Bàn phím cơ: Những điều cơ bản cần biết (Phần 2)

Shinosuke 03/03/2017 08:56

(Game8) - Trong phần 2 này, chúng ta sẽ cùng điểm qua những loại switch đang xuất hiện trên thị trường hiện nay và công dụng của chúng.

1. Cherry MX 

Không ai chơi phím cơ lại không biết đến Cherry, nhà sản xuất đến từ Đức. Đã có thời khi nói đến phím cơ thì chúng ta sẽ nghĩ đến Chery và ngược lại. Tuy hiện nay đã xuất hiện rất nhiều loại switch khác thế nhưng Cherry vẫn luôn được ưa chuộng nhất bởi cả những nhà sản xuất phím lẫn người dùng, trong đó Cherry MX là được ưa chuộng hơn cả.

Đây là loại phím gồm một cặp tiếp điểm (Single pole single throw) thường mở (normally open) chỉ được đóng tạm thời khi nhấn phím còn trong trạng thái bình thường thì tiếp điểm mở và dòng điện bị ngắt không đi qua được. Hiện nay có ba loại switch Cherry bán ra:

  • Brown switch (Tactile): Một trong những phiên bản phổ biến nhất hiện nay, Brown switch có lực nhấn tương đối nhẹ 45g và tuổi thọ trung bình lên đến 50 triệu lần nhấn. Đây là loại switch đang rất được ưa chuộng vì cảm giác gõ tốt mà lại không qua ồn.
  • Blue switch (Clicky): Nhận biết Blue switch rất dễ vì nó tạo ra âm thanh khá lớn với tiếng lạch cạnh khi gõ. Lực nhấn của Blue cũng lớn hơn Brown switch là 55g và cùng sở hữu trung bình 50 triệu lần nhấn.
  • Red switch (linear): Rất nhẹ và êm, Red switch sở hữu cho mình 45g lực nhấn và không có xúc giác. Chỉ đơn giản khi bạn nhấn phím xuống chúng sẽ phản hồi và tạo một lực đẩy trở lại với tay bạn mạnh hơn, giống như việc bạn ấn một chiếc lò xo vậy.

Trong khi Blue switch rất thích hợp với những ai thích trải nghiệm gõ phím tốt hơn thì Brown và Red lại khá được game thủ ưa chuộng do lực ấn khá nhẹ, đỡ mỏi tay hơn và không bị tiếng ồn khá khó chịu như Blue.

2. Buckling Spring

Switch được phát triển bởi IBM với hai model là M và F. Cả hai loại này đều có một khung chỉ cho phép phím di chuyển theo chiều lên xuống. Phía bên trong là một lò xo kết nối mũ phím (keycap) và một cái búa ngay phía trên một tấm màng, tấm màng này kết cấu tương tự như trong bàn phím màng cao su. 

Khi một phím được nhấn, lực nén lên lò xo được đặt lệch tâm từ trước làm lò xo cong về phía thành khung phím chạm vào tạo thành tiếng kêu đồng thời làm làm búa quay xuống tạo ra một kết nối. Tương tự trong phiên bản điện dung khi búa quay xuống sẽ làm thay đổi điện dung và được ghi nhận là nhấn phím.

3. Alps Variants

Alps Electric Co làm ra một chuỗi các sản phẩm điện tử bao gồm một biến thể phím cơ dùng cho bàn phím. Chúng được tìm thấy hầu hết trong các bàn phím cổ điển. Đã có những thay đổi về loại, phong cách và thiết kế chính trong những năm qua.

Phím ALPS rất phức tạp và bao gồm nhiều phần. Thậm chí cái được gọi là đơn giản nhất của phím ALPS cũng phức tạp hơn hầu hết loại khác. Vì thế mình sẽ chỉ giới thiệu qua ở đây, nếu muốn tìm hiểu sau hơn các bạn có thể tra cứu thêm trên mạng nhé.

4. Topre Capacitive RD

Topre là một công ty của Nhật với thương hiệu bàn phím cơ Realforce cực kỳ đắt đỏ, dòng sản phẩm mới hơn là Type Heaven có giá thành mềm hơn nhưng vẫn ở mức cao trong khi thiết lại khá cổ điển hay nói quá lên một chút là thô kệch. Tuy vậy mảng linh kiện hay cụ thể hơn là nút nhấn Topre của họ thì rất chất lượng và ngày càng có nhiều người lựa chọn hơn khi có độ bền đến 50 triệu lần bấm kèm lực nhấn chỉ 45g.

So về độ bền thì Topre không hề thua kém gì với Cherry MX cả và các nhà sản xuất bàn phím khác cũng bắt đầu mua các nút này về dùng cho sản phẩm của mình, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt hơn và có giá thành mềm mại hơn do phần lớn bàn phím còn lại không “made in Japan”.

5. Kailh switches

Kailh switches là một sản phẩm của Kaihua Electronics Co., Ltd. Trụ sở công ty họ đặt tại Quảng Đông-Trung Quốc. Giống như Cherry, Kaihua cũng sản xuất công tắc, cảm biến,… tất nhiên họ cũng làm luôn cả Switches cho bàn phím cơ nữa, họ đặt tên là Kailh switches.

Về mặt cấu tạo thì Cherry switches và Kailh không khác gì nhau cả. Khác nhau chắc là công nghệ sản xuất và độ sai số của sản phẩm (Theo công bố của Kailh thì sản phẩm của mình có lực nhấn 50g, 60g +- 15g).​

Bên cạnh những cái tên nổi bật trên, switch của phím cơ còn có một số sản phẩm khác đến từ chính các hãng phát triển gaming gear. Tuy nhiên phần lớn chúng đều được làm lại dựa trên các nguyên tác ban đầu của 5 loại switch kể trên. Ngoài ra cũng còn những cái tên khác không phổ biến bằng, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về các switch của bàn phím cơ tại đây.

Viết bình luận