Vì sao các nhân vật hoạt hình Disney luôn phải chịu cảnh mồ côi mẹ?

Oda 11/10/2018 16:53

MỤC LỤC [Hiện]

Tuổi thơ và thành công vang dội

Walt Disney thuở bé với mẹ và em gái

Walt Disney là cha đẻ của loạt phim hoạt hình gắn liền với tuổi thơ bao trẻ em trên toàn thế giới và còn là người tạo ra những công viên giải trí cực kỳ nổi tiếng được coi là thiên đường vui chơi của không chỉ trẻ em mà cả những người đã trưởng thành. Tuy nhiên ít ai biết rằng, đằng sau những hình ảnh vui nhộn, tươi sáng nhất mà ông tạo ra đó lại là những sự thật đau buồn trong cuộc sống riêng.

Sinh ngày 5 tháng 12 năm 1901, Walter Elias Disney lớn lên trong một gia đình có 5 người con với cha là Elias còn mẹ là Flora Call Disney ở Chicago và Marceline, Missouri. Từ nhỏ ông đã yêu thích vẽ vời và sớm tỏ ra rất có năng khiếu trong bộ môn này. Thế là đến tuổi đi học, Disney tham gia vào tất cả các lớp dạy vẽ và thậm chí còn từng vẽ họa báo cho một tờ báo tại trường học. Sau khi tốt nghiệp, Walt Disney trở thành lái xe cứu thương cho hội Chữ Thập Đỏ trong vòng 1 năm ở Pháp rồi sau đó ông quay lại nước Mỹ, làm họa sĩ chuyên vẽ tranh minh họa cho các tờ báo và hãng quảng cáo và bắt đầu tìm hiểu vẽ tranh trên những tấm giấy bóng. Sau thất bại từ studio đầu tiên, ông cùng anh trai Roy chuyển đến Hollywood và mở Disney’s Brother studio.

Hai anh em Walt và Roy bên cạnh chuột Mickey và tượng vàng Oscar đầu tiên.

Phim hoạt hình ngắn đầu tiên của họ, Steamboat Willie đã mang hình tượng chuột Mickey, do chính Walt lồng tiếng đến với thế giới. Sau đó, ông tiếp tục sản xuất các phim hoạt hình khác và thực sự đạt đến đỉnh cao với bộ phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Đây là phim hoạt hình dài tập đầu tiên được vẽ trên giấy trong suốt của ông. Nhưng trước đó, ông đã vấp phải sự nghi ngờ từ gia đình, những người xung quanh và cả người anh trai vẫn luôn kề vai sát cánh. Người ta thậm chí còn gọi ông là gã Disney điên rồ.

Ngay từ nhỏ, Walt Disney đã có năng khiếu ở môn vẽ.

Tuy nhiên, chính bộ phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn đã mang lại cho Walt Disney thành công vang dội, rực rỡ với doanh thu lên đến 1,5 triệu USD tại Mỹ và 8 triệu USD trên toàn thế giới mặc dù lúc đó nước Mỹ đang phải vật lộn với thời kỳ khủng hoảng. Ngày nay, nó vẫn nằm trong top 10 bộ phim ăn khách nhất từ trước tới nay và là một trong những tên tuổi "nhãn tiền" của Disney.

Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn là bộ phim Disney thành công vang dội.

Bạch Tuyết và bảy chú lùn còn được đề cử giải Oscar cho nhạc phim hay nhất năm 1938 và trong năm sau đó, Disney được trao giải thưởng Danh dự nhờ "nỗ lực đổi mới đáng chú ý đã mê hoặc hàng triệu người và đi tiên phong trong lĩnh vực phim hoạt hình". Viện Hàn lâm thậm chí còn tặng Disney 8 bức tượng - 1 tượng toàn thân và 7 chiếc tượng nhỏ hơn tượng trưng cho Bạch Tuyết cùng 7 chú lùn. Ngày này, những chiếc tượng đó vẫn được trưng bày ở Bảo tàng gia đình Walt Disney, San Francisco.

Walt Disney được trao tặng một giải Oscar với bộ phim Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Sự ra đi đột ngột của người mẹ

Cha mẹ của Walt Disney: bà Flora và ông Elias Disney

Với những thành công đạt được, hai anh em Roy và Walt giờ đây đã thừa sức mua tặng cha mẹ họ một căn nhà ở North Hollywood nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Và thế là Elias cùng Flora rời Oregon để chuyển tới nơi ở mới. Thế nhưng không lâu sau đó, bà Flora than phiền với các con trai rằng, bà ngửi thấy một mùi rất lạ phát ra từ bếp.

Ngay lập tức, Walt cho người tới kiểm tra căn nhà của bố mẹ tuy nhiên người này không tìm ra vấn đề gì. "Nhưng mà cuối cùng cái bếp đó bị rò rỉ và mẹ của Walt đã qua đời", Don Hahn, nhà sản xuất của loạt phim Maleficent, Vua Sư tử, Người đẹp và Quái vật, đã kể lại với tờ Glamour năm 2014. "Sáng hôm sau người quản gia mới phát hiện và kéo hai ông bà nhà Disney ra ngoài".

Gia đình Disney trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà Elias - Flora

Hai người đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cuối cùng chỉ có ông Elias sống sót còn bà Flora đã ra đi mãi mãi ở tuổi 70, chưa đầy 1 tháng sau khi chuyển vào căn nhà mới.

Ám ảnh trong suốt quãng đời còn lại

Walt Disney bị ám ảnh tột độ bởi cái chết của mẹ mình và trong suốt cuộc đời sau này, ông hai lần bị suy nhược thần kinh nặng. "Ông ấy không bao giờ nói về chuyện đó, và cũng không ai nhắc lại cả," Hahn kể lại, "Sở dĩ là vì Walt cảm thấy có lỗi do khi đạt được thành công rực rỡ chính ông đã đề nghị mua căn nhà kia làm quà cho cha mẹ".

Walt Disney cảm thấy có lỗi trước cái chết của mẹ

Walt chỉ nghỉ có 1 ngày để làm đám tang cho mẹ và lao đầu vào công việc ngay sau đó. Nhưng mà kể từ lúc ấy trở đi, rất nhiều bộ phim của Disney đều xây dựng các nhân vật mồ côi mẹ. Một số người cho rằng, đó là phản ứng trong vô thức của ông trước cảm giác tội lỗi về cái chết của mẹ mình.

Trong suốt cuộc đời, Walt và Roy đã chuyển thể rất nhiều câu chuyện cổ tích mà trong đó nhân vật chính thiếu đi tình yêu thương từ cha mẹ và phải tự xoay sở trong suốt quá trình trưởng thành. Những nhân vật Disney tiêu biểu như vậy gồm có Cinderella, công chúa ngủ trong rừng, chú nai Bambi, cậu bé gỗ Pinnochio hay gần đây là chú cá Nemo và hai công chúa Elsa và Anna trong Frozen.

Rất nhiều nhân vật Disney lớn lên mà thiếu vắng hình bóng người mẹ

Hiện tượng này cũng thu hút sự chú ý của các học giả. Trong một lần chia sẻ với tờ Atlantic năm 2014, Sarah Boxman đã nói, "Thay vì xây dựng hình tượng người mẹ, Disney chỉ đưa ra hình ảnh người phụ nữ bị giam cầm và thậm chí phù phiếm".

Rất có thể suy nghĩ và cảm nhận của Walt Disney về cái chết đột ngột của mẹ mình đã khiến ông trở nên xa lạ với hình ảnh người mẹ trong suốt cả cuộc đời sau này.

Elsa và Anna trong Frozen cũng thiếu tình thương của mẹ từ nhỏ

 

(Theo Kênh 14)

Viết bình luận