Nhìn lại 2021: Thị trường game Việt Nam vượt khó dịch bệnh, nền tảng mobile bứt phá và ẩn số game NFT

TungTQ 01/02/2022 10:10

Thị trường game Việt Nam đã có một năm vững vàng vượt nhiều khó khăn vì dịch bệnh ảnh hưởng. Động lực tăng trưởng tập trung vào nền tảng game mobile và manh nha bứt phá với “tân binh” Game NFT.

MỤC LỤC [Hiện]

Trong năm 2021, các doanh nghiệp phát hành game tại Việt Nam ít nhiều đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đại diện nhiều nhà phát hành cho rằng tình hình khó khăn bắt đầu từ giữa năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam khiến một số hoạt động không thể diễn ra như sự kiện offline, phối hợp triển khai và vận hành các dự án tại văn phòng…

Một trong những nhà phát hành thấm thía điều này là VTC Game, đại diện đơn vị tổng kết: “Trong năm 2021, chúng tôi có rất nhiều sự kiện lớn cần triển khai thị trường như Offline như sinh nhật Audition, sinh nhật Au2, ra mắt các game trọng điểm như Ragnarok, UFC Siêu Sao Bóng Đá… nhưng đều phải gác lại vì sự an toàn của cộng đồng”.

Đại diện nhà phát hành Funtap - Giám đốc Kinh doanh khối Game là anh Đào Quang Tuấn cho biết: “Như các doanh nghiệp khác cùng ngành, Funtap cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động kinh doanh. Điều dễ thấy nhất là giữa năm 2021, dịch bệnh bùng phát tại khu vực phía nam khiến nhiều sự kiện offline quy mô lớn của Funtap buộc phải dời lịch tổ chức, một số sản phẩm buộc phải lùi lịch ra mắt. Từ tháng 6/2021, toàn bộ nhân sự văn phòng Hồ Chí Minh của chúng tôi được yêu cầu làm việc tại nhà để phòng dịch. Cuối tháng 7, yêu cầu tương tự được áp dụng với văn phòng Hà Nội”.

“100% nhân viên vác máy về nhà, những buổi họp online dài hơn bình thường, mọi việc trước đây chỉ vỗ vai nhau cái là xong nay lại tốn thêm thời gian chat chit, mail mủng đủ công đoạn. Tốc độ xử lý công việc ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, các đầu việc liên quan đến offline, chuẩn bị ấn phẩm đều cancel hoàn toàn, trong khi đó game vẫn phải ra.”, đại diện nhà phát hành SohaGame nói về giai đoạn cao điểm chống dịch của đơn vị.

Những ảnh hưởng từ đại dịch không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường một số khu vực, nơi một số nhà phát hành game của Việt Nam đang mở rộng kinh doanh. Đại diện nhà phát hành VNG chia sẻ: “Ngay từ khi TP HCM bùng đợt dịch thứ 4 thì công ty đã cho nhân viên work from home (WFH: Làm việc tại nhà - PV) từ giữa tháng 5, đến nay khoảng 70% nhân viên vẫn còn đang WFH. Khó khăn thì có rất nhiều khi tất cả đều phải làm việc từ xa, chưa kể VNG Games có nhiều văn phòng ở các nước để phát hành game ở thị trường SEA như Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông - Đài Loan, Singapore - Malaysia… Việc hạn chế đi lại trong mùa dịch đã có một chút khó khăn khi điều hành và chạy các chiến dịch marketing ở các nước đó”.

Đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, các nhà phát hành game cũng không nằm ngoài “cuộc chiến” thích ứng an toàn với đại dịch như doanh nghiệp ở những ngành nghề, lĩnh vực khác. Quan tâm tới sức khỏe CBNV nhiều hơn, lên các kịch bản “bình thường mới” khi trở lại văn phòng… có lẽ là những biện pháp nhiều nhà phát hành đã triển khai.

Đại diện nhà phát hành Funtap nói về giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh của đơn vị: “Sức khỏe của đội ngũ là mối quan tâm hàng đầu đối với chúng tôi. Từ năm 2020, khi dịch mới manh nha ở một số địa phương, Funtap đã ngay lập tức triển khai các hoạt động phòng dịch như trang bị thiết bị đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn tay, tăng cường truyền thông, yêu cầu CBNV đeo khẩu trang toàn thời gian tại văn phòng… Trong các giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội, 100% nhân sự Funtap ở cả Hà Nội và TP HCM phải làm việc tại nhà, các hoạt động thường xuyên được chuyển sang môi trường trực tuyến. Hiệu quả thì chúng tôi đánh giá không thể bằng các hoạt động tương tác trực tiếp được, nhưng rõ ràng doanh nghiệp phải tiếp tục thích nghi”.

Để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2021, SohaGame đã đưa ra hàng loạt biện pháp như không thuê diễn viên ngoài mà thay vào đó người nhà đóng TVC, không tương tác trực tiếp mà họp tại nhà, gửi thực phẩm tiếp tế đến nhà CBNV. “Giữ vững tinh thần là điều tiên quyết giúp SohaGame vững vàng bước qua đại dịch. 100% nhân sự làm tại nhà với 100% nhiệt huyết và trách nhiệm, đảm bảo dù làm online hay offline cũng đều follow công việc, hoàn thành đúng tiến độ.”, đại diện SohaGame đúc kết.

VTC Game trong năm 2021 cũng đã có các giải pháp khắc phục ảnh hưởng từ đại dịch như đẩy mạnh hoạt động online bằng cách phát triển tối đa các sự kiện, giải thưởng online lớn để tri ân người chơi; hạn chế các hoạt động phát triển thị trường, offline; tập trung nghiên cứu insight khách hàng để điều chỉnh các kế hoạch phát triển game phù hợp; đẩy mạnh hoạt động cộng đồng FAM, Bang, Guild. Đại diện VTC Game tự tin khẳng định đơn vị có hệ thống FAM, Guild vô cùng đoàn kết và lớn mạnh một phần cũng nhờ các hoạt động cộng đồng vẫn được đẩy mạnh trong năm qua.

Không chỉ tích cực chống dịch tại nơi làm việc, nhà phát hành VNG còn có những hoạt động hỗ trợ cộng đồng chống dịch trong năm 2021. Một số hoạt động tiêu biểu  như cộng đồng game thủ ZingPlay đóng góp 350 bộ đồ bảo hộ phòng hộ cấp độ 3 và 3.000 khẩu trang N95 cho Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh; chương trình "Võ Lâm truyền lửa - Cùng vượt đại dịch" tài trợ máy thở, laptop và túi thuốc an sinh hỗ trợ nhiều tỉnh, thành chống dịch của cộng đồng Võ Lâm Truyền Kỳ…

Đại dịch đã không ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển của thị trường game sang nền tảng mobile, thậm chí có thể khiến xu hướng này còn được đẩy mạnh hơn khi thói quen của người dùng trong những năm ảnh hưởng bởi đại dịch, việc chơi game mobile dần phổ biến và thu hút được nhiều người chơi mới. Tính chất tiện lợi, chơi mọi lúc mọi nơi, không cần phải đến các tụ điểm chơi như game trên PC, Console tạo nên thế mạnh vượt trội cho game mobile. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung này, khi mọi chỉ số về lượt tải, số lượng game đều tăng mạnh so với các năm trước, Việt Nam được coi là một trong những khu vực chi mạnh tay nhất cho những trò chơi trên mobile và PC.

Theo báo cáo của We are social có 92% người Việt Nam đã từng chơi game trên ít nhất một thiết bị, trong đó chủ yếu chơi game trên smartphone (85%), PC (44.4%), Tablet (22.6%), Console (8.6%).Thống kê từ Newzoo cho thấy tổng doanh thu game đã đạt 180,3 tỷ USD, trong đó các tựa game mobile trong năm 2021 đạt tới 93 tỷ USD. Các tựa game doanh thu cao có thể kể đến như: PUBG Mobile, Genshin Impact, Garena Free Fire, Liên Quân Mobile, Tốc Chiến...

Tại thị trường Việt Nam trong năm 2021 là một năm game mobile bùng nổ, theo thống kê của đã có hơn 120 tựa game mới được ra mắt trong đó có khoảng 108 tựa game mobile đến từ nhiều nhà phát hành lớn nhỏ như: VTC Game, VNG, Funtap, SohaGame, Gamota, GOSU… Một số các tựa game mobile nổi bật trong năm 2021 như: Lumia Saga, Gun Star, Nhất Mộng Giang Hồ, Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile, Phong Khởi Trường An, Linh Giới 3D, Viễn Chinh Mobile, Tuyệt Kiếm Cổ Phong,...

Năm 2021 Funtap đã ra mắt một số tựa game mới ấn tượng như Linh Giới 3D, MU Kỳ Tích, Thần Kiếm Mobile,… Đại diện nhà phát hành Funtap đánh giá: “Trước những bất lợi của thị trường, đội ngũ của Funtap đã nỗ lực rất lớn để duy trì nhịp độ phát hành sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu của người chơi trong thời gian ở nhà phòng dịch”.

Chỉ riêng quý 2 và 3/2021, Funtap đã cho ra 13 tựa game, dẫn đầu thị trường về số lượng game mới ra mắt.

Về phần nhà phát hành VNG năm 2021 đã phát hành 8 game trong nước (7 game mobile,1 game PC) và 4 game tại thị trường nước ngoài (đều là game mobile). Các tựa game mới của VNG đều đạt được những thành công lớn với nhiều người chơi tham gia trải nghiệm, có thể kể đến như Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile đạt hơn 1 triệu lượt cài đặt chỉ tính riêng trên Google Play Store. Ở thị trường nước ngoài, VNG cũng đạt được các con số không nhỏ khi phát hành các tựa game có sức hút cũng như chất lương, lấy ví dụ ở Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile tại Đài Loan, game mở website đăng ký trước từ đầu tháng 11/2021, tới nay đã ghi nhận gần 1.000.000 lượt đăng ký. Nhìn chung VNG vẫn giữ được thế mạnh với các tựa game online nhập vai kiếm hiệp, Tam Quốc, với việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước cũng như cho ra các sản phẩm game chất lượng cao, VNG vẫn đang là nhà phát hành hàng đầu tại thị trường game nước nhà trong năm 2021.

Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile là sản phẩm bom tấn trong năm 2021 đến từ NPH VNG

Năm 2021, là một năm khá trầm lắng với NPH SohaGame đã ra mắt tổng cộng 17 tựa game trong năm 2021, tuy nhiên cũng trong năm nay Soha Game cũng “khai tử" 7 tựa game kinh doanh không hiệu quả, đa phần là game mobile.

Viễn Chinh Mobile là sản phẩm chủ lực trong năm 2021 của SohaGame

Trong năm 2021, VTC Game đã tung ra các sản phẩm game: Lumia Saga, UFC Siêu Sao Bóng Đá, Gun Star, Dragon Saga và hợp tác phát hành các sản phẩm chất lượng như Ragnarok Online, Garden Scape,... Trong đó, sản phẩm được đánh giá nổi bật nhất là UFC Siêu Sao Bóng Đá. Trong ngày ra mắt, UFC Siêu Sao Bóng Đá mở gần 30 server để chào đón game thủ và tới hiện tại, đã có gần 100 server cho UFC Siêu Sao Bóng Đá. Đây cũng là sản phẩm mũi nhọn, có chỉ số tăng trưởng mạnh trong năm qua.

UFC Siêu Sao Bóng Đá giúp NPH VTC Game gặt hái được nhiều thành công trong năm 2021

Bên cạnh đó VTC Game hiện vẫn là NPH thống lĩnh dòng game nhảy Casual Dancing với tựa game Audition đã hơn 16 năm. Trong năm 2022, VTC Game sẽ tiếp tục ra mắt các sản phẩm Game Online chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của giới trẻ Việt Nam.  Các sản phẩm VTC Game có thế mạnh, như các dòng sản phẩm Casual Dancing, eSport, MMORPG Openworld,... tất nhiên sẽ là sự ưu tiên hàng đầu, ngoài ra việc mở rộng sang các mảng mới khác như Game đa nền tảng - đa màn hình,Webtoon… cũng là hướng đi sắp tới của VTC Game.

Những con số thống kê “khủng” cho thấy game mobile vẫn đang phát triển rất mạnh trong năm 2021. Tuy ở thị trường Việt Nam chưa có nhiều những con số thống kê cụ thể nhưng với số lượng game mobile được tung ra áp đảo thì không khó để hình dung sức nóng của nền tảng mobile trong năm vừa qua.

Tại thị trường Việt Nam, game NFT là một khái niệm khá mới, chỉ vừa nổi lên trong mấy tháng cuối năm 2021. Đại dịch Covid-19 tạo cho nhiều người cơ hội tận dụng thời gian nhàn rỗi để tìm hướng đi mới và từ đó, làn sóng game NFT được rất nhiều nhà phát hành, nhà đầu tư cũng như game thủ lựa chọn.

Việt Nam đã lập tức gia nhập làn sóng game NFT mà nổi bật trong năm 2021 là tựa game NFT của Axie Infinity, được đánh giá là đưa game NFT Việt Nam vươn tầm thế giới với mức định giá lên 3 tỷ USD, biến chủ sở hữu là một 9x người Việt thành tỷ phú đô la khi còn rất trẻ. Axie Infinity dường như đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn và cực nhanh trong năm 2021 khi mà có hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội hàng trăm nghìn thành viên nở rộ suốt thời gian qua.

Nguyễn Thành Trung - "cha đẻ" tựa game Axie Infinity.

Đại diện Funtap nhận định: “Xu hướng NFT là xu hướng tất yếu khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Xu hướng này kết hợp 2 thứ được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn này, đó là Game và Finance. Vì vậy chúng tôi không ngạc nhiên khi nó hot đến vậy. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng cái gì dễ đến thì cũng dễ đi, hoặc biến đổi sang một trạng thái mới”.

Nhà phát hành cho rằng những điều dòng game NFT mang lại là hấp dẫn nhưng chỉ tiết lộ mức độ quan tâm của đơn vị là “nghiên cứu để học hỏi” với lý do: “Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch về việc phát hành dòng game này tại thị trường Việt Nam”.

Đánh giá về thị trường của dòng game rất mới này, đại diện nhà phát hành VTC Game có những nhận xét khá chi tiết: “Gamefi (tên gọi khác của game NFT - PV) trong thời gian qua tại Việt Nam đã có sự bùng nổ về số lượng sản phẩm, đưa Việt Nam vào top đầu thế giới về lĩnh vực này. Do phát triển quá nóng, nhiều các sản phẩm Game NFT trên nền tảng blockchain giai đoạn vừa qua có chất lượng chưa tốt, tình trạng "Scam" còn xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá, thị trường Gamefi tại Việt Nam sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ trong thời gian tới. Chỉ những sản phẩm thật sự chất lượng được làm ra bởi những team thực sự có tâm, hướng tới cộng đồng, đảm bảo cân bằng tốt giữa yếu tố giải trí "Play" và yếu tố tài chính "Earn" mới  có thể tồn tại được. Và các ông lớn trong ngành Game có lẽ sẽ không đứng ngoài xu hướng này.

VTC Game tất nhiên sẽ không đứng ngoài xu thế sử dung công nghệ Blockchain cho các sản phẩm - dịch vụ của mình. Nhưng tham gia ở mức độ như nào thì mục tiêu cuối cùng của chúng tôi cũng là tạo ra những dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn hướng tới những khía cạnh khác như giáo dục - sức khỏe - kết nối, nhằm hướng con người tới cuộc sống có những giá trị tốt hơn, rồi mới tính đến yếu tố tài chính”.

Trái ngược với sự dè dặt của các nhà phát hành trong nước, sự thành công của Axie Infinity dường như đã khiến cả những người chơi và các nhà phát triển game tại Việt Nam đều dành sự quan tâm rất lớn cho thể loại game NFT. Có thể thấy thị trường game Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với các dự án game NFT lần lượt ra mắt gần đây như Thetan Arena, The Parallel, Gunstar, Bomb Crypto…

Liệu 2022 sẽ là năm của game NFT? Dấu hiệu của sự bùng nổ thị trường game NFT bắt đầu bằng sự quan tâm và ủng hộ của game thủ và các nhà đầu tư. Một ví dụ điển hình có thể kể tới như tựa game Thetan Arena đã đạt hơn 6 triệu người chơi chỉ sau 15 ngày ra mắt.

Game NFT quả là một thị trường màu mỡ, nơi mà các nhà phát triển, nhà đầu tư cũng như game thủ có thể sẽ hướng tới trong năm 2022 bởi tiện ích của nền tảng công nghệ blockchain, giá trị vật chất mang lại cho người chơi và tính giải trí khi trải nghiệm game. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức lớn của các tựa gane NFT là rào cản về pháp lý tại Việt Nam khi tiền điện tử hay coin không được công nhận là hợp pháp và rủi ro về thị trường bấp bênh có thể khiến người chơi trắng tay nếu không tỉnh táo.

Mặc dù khó khăn về dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nhiều sự kiện, giải đấu cũng như hoạt động của nhiều nhà phát hành, đơn vị vinh doanh game tại Việt Nam nhưng chỉ khiến thành quả đạt được của ngành game giảm sút chứ không làm những thành công trở nên bé nhỏ. Với hàng loạt tựa game lớn nhỏ được ra mắt, mảng game mobile trong năm 2021 đã tiếp tục tăng trưởng mạnh, các tựa game lớn vẫn duy trì ổn định với nhiều giải đấu hồi sinh dịp cuối năm cũng một số giải đấu đã chuyển đổi sang hình thức online… Những con số về doanh thu, lợi nhuận sẽ minh chứng cho điều khi các nhà phát hành công bố đầy đủ thông tin năm 2021.

Với đà tăng trưởng trong năm 2021 bất chấp đại dịch, có thể dự đoán năm 2022 sẽ là một năm bứt phá mạnh của ngành game khi các điều kiện phát triển sẽ còn được thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt là việc đại dịch đang dần được khống chế. Chúc cho các nhà phát hành, các nhà sản xuất và phát triển sẽ có một năm mới ăn nên làm ra để đưa tới game thủ những tựa game chất lượng nhất!

Viết bình luận