Những bộ phim đình đám dính nghi vấn "chôm chỉa" kịch bản

Thor 28/01/2019 09:30

MỤC LỤC [Hiện]

1. Lion King / Kimba the White Lion

Theo Los Angeles Times, Lion King có nhiều điểm trùng hợp với Kimba the White Lion. Cả hai bộ phim đều có các nhân vật phụ giống nhau: một con chim lập dị, một con khỉ đầu chó khôn ngoan và một con linh cẩu điên. Chưa hết, trong bản phác thảo ban đầu, Simba cũng có bộ lông trắng giống như Kimba.

Đặc biệt, có một số phân cảnh giống nhau xuất hiện trong cả hai bộ phim. Bạn còn nhớ khi linh hồn của Mufasa xuất hiện trên mây để cho Simba lời khuyên về cuộc sống không? Cảnh quay đó là "vay mượn" từ Kimba the White Lion. Ngoài ra, trong Kimba the White Lion có tình tiết Claw, một con sư tử xấu xa chiếm ngôi khi Kimba đi vắng. Và Claw có một vết sẹo quanh mắt. Bạn có thấy quen không? Và cảnh mở đầu ở cả hai phim, Simba và Kimba đều đứng trên đá nhìn vương quốc của mình.

Các nhà sản xuất Kimba đã không kiện tụng mà thay vào đó, họ ca ngợi Disney: "Chúng tôi thấy The Lion King hoàn toàn khác với Kimba the White Lion và đây là tác phẩm gốc được thực hiện dưới công nghệ làm phim tuyệt vời của Disney".

2. Hunger Games / Battle Royale

Như tờ New Yorker chỉ ra, Hunger Games chứa phần lớn tình tiết của bộ phim Nhật Bản năm 2000Battle Royale. Cả hai đều nói về một xã hội đen tối, nơi trẻ em bị đưa vào những vòng thử thách sinh tử để giải trí cho những kẻ thống trị. Trong khi Battle Royale say sưa trong bạo lực, tàn bạo thì Hunger Games lại khai thác chủ đề này nhẹ nhàng hơn. Những đứa trẻ ở Hunger Games không thực sự muốn chiến đấu, ngược lại trong Battle Royale, chúng sẽ bắt lấy cơ hội ngay lập tức, vào bất cứ lúc nào.

Hai bộ phim với nội dung tương tự nhưng lại phân ra hai luồng tư tưởng khác nhau khi cái kết của Hunger Games thiên về sự tự do, độc lập còn kết thúc của Battle Royale đậm tính cố chấp, bi quan.

3. Alien / It! The Terror from Space

 

Alien bị tố ăn cắp ý tưởng từ bộ phim It! The Terror from Space. Nội dung đều kể về phi hành đoàn vũ trụ đang bị đe dọa và tấn công bởi một sinh vật ngoài hành tinh. Trong cả hai bộ phim, sinh vật này đều ẩn nấp trong một trục không khí, bị cản trở bởi một ống thổi, sau đó chết trong khoảng không vũ trụ.

Nhà sản xuất David Giler đã phủ nhận bộ phim Alien mượn ý tưởng, đồng thời ông nói rằng kịch bản ban đầu của biên kịch Dan O'Bannon rất khủng khiếp và không có gì khác ngoài một bản phim khoa học viễn tưởng thập niên 1950: "Tôi sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng Dan O'Bannon đã đánh cắp ý tưởng". Trên thực tế, kịch bản cuối cùng được viết phần lớn bởi chính Giler và những người khác mà không có tên O'Bannon.

4. Star Wars / The Hidden Fortress

Như BBC đưa tin, Star Wars của đạo diễn George Lucas sẽ gần như không tồn tại nếu không có bộ phim The Hidden Fortress năm 1958 của đạo diễn Akira Kurosawa. Ngay cả bản thân đạo diễn Lucas cũng thừa nhận sự ngưỡng mộ của mình đối với The Hidden Fortress, đặc biệt ở cách bộ phim này được tường thuật qua cái nhìn của hai nhân vật ở tầng lớp thấp nhất, cụ thể là hai người nông dân, trong khi với Star Wars, đó là hai chú người máy C-3PO và R2-D2.

Khán giả dễ dàng nhận thấy toàn bộ câu chuyện của Star Wars về cơ bản là câu chuyện của The Hidden Fortress trong không gian. Cả hai phim đều xoay quanh một cuộc nội chiến, tuyến nhân vật cũng tương đồng khi đều có một nhân vật phản diện, một nô lệ và một nàng công chúa cần được hộ tống trở về an toàn. Mặc dù vậy, Star Wars vẫn được đón nhận nhiệt tình. Bởi khán giả coi đó là tính ảnh hưởng, sự truyền cảm hứng khi đạo diễn Lucas vốn là người đam mê văn hóa võ sĩ đạo.

5. A Fistful of Dollars / Yojimbo

A Fistful of Dollars (1964) được coi là phiên bản làm lại của bộ phim Yojimbo (1961) do đạo diễn Akira Kurosawa thực hiện. Cả hai phim đều xoay quanh câu chuyện: một gã lạ mặt đến một thị trấn nhỏ nơi có hai phe đang tranh quyền kiểm soát nơi đây và gã quyết định nhân cơ hội này để kiếm "một nắm đô la".

A Fistful of Dollars giống Yojimbo đến mức, gã lạ mặt - nhân vật chính trong cả hai phim đều không có tên. Các góc quay cũng giống nhau khi sử dụng kỹ thuật quay cận mặt để thể hiện tính cách cũng như tâm lý nhân vật. Vì vậy, bạn có thể hiểu được lý do đạo diễn Kurosawa rất tức giận khi xem phim A Fistful of Dollars. Ông chia sẻ: "Đó là một bộ phim rất hay, nhưng đó là bộ phim của tôi".

Theo tạp chí Side B, Kurosawa đã giành phần thắng trong vụ kiện đạo diễn Sergio Leone ăn cắp ý tưởng. Leone phải trả cho Kurosawa 15% tổng doanh thu của A Fistful of Dollars cộng với 100.000 USD. Không giống như anh hùng trong phim của mình, Kurosawa không cần phải giết bất cứ ai để kiếm được một nắm (hay đúng hơn là một xe tải) đô la, ông chỉ làm một bộ phim hay đến mức Hollywood cũng phải "chôm chỉa".

 

(Theo Kiều Anh - Ione)

Viết bình luận