7 bộ phim gây thất vọng lớn nhất nửa đầu năm 2019

Oda 01/07/2019 08:28

MỤC LỤC [Hiện]

Dumbo: Thất bại của Dumbo cho thấy không phải tác phẩm nào cứ cộp mác Disney cũng trở thành bom tấn phòng vé. Với dàn diễn viên tên tuổi gồm Michael Keaton, Eva Green, Colin Farrell, cùng bàn tay nhào nặn của đạo diễn Tim Burton, “nhà chuột” hứa hẹn mang đến làn gió mới cho nguyên tác 78 tuổi. Song, sự cải biên quá đà khiến Dumbo mất phương hướng trong việc nhắm đến đối tượng khán giả cụ thể. Trẻ em chẳng mấy hào hứng khi chú voi biết bay bị biến thành nhân vật phụ trong chuỗi mâu thuẫn dài hơi của người lớn. Song, nội dung phim cũng chẳng đủ sâu sắc hay hấp dẫn để lôi kéo khán giả trưởng thành ra rạp.

Hellboy: Sau 11 năm, hãng Lionsgate quyết định tái khởi động thương hiệu Hellboy mà không có sự góp mặt của đạo diễn Guillermo del Toro và ngôi sao Ron Perlman. Với nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi), đạo diễn Neil Marshall cùng tài tử David Harbour hứa hẹn đem đến tác phẩm nhuốm màu bạo lực, theo sát nguyên tác truyện tranh. Song, những gì người xem nhận được chỉ là một bộ phim có nội dung rời rạc, nhạt nhẽo. Những cảnh hành động tỏ ra thiếu hiệu quả bởi màu phim “tối như mực” và kỹ xảo yếu kém. Không có gì bất ngờ khi Hellboy bị chê tơi tả và thu vỏn vẹn 46 triệu USD.

The Curse of La Llorona: The Curse of La Llorona của Michael Chaves từng nhận được nhiều sự kỳ vọng bởi lời quảng cáo từ nhà sản xuất James Wan. Sau khi theo dõi bộ phim về mẹ ma xứ Mexico, đích thân Wan đã chọn Chaves cho ghế đạo diễn của The Conjuring 3. Song, có lẽ do quá chú trọng hù dọa khán giả, Michael Chaves đã bỏ quên phần kịch bản còn một chiều và thiếu điểm nhấn. Cách giải quyết mâu thuẫn quá đỗi dễ dàng so với truyền thuyết dân gian lâu năm của quốc gia Trung Mỹ. La Llorona có màn xuất hiện đáng sợ, nhưng chiêu trò hù dọa của nó ngày càng đi vào lối mòn ở cuối phim. Đây là bước lùi nghiêm trọng khiến sức hút của cả vũ trụ The Conjuring bị mai một.

The Hustle: Qua các trailer, The Hustle nhận nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả khi đây là “phiên bản nữ” của hai nguyên tác tương đối thành công Bedtime Story (1964) và Dirty Rotten Scoundrels (1988). Đặc biệt, sự góp mặt của Anne Hathaway và Rebel Wilson hứa hẹn tạo nên màn kết hợp bùng nổ trong thời điểm nữ quyền đang lên ngôi tại Hollywood. Tuy nhiên, thành phẩm chỉ là những pha chọc cười liên miên trên nền nội dung sơ sài, lãng xẹt. Chuyện phim cứ thế lan man đi vào những màn đấu đá giữa hai minh tinh. Thậm chí, cho tới cuối phim, tiếng cười cũng cứ thế nhạt dần bởi hàng loạt tình huống rập khuôn, sắp đặt.

Godzilla: King of the Monsters: Sau hai phần Godzilla (2014) và Kong: Skull Island (2017), người hâm mộ kỳ vọng Godzilla: King of the Monsters sẽ mang đến những màn đối đầu hoành tráng và mãn nhãn giữa Godzilla với Rodan, Ghidorah và Mothra. Cộng đồng fan ruột lại càng háo hức bởi đây là tác phẩm tạo tiền đề cho trận đại chiến giữa “vua các loài quái vật” với Kong vào năm sau. Đáng buồn thay, nội dung King of the Monsters quá dài dòng, lê thê. Những trận chiến giữa quái thú liên tục bị ngắt quãng bởi tuyến truyện rắc rối đến từ con người. Song, các nhân vật trong phim thực tế cũng chẳng được phát triển đến nơi đến chốn, với nhiều hành động phi lý. Một số chuyên gia từng lạc quan cho rằng Godzilla: King of the Monsters sẽ trở thành thế lực phòng vé mùa hè 2019, nhưng bom tấn thực tế đến nay vẫn đang chật vật để đạt mức hòa vốn.

X-Men: Dark Phoenix: Fox từng một lần chuyển thể đầu truyện tranh nổi tiếng Dark Phoenix Saga lên màn ảnh rộng với X-Men: The Last Stand (2006), nhưng vấp phải thất bại thảm hại. Do đó, các fan đã tin tưởng hãng khó có thể lặp lại sai lầm khi dự án Dark Phoenix được công bố. Song, tác phẩm mới thực tế chẳng gây được bất cứ ấn tượng nào. Bộ phim bị cắt xén nghiêm trọng khi nhiều cao trào, phát triển nhân vật tỏ ra sơ sài, phi lý. Các cảnh kỹ xảo hay hành động trong phim cũng không gây đủ ấn tượng để cứu vãn điều đó. Rốt cuộc, tác phẩm khép lại 20 năm X-Men nằm dưới tay Fox là một trải nghiệm vô cùng đáng quên của dòng phim siêu anh hùng.

Men in Black: International: Quyết định tái khởi động thương hiệu Men in Black của Sony là một canh bạc “được ăn cả, ngã về không” khi dự án thiếu vắng bộ đôi Will Smith - Tommy Lee Jones. Thực tế, bộ phim gần như chỉ dựa vào sự tương tác giữa Chris Hemsworth và Tessa Thompson sau màn kết hợp bùng nổ của họ ở Thor: Ragnarok (2017). Song, chỉ mình bộ đôi cũng không thể cứu vãn một dự án quá sức mờ nhạt về mặt nội dung. Kịch bản Men in Black: International thiếu đi cao trào thực sự và chứa đựng quá nhiều lỗ hổng. Chưa kể, việc xây dựng tính cách nhân vật “ăn theo” khiến phim như là phần ngoại truyện của Thor, chứ không phải Men in Black.

Viết bình luận