Rốt cục thì loài động vật này có uy lực ghê gớm như thế nào mà khiến tác giả của Tây Du Ký - Ngô Thừa Ân không dám đề cập đến.
Trong " Tây Du Ký", Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên thỉnh Kinh đã vượt qua chín chín tám mốt kiếp nạn, mỗi kiếp nạn lại phải giải quyết một sự việc, nào là yêu quái, nào là trên đường đi gặp một số sự việc kì lạ.
Đường Tăng trên đường đi lấy Kinh gặp phải đủ mọi loại yêu tinh, nào là yêu tinh nhện, yêu tinh rắn, yêu tinh Khổng Tước, còn có Thỏ ngọc tinh, còn rất nhiều loại yêu tinh khác nhau mà trên đây chỉ liệt kê ra một vài loại động vật, thế nhưng chỉ có một loài động vật mà Ngô Thừa Ân không dám đề cập đến. Đó chính là con mèo.
Xét cho cùng, mèo là một loài động vật rất bí ẩn, và tính cách của mèo rất phù hợp để dưa vào trong các tác phẩm có yếu tố ma quái, ly kì, hư ảo. Và thực tế, có rất nhiều tác phẩm đề cập đến chủ đề này. Thế nhưng trong Tây Du Ký lại không xuất hiện, lý do là gì?
Điều này xuất phát từ thời điểm Tây Du Ký ra đời, là vào khoảng những năm Gia Tĩnh Vạn Lịch triều Minh (thế kỷ 16). Thời điểm đó có một vị hoàng đế cuồng mèo tên Minh Thế Tông.
Minh Thế Tông, hiệu Gia Tĩnh là vị hoàng đế thứ 12 của nhà Minh. Ông cai trị tổng cộng 45 năm từ 1521 tới năm 1567, trở thành một trong những vị hoàng đế Trung Hoa tại vị lâu nhất. Những năm đầu nắm ngôi, Minh Thế Tông có thể được coi là một minh quân khi đưa quốc gia trở nên hưng thịnh.
Tuy nhiên, 18 năm cuối cùng trị vì, Thế Tông lại bỏ bê chính sự, không buồn thiết triều, pháp kỷ quốc gia cũng dần bị bãi bỏ. Và phần lớn cơ sự ấy phát sinh cũng chỉ vì thói… mê mèo của ông.
Vào thời điểm đó, loài mèo được nuông chiều trong các gia đình quý tộc và hoàng cung cũng không phải là ngoại lệ. Tương truyền, Minh Thế Tông suốt ngày chỉ chơi cùng chúng mà bỏ bê việc quốc gia đại sự trong suốt gần 20 năm.
Ông đưa nghệ thuật cung phụng loài mèo lên một tầm cao mới khi lập ra các “miêu gia” dành riêng cho lũ mèo ăn chơi nhảy múa. Mỗi ngày, một con mèo ở đây được dâng cho 1kg thịt lợn, gấp 5 lần lượng mà thường dân thời đó có trong bữa ăn.
Sử sách chép rằng trong các thượng đẳng miêu gia, có hai chú mèo thường xuyên được Minh Thế Tông dẫn đi chơi là Sư Mao và Tuyết Mi. Đặc biệt, Tuyết Mi được cưng chiều hơn cả. Hoàng đế "sủng ái" Tuyết Mi đến mức ban bổng lộc và phong cho Tuyết Mi tước hiệu, khiến mấy phi tần trong hậu cung cũng phải ghen lồng ghen lộn mà không làm được gì.
Khi Tuyết Mi qua đời, Thế Tông than khóc khôn nguôi, tổ chức tang lễ long trọng và cho người làm áo quan bằng vàng ròng cho nó. Thậm chí, ông còn sai Hàn Lâm Viện viết cả thơ để đề lên bia mộ của Tuyết Mi.
Ngày nay, ngôi mộ của con mèo Tuyết Mi vẫn còn trên núi Cảnh Sơn, bên cạnh cây bách tên là Tiểu Long của nhà vua. Sau này, hoàng đế cuối cùng của nhà Minh là Minh Tư Tông khi thất thế cũng tìm đến bên mộ Tuyết Mi mà treo cổ tự sát.
Chính điều này đã khiến Ngô Thừa Ân gặp trở ngại, áp lực đến từ hoàng đế, càng không dám viết về loài mèo trong cuốn tiểu thuyết của mình biến thành yêu quái.
Viết bình luận