Hãy cùng nhìn lại 10 sản phẩm công nghệ thất bại nhất trong 10 năm qua được tổng hợp bởi Business Insider nhé.
1. HD DVD
Được ra mắt vào năm 2002 bởi Toshiba và NEC, HD DVD được xem là người kế thừa hoàn hảo cho DVD với dung lượng lưu trữ cao hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà Sony phát triển và thai nghén Blu-ray.
Và thế là trận chiến giữa HD DVD và Blu-ray đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Với thế mạnh của PS3 cũng như mối quan hệ với giới truyền thông, Sony đã dễ dàng thuyết phục được các hãng phim lớn trên thế giới sử dụng chuẩn đĩa Blu-ray của họ. Thế nên vào năm 2008, cuối cùng Toshia cũng đã chào thua và coi như mất trắng số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.
2. Google Lively
Đây là một ví dụ cho sự đua đòi không đúng chỗ. Sau khi thấy sự thành công của Second Life - một thế giới thực tế ảo 3D thương mại của Linden Lab, Google cũng cho ra mắt Lively vào năm 2008. Tuy nhiên trông Lively chỉ như một phòng chát ảo chạy Adobe Flash trên nền web mà thôi.
Rõ ràng vào thời điểm đó, một ứng dụng như Second Life còn khó cạnh tranh với Facebook nữa là Lively của Google. Chỉ vài tháng sau khi ra mắt, Lively đã bị gã khổng lồ này khai tử.
3. Microsoft Zune
Ai trong chúng ta cũng biết vào đầu những năm 2000, iPod của Apple đã thay đổi hoàn toàn thói quen nghe nhạc của chúng ta. Và vào năm 2006, Microsoft đã tạo máy nghe nhạc Microsoft Zune để cạnh tranh lại với iPod.
Ngay từ khi ra mắt, dù được đánh giá cao nhưng với chiến lược marketing kém, sự thay đổi chậm chạp cũng như không được ủng hộ từ các hãng thu âm, Microsoft Zune tỏ ra lép vế hơn rất nhiều so với iPod. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại được 6 năm và được bị Microsoft khai tử vào năm 2012.
4. Windows Phone
Nền tảng Windows Phone được Microsoft ra mắt chậm hơn 3 năm với iOS và 2 năm so với Android. Đây là một bất lợi lớn của gã khổng lồ Windows khi người dùng smartphone và cả các lập trình viên đều đã quá quên với hai nền tảng còn lại.
Dù đã nỗ lực và mua lại mảng thiết bị cầm tay của Nokia vào năm 2013, thế nhưng tình hình của các thiết bị sử dụng Windows Phone cũng không khá hơn là bao nhiêu. Hiện thị phần của Windows Phone chỉ chiếm chưa tới 1% toàn cầu.
5. BlackBerry Storm
Khi iPhone mới ra mắt, BlackBerry vẫn cho rằng người dùng doanh nghiệp chỉ thích dùng bàn phím cứng và bác bỏ ý tưởng về một thiết bị cảm ứng. Sau khi iPhone bắt đầu được các doanh nghiệp lựa chọn thì BlackBerry mới thay đổi khi tạo ra Storm.
Storm là mẫu smartphone màn hình cảm ứng có bàn phím ảo tương tác phản hồi vật lý như bàn phím thật. Tuy nhiên ý tưởng kỳ quặc này đã tận diệt BlackBerry và khiến công ty này suy thoái. Vào năm ngoái, BlackBerry đã nhượng lại quyền sản xuất điện thoại cho một đơn vị ở Trung Quốc.
6. HP Touchpad
Ra mắt với mục đích cạnh tranh với iPad của Apple vào năm 2011, đây có thể nói là một nước đi mạo hiểm của HP trước gã khổng lồ ngành công nghệ.
Không hiểu vì lý do gì, HP bất ngờ tuyên bố ngừng hỗ trợ tất cả các thiết bị chạy WebOS (bao gồm Touchpad) chỉ 1 tháng sau để rút chân khỏi thị trường di động. Toàn bộ máy tồn kho được thanh lý với giá 99 USD, tính đến nay đây vẫn là một trong những sản phẩm có vòng đời ngắn nhất trong lịch sử.
7. Facebook Home
Facebook Home là một launcher dành cho Android cho phép lướt News Feed, xem thông báo, đăng nội dung ngay từ màn hình chính. Màn hình khóa cũng tích hợp thông báo từ Facebook và các ứng dụng khác.
Facebook Home rõ ràng là nỗ lực tiếp cận của Facebook vào một nền tảng di động mà không cần tạo hệ điều hành riêng, song Facebook Home bị đánh giá thấp do hiệu năng, tốc độ xử lý, tính tương thích và những lo ngại về vấn đề riêng tư. Sự thất bại này khiến Facebook quay lại phát triển và biến Messenger thành một nền tảng thực sự.
8. Google Glass
Từng là một sản phẩm rất được trông đợi của Google và đến nay đã lặn mất tăm. Từng được những chuyên gia công nghệ nhận định là nền tảng điện toán lớn tiếp theo, nhưng Google lại không nghĩ đến sự riêng tư khi tích hợp camera lên mặt người dùng.
Google Class đã bị cấm ở rất nhiều cơ quan và các doanh nghiệp. Một điểm nữa là mức giá quá cao khó cho người dùng tiếp cận. Google đã dừng phát triển sản phẩm này vào năm 2015, nhưng hứa sẽ ra mắt thế hệ tiếp theo vào thời gian tới.
9. Amazon Fire Phone
Sau sự thành công của dòng tablet Kindle Fire vào năm 2014, Amazon đã rất tự tin khi ra mắt Fire Phone. Tuy nhiên với một thiết kế tầm trung và không có điểm nổi trội, chiếc điện thoại này đã khiến cho Amazon lỗ tới 170 triệu USD và rồi khai tử trong năm 2015.
10. Samsung Galaxy Note 7
Cái tên cuối cùng cũng là cái tên gây ra nhiều tiếc nuối nhất cho người hâm mộ. Galaxy Note 7 có tất cả mọi thứ mà một Flagship trông đợi, cấu hình mạnh, màn hình lớn, bút thần thánh....
Thế nhưng thảm họa đã xảy ra khi những chiếc Galaxy Note 7 này bắt đầu phát nổ do pin. Sự cố này khiến Samsung lỗ tới 2,3 tỷ USD trong quý tài chính thứ 3. Ra mắt trong tháng 8 và bị khai tử ngay trong tháng 10 năm ngoái, đây thực sự là một sự cố đáng tiếc của một flagship được đánh giá tuyệt vời nhất 2016.
Viết bình luận