận