"Đổi gió" với loạt phim siêu anh hùng hấp dẫn không đến từ Marvel hay DC

xalotho 17/10/2020 16:18

MỤC LỤC [Hiện]

Darkman (1990): Trước khi được cả thế giới nhìn nhận như một ngôi sao hành động với loạt Taken, tài tử Liam Nesson thực tế từng vào vai một siêu anh hùng. Đó là Peyton Westlake - vị khoa học gia xuất sắc trở về từ cõi chết và tìm cách trả thù bọn cướp đã thiêu sống mình. Tuy không có siêu năng lực, nhưng Peyton có thể sử dụng gương mặt giả để trà trộn vào hang ổ kẻ thù, gây hoang mang cho chúng. Hạn chế nằm ở chỗ những chiếc mặt nạ ấy chỉ có thời gian tồn tại tương đối ngắn ngủi. Đây cũng là tác phẩm giúp đạo diễn Sam Raimi củng cố danh tiếng trước khi thực hiện Spider-Man sau này.

The Mask (1994): Được chuyển thể dựa trên nhân vật truyện tranh của Dark Horse Comics, The Mask là câu chuyện vui nhộn về anh chàng nhân viên ngân hàng Stanley Ipkiss (Jim Carrey) nhút nhát, vụng về. Kể từ khi tình cờ phát hiện chiếc mặt nạ của… Loki, cuộc đời Ipkiss thay đổi hoàn toàn. Đeo nó lên, chàng thanh niên trở thành người hùng hoang dã, phóng khoáng, sẵn sàng đối đầu với ông trùm Dorian Tyrel (Peter Greene). Điểm đáng chú ý là nếu như trên màn ảnh, The Mask hết sức hài hước nhờ Jim Carrey, thì nguyên tác truyện tranh có phần nặng nề, u ám hơn rất nhiều.

The Crow (1994): Đây là tác phẩm siêu anh hùng đen tối được nhiều người nhớ tới bởi tai nạn khiến Brandon Lee - con trai duy nhất của Lý Tiểu Long - qua đời trên trường quay vì tai nạn liên quan tới súng đạo cụ. The Crow mang đậm bầu không khí gothic với phần âm nhạc não nề, nội dung u ám. Nhân vật do Lee thủ vai trở về từ cõi chết để báo thù những kẻ đã giết chết vị hôn thê của mình. Trong nhiều năm qua, Hollywood ấp ủ kế hoạch remake bộ phim, nhưng các đạo diễn, tài tử cứ thế đến rồi đi. Công chúng đến giờ vẫn chưa biết tới lúc nào mới có cơ hội theo dõi The Crow phiên bản mới.

Unbreakable (2000): Sau The Sixth Sense, Unbreakable là cuộc hợp tác tiếp theo giữa đạo diễn M. Night Shyamalan và tài tử Bruce Willis. Kịch bản phim miêu tả cuộc đấu tranh tinh thần dai dẳng giữa hai nhân vật chính là David Dunn (Willis) và Elijah Price (Samuel L. Jackson). Họ đại diện các thái cực đối nghịch: mạnh và yếu, may mắn và bất hạnh, ước mơ và hiện thực. Dunn, kẻ “không thể bị quật ngã” và là vị anh hùng bất đắc dĩ, phải miễn cưỡng học cách đối diện với chính mình sau khi gặp gỡ Price - người đàn ông khốn khổ sớm bị bệnh tật bủa vây. Phim truyền tải thông điệp sâu sắc về định nghĩa anh hùng, lòng dũng cảm, cũng như đức tin con người.

The Incredibles (2004): Năm 2004, The Incredibles ra mắt và nhanh chóng được xếp vào nhóm tác phẩm đáng nhớ nhất của xưởng hoạt hình Pixar. Khai thác góc nhìn mới mẻ về số phận các siêu anh hùng sau lớp vỏ bọc người thường để che giấu danh tính, bộ phim mang đến cho khán giả câu chuyện hấp dẫn, mang đậm chất nhân văn, và thấm đẫm tình cảm gia đình. 14 năm sau phần, Disney cùng Pixar mới mang tới Incredibles 2. Nối tiếp thành công trong quá khứ, tập phim mới không chỉ tập trung vào cuộc sống gia đình của các siêu nhân, mà còn mở rộng ra nhiều vấn đề xung đột xã hội khác.

Hellboy II: The Golden Army (2008): Nếu phần đầu loạt Hellboy là sự cố gắng của Guillermo del Toro trong việc thu hẹp khoảng cách giữa thế giới truyện tranh đến từ Mike Mignola với khán giả, thì Hellboy II: The Golden Army chính là thế giới siêu anh hùng siêu thực đầy cuốn hút. So với phần đầu, nội dung Hellboy II được phát triển có chiều sâu và nhiều lớp lang hơn. Ngoài ra, bộ phim còn có sự xuất hiện của nhiều nhân vật thần thoại mà Mignola đã tạo ra trong truyện tranh. Tuy nhiên, đây thực tế là dự án không thành công về mặt doanh thu. Năm nay, thương hiệu “đứa con của quỷ” được làm mới hoàn toàn với ngôi sao David Harbour trong vai chính, cũng như nội dung không liên quan tới hai tập phim cũ của del Toro.

Kick-Ass (2010): Không giống như những bộ phim siêu anh hùng khác, nhân vật chính của loạt Kick-Ass - anh chàng Dave Lizewski (Aaron Taylor-Johnson) - không có năng lực gì đặc biệt, thậm chí còn kém cạnh so với bạn bè đồng trang lứa. Quá trình trở thành anh hùng của Dave luôn đi liền với sự so sánh với các siêu nhân tên tuổi trong truyện tranh. Điều đó vô tình làm bật lên phong cách “siêu nhân rởm” của anh chàng một cách vô cùng hài hước.

Megamind (2010): Không đi theo con đường thông thường của thể loại phim hoạt hình về người hùng, Megamind lấy nhân vật phản diện làm trung tâm câu chuyện. Phim có cách dẫn truyện khá hấp dẫn và lôi cuốn ngay từ phút đầu tiên khi kể về nguồn gốc đầy trái ngược giữa kẻ xấu Megamind và anh hùng Metro Man. Điều đó giúp Megamind mang đậm màu sắc châm biếm. Với nhân vật chính, gã hiện lên vô cùng hài hước bởi phong cách và giọng nói tưng tửng hết sức đặc trưng.

Chronicle (2012): Là tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Josh Trank, Chronicle từng nhận đề cử hạng mục Phim khoa học viễn tưởng xuất sắc tại sự kiện trao giải Saturn lần thứ 39. Ý tưởng câu chuyện về những thanh niên bỗng nhiên sở hữu năng lực siêu anh hùng, cùng kiểu làm phim "giả tài liệu" như ở Chronicle, là không mới. Nhưng Trank vẫn biết cách tạo ra sự khác biệt cho tác phẩm của anh. Bộ phim không đi sâu giải thích ba nhân vật chính có được năng lực từ đâu, mà tập trung khai thác việc họ sử dụng năng lực ra sao, và “món quà kỳ diệu” khiến cuộc sống, suy nghĩ của họ thay đổi thế nào. Chính điều đó khiến Chronicle trở nên vừa đen tối, vừa gần gũi.

Viết bình luận