Dù đầu tư mạnh tay nhất LCK – ngang ngửa HLE – nhưng thành tích của ĐKVĐ CKTG T1 lại cực kỳ bất ổn từ đầu mùa.
Đồng tiền chi phối mọt mặt của đời sống xã hội và thể thao cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngay cả thể thao điện tử mới phát triển cũng nhờ vào số tiền khổng lồ mà các nhà đầu tư đổ vào với rất ít hy vọng kiếm lời nhưng lại có thể quy đổi thành chiến thắng và danh hiệu. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi bạn nhìn vào giải đấu LMHT số một Hàn Quốc, LCK với Hanwha Life Esports là minh chứng rõ ràng nhất. Tổ chức này đã mua lại ROX Tigers rồi đổi tên thành HLE trước thềm LCK Mùa Hè 2018. Và sau sáu năm, cuối cùng HLE cũng đoạt được chiến tích đầu tay tại LCK Mùa Hè 2024. Trong những ngày đầu mua lại ROX, tổ chức tập trung vào việc nuôi dưỡng các tài năng trẻ và đã trải qua vô số thử nghiệm mà hầu hết là sai lầm. HLE đạt thành tích tốt nhất từ đó đến giờ chỉ là lọt vào Tứ kết Chung kết Thế giới 2021.
Tổ chức buộc phải mạnh dạn thay đổi nếu muốn có thành công. Và rồi họ đã bỏ qua chính sách “ươm mầm” sang đầu tư. Đến năm ngoái, HLE đã chi ra những khoản tiền lớn để mua lại hợp đồng của hai nhà vô địch thế giới Viper từ EDward Gaming và Zeka từ DRX. Nhưng rồi họ vẫn chưa đủ tiềm lực cạnh tranh và thất bại toàn tập ở mùa giải 2023. HLE lại tiếp tục “chơi lớn” khi chiêu mộ ba tuyển thủ vô địch ba lần LCK liên tiếp ngay đầu mùa giải 2024 từ Gen.G gồm Peanut, Doran và Delight. Theo báo cáo của giới thạo tin Hàn Quốc, HLE đã “dốc hầu bao” 10 tỷ Won (gần 185 tỷ đồng) để hoàn thiện đội hình vô địch LCK hiện tại.
Đúng là cái gì cũng có cái giá của nó khi HLE trải qua mùa giải thành công nhất từ khi tổ chức thay đổi tên thương hiệu. Dấu hiệu khả quan bắt đầu đến ngay từ vòng bảng LCK Mùa Xuân 2024, HLE đạt thành tích 15-3 và về đích hạng ba chung cuộc sau playoffs. Sang đến Mùa Hè 2024, HLE đứng nhì vòng bảng và vượt qua một loạt thách thức khó nhằn từ T1 và GEN để nâng cúp vô địch. Không chỉ HLE mà các đội tuyển khác trong top 5 LCK mùa này cũng đã phải bỏ ra “tiền tấn” để duy trì thế cạnh tranh. “Chúng tôi được biết rằng HLE đã chi hơn 10 tỷ Won. Khoản đầu tư này đã được đền đáp xứng đáng. T1 cũng chi nhiều tương tự HLE và chúng tôi nghe tin GEN đã bỏ 7-8 tỷ Won, Dplus KIA khoảng 6 tỷ Won còn KT khoảng 3 tỷ Won” – một quan chức trong đội ngũ vận hành LCK nói với Sports Seoul.
Trên diễn đàn fmkorea, cộng đồng mạng Hàn Quốc cũng loan tin cho rằng T1 đã chi ra 15 triệu USD để giữ chân đội hình vô địch CKTG 2023. Trong đó, huyền thoại sống kiêm đội trưởng Faker nhận 7-8 triệu USD. Nếu thật vậy, mức lương hiện tại của Faker đang gấp đôi ngôi sao sáng nhất của HLE, Viper, người được cho là “đút túi” khoảng 4 triệu USD/năm. OKSavingsBank BRION – đội tuyển xếp bét tại LCK Mùa Hè 2024 khi chỉ thắng 2/16 trận đấu ở vòng bảng. “Chúng tôi biết rằng số tiền BRO chi ra bao gồm cả lương tuyển thủ và HLV là khoảng 1 tỷ Won” – người này tiết lộ thêm. Điều này chứng tỏ rằng thể thao điện tử luôn trung thành với logic thế giới vận hành.
KT – tập đoàn viễn thông hàng đầu và lọt top 12 trong giới kinh doanh Hàn Quốc – dù là công ty mẹ nhưng không còn mặn mà với đội tuyển LMHT. KT đang tích cực phát triển hoạt động kinh doanh tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông nhưng esports (môn thể thao đang được coi là tương lai của giới trẻ) bị tụt hậu. Họ đang thực hiện chính sách cắt giảm toàn bộ chi phí dẫn đến nghi ngờ rằng KT chỉ đang nuôi đội tuyển LMHT cho lấy lệ, làm hình ảnh chứ không còn thiết tha. Lee Ho-sik - Giám đốc Điều hành KT Sports – từng tuyên bố hồi đầu mùa rằng: “Chúng tôi sẽ quan tâm và ủng hộ thể thao điện tử nhiều hơn.” Lời nói không đi kèm với hành động khiến KT đạt đúng thứ hạng mà họ đã đầu tư so với các đối thủ hàng dầu khác – top 5 LCK và cũng ở nhà xem CKTG 2024.
Viết bình luận